Xây dựng công cụ xử lý dữ liệu lớn, áp dụng trí tuệ nhân tạo vào kiểm toán doanh nghiệp

28/05/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Công nghệ cao nói chung và công nghệ thông tin (CNTT) nói riêng đang phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ, xuất hiện sâu rộng ở nhiều lĩnh vực. Các DN là đối tượng kiểm toán của KTNN chuyên ngành VI đã và đang ứng dụng CNTT vào trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhận thức được tầm quan trọng của công nghệ cao và CNTT đối với hoạt động kiểm toán, KTNN chuyên ngành VI đã quán triệt công chức, kiểm toán viên (KTV) luôn trau dồi nghiệp vụ, tìm hiểu và ứng dụng CNTT trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Những năm gần đây, KTNN đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, CNTT vào hoạt động kiểm toán

Ứng dụng hiệu quả các phần mềm

KTNN chuyên ngành VI thực hiện kiểm toán DN, kiểm toán chủ yếu trên hồ sơ, chứng từ, tài liệu do đơn vị cung cấp. Do đó, phạm vi ứng dụng công nghệ cao trong các cuộc kiểm toán do đơn vị thực hiện về cơ bản liên quan đến sử dụng các công cụ CNTT hỗ trợ cho hoạt động thu thập, xử lý dữ liệu kế toán, dữ liệu bản vẽ công trình khi kiểm toán và công tác xử lý văn bản, điều hành hoạt động thường nhật.

KTNN chuyên ngành VI có 3/92 công chức được đào tạo chính quy ngành CNTT và 100% công chức thường xuyên được đào tạo, cập nhật việc sử dụng các phần mềm và ứng dụng CNTT cần thiết.

Thời gian qua, thực hiện yêu cầu của KTNN, đơn vị đã triển khai thử nghiệm một số phần mềm hỗ trợ như: Phần mềm Hỗ trợ kỹ thuật kiểm toán cho lĩnh vực DN (năm 2020), Phần mềm Hỗ trợ lập báo cáo kiểm toán (năm 2017)... Đồng thời, trong tất cả các cuộc kiểm toán hiện nay, các đoàn kiểm toán, KTV đều ứng dụng có hiệu quả những phần mềm ứng dụng.

100% công chức, KTV của KTNN chuyên ngành VI sử dụng thành thạo các phần mềm ứng dụng trong soạn thảo văn bản và xử lý dữ liệu như Word, Excel… và các phần mềm đang được ứng dụng trong hoạt động của KTNN như: Phần mềm Quản lý văn bản, Phần mềm Nhật ký kiểm toán, Phần mềm Kết quả, tiến độ, kiến nghị kiểm toán…

Lãnh đạo cấp ủy và lãnh đạo KTNN chuyên ngành VI đã chỉ đạo sát sao trong công tác ứng dụng CNTT vào hoạt động kiểm toán. Cụ thể, đối với các phần mềm đã hoàn thiện và áp dụng, cấp ủy và lãnh đạo đơn vị đã quán triệt toàn thể công chức, KTV thực hiện đồng bộ, thống nhất. Đối với các phần mềm thử nghiệm, cấp ủy và lãnh đạo đơn vị đã triển khai rộng rãi tới toàn thể công chức việc thử nghiệm, tham gia học tập và có đánh giá chức năng của phần mềm để tiếp tục hoàn thiện cho phù hợp với thực tiễn công tác kiểm toán. Ngoài ra, lãnh đạo đơn vị đã cử công chức phối hợp tích cực với Trung tâm Tin học của KTNN xây dựng đề cương thu thập thông tin DN, phục vụ cho việc xây dựng dữ liệu lớn của Ngành.

Tuy vậy, trong quá trình ứng dụng CNTT vào hoạt động kiểm toán, KTNN chuyên ngành VI còn gặp một số khó khăn. Chẳng hạn, các ứng dụng CNTT hiện nay do KTNN phát triển còn chưa có tính liên thông và tự động hóa cao, dẫn đến mất nhiều thời gian cho việc nhập liệu, ví dụ như công tác số hóa hồ sơ ở khâu khảo sát và khâu theo dõi thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán hoặc công tác nhập liệu vào Phần mềm Dữ liệu đầu mối, Phần mềm Theo dõi tiến độ kiểm toán, tổng hợp kết quả kiểm toán và theo dõi kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Bên cạnh đó, Phần mềm Hỗ trợ kỹ thuật kiểm toán lĩnh vực DN do nhà thầu thực hiện trong quá trình triển khai thử nghiệm cho thấy một số chức năng đòi hỏi nhiều thao tác thủ công của KTV, đặc biệt trong việc chỉnh sửa dữ liệu đầu vào để phần mềm có thể hiểu và xử lý (do dữ liệu sổ sách kế toán của mỗi đơn vị DN lại khác nhau, rất đa dạng và không thống nhất quy chuẩn trong khi phần mềm lại yêu cầu một định dạng dữ liệu nhất định mới xử lý được). Mặt khác, có những chức năng trong Phần mềm chưa thực sự tiện lợi và hiệu quả so với việc thực hiện trên Excel nên chưa tạo được động lực cho KTV sử dụng.
 
Tăng cường tự động hóa, liên thông dữ liệu, đào tạo nhân lực…

Để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, CNTT vào hoạt động kiểm toán trong thời gian tới, KTNN chuyên ngành VI đề xuất:

Tăng cường tự động hóa, liên thông dữ liệu giữa các phần mềm của KTNN và giữa KTNN với các ngành liên quan như Tổng cục Thuế về dữ liệu thông tin DN, dữ liệu thu nộp ngân sách, thực hiện xử lý tài chính hoặc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về dữ liệu dự án đầu tư để giảm thiểu thao tác thủ công cho KTV, từ đó giúp nâng cao hiệu quả xử lý dữ liệu và giảm thiểu sai sót nhập liệu do yếu tố con người.

Trung tâm Tin học nghiên cứu xây dựng các công cụ xử lý dữ liệu lớn, bước đầu áp dụng trí tuệ nhân tạo vào hỗ trợ kiểm toán DN như: dự đoán đánh giá mức độ có rủi ro về sai sót trọng yếu trên báo cáo tài chính của DN dựa trên dữ liệu và kết quả kiểm toán trước đây cũng như các thông tin hiện hành về đơn vị được thu thập tự động trên mạng internet. Đồng thời, Trung tâm Tin học cần nghiên cứu để hoàn thiện phần mềm cho phép tích hợp và truy xuất trực tiếp dữ liệu từ phần mềm kế toán của đơn vị, từ đó giảm thiểu thời gian đề nghị cung cấp tài liệu, xử lý dữ liệu thủ công để có thể truy cập các phần mềm hỗ trợ kỹ thuật kiểm toán như hiện nay.

KTNN chuyên ngành VI nói riêng và KTNN nói chung cần nâng cao nhận thức về ứng dụng CNTT vào hoạt động kiểm toán, tiếp tục đào tạo, cập nhật cho KTV về kỹ năng CNTT, nhấn mạnh kỹ năng về xử lý thao tác dữ liệu. Trong bối cảnh KTV thường xuyên phải đi công tác, khó thực hiện tập trung, KTNN có thể ứng dụng công nghệ giảng dạy trực tuyến để mở các lớp đào tạo online.

KTNN tổ chức hội thảo, tọa đàm để giới thiệu và phổ biến kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm kiểm toán của các KTNN khu vực, chuyên ngành đã triển khai các cuộc kiểm toán ứng dụng hiệu quả công nghệ cao, CNTT mang lại kết quả tốt.

(Báo Kiểm toán số 21/2021)

Xem thêm »