Nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở “Ứng dụng CNTT trong việc đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực của Kiểm toán viên nhà nước”

15/06/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Sáng 15/6/2021, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán Lê Minh Nam, Hội đồng khoa học của Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở “Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong việc đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực của Kiểm toán viên nhà nước” do Ths. Vũ Đình Khánh và Ths. Vương Thị Kiều Linh – KTNN chuyên ngành VI đồng chủ nhiệm.

Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán Lê Minh Nam là Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu

Theo Ban đề tài, việc đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực luôn được Tổng Kiểm toán nhà nước quan tâm, chú trọng chỉ đạo tổ chức thực hiện. Điều đó góp phần nâng cao chất lượng kiểm toán, đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ chuyên môn được giao. Tuy nhiên, hiện nay, KTNN vẫn gặp phải một số hạn chế, khó khăn gây ảnh hưởng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng Kiểm toán viên nhà nước (KTVNN), do đặc thù tổ chức hoạt động của KTNN như: Địa bàn tổ chức hoạt động của KTNN rộng khắp cả nước, các KTV thường đi kiểm toán xa; lĩnh vực kiểm toán của mỗi KTNN chuyên ngành tương đối riêng biệt với nhau và riêng biệt với các KTNN khu vực, dẫn đến việc tập trung các Kiểm toán viên cùng năng lực, trình độ, có chung nhu cầu, tham gia đào tạo, bồi dưỡng trong cùng một thời điểm là rất khó khăn.

Hiện nay, KTNN đang đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT vào hoạt động kiểm toán. Chiến lược phát triển và Kiến trúc tổng thể CNTT của KTNN giai đoạn 2019-2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Tổng Kiểm toán nhà nước ký ban hành. Do vậy việc ứng dụng CNTT trong đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực của KTVNN trong giai đoạn tới sẽ tận dụng được nhiều nền tảng vật chất và nhân sự từ Chiến lược.

Lựa chọn nghiên cứu đề tài: “Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực của kiểm toán viên nhà nước”, Ban đề tài muốn hướng đến mục tiêu nâng cao năng lực của KTVNN thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác đào tạo, bồi dưỡng của KTNN.

Với kết cấu thành 02 Chương, đề tài tập trung vào 03 nội dung cụ thể: Khái quát về năng lực của KTVNN hiện nay; Phân tích thực trạng hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực của KTVNN hiện nay và việc ứng dụng CNTT vào hoạt động này; đề xuất các kiến nghị, giải pháp tăng cường ứng dụng CNTT trong việc đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực của KTVNN trong thời gian tới.
 

Quang cảnh buổi nghiệm thu

Nhận xét về đề tài, Hội đồng nghiệm thu đánh giá: Đề tài đã đưa ra một số giải pháp ứng dụng CNTT trong việc đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực của KTVNN, trong đó có đề xuất giải pháp ứng dụng CNTT trong tổ chức đào tạo, bồi dưỡng KTVNN theo mô hình học tập trực tuyến (E-Learning), hướng tới tăng cường việc tự đào tạo của KTVNN. Đây là hướng đi phù hợp với xu hướng cũng như đặc thù hoạt động của KTVNN.

Để hoàn thiện đề tài, Hội đồng nghiệm thu đề nghị, Ban đề tài nghiên cứu, đi sâu phân tích thực trạng ứng dụng CNTT trong việc đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực của KTVNN. Đồng thời, cần đánh giá việc ứng dụng CNTT trong cả 2 khâu là công tác quản lý hoạt động đào tạo và công tác tổ chức thực hiện đào tạo. Khi đánh giá thực trạng cần phân tách giữa tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của các tồn tại hạn chế, làm cơ sở cho việc đề xuất giải pháp phù hợp tại Chương 2.

Nội dung Chương 2 cần nêu được một số vấn đề như: Việc hoàn thiện chương trình đào tạo theo hướng phân nhóm đối tượng, vị trí công tác; Ứng dụng mô hình E-Learning trong thực hiện đào tạo; Xây dựng các quy định bắt buộc trong công tác đào tạo đối với các KTV và công chức của KTNN nói chung. Các giải pháp đề xuất trong Chương 2 cần dựa trên cơ sở giải quyết các tồn tại, hạn chế tại Chương 1, đồng thời cần gắn các hình thức đào tạo với nội dung đào tạo và kỳ vọng đặt ra đối với từng hình thức đào tạo sau khi thực hiện các ứng dụng…

Phát biểu kết luận, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu Lê Minh Nam đề nghị Ban đề tài nghiêm túc tiếp thu ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng, điều chỉnh mục tiêu, phạm vi cho phù hợp với đề tài; làm rõ sự cần thiết, điều kiện để ứng dụng E-Learning vào công tác đào tạo, bồi dưỡng; cụ thể hóa hơn nữa các giải pháp tại Chương 2…

Thời gian hoàn thiện đề tài là 01 tháng, kể từ ngày nghiệm thu.

Đề tài được Hội đồng thống nhất xếp loại Trung bình./.

M. Thúy
 

Xem thêm »