Những năm qua, kiểm toán quản lý thuế trong cuộc kiểm toán ngân sách địa phương (NSĐP) đã đạt được kết quả tích cực. Số kiến nghị truy thu nộp ngân sách khá lớn, chiếm tỷ trọng cao trong tổng số kiến nghị xử lý tài chính của đơn vị. Đồng thời, nhiều kiến nghị giúp địa phương khắc phục hạn chế trong công tác chỉ đạo, điều hành quản lý thuế. Để có được kết quả này, KTNN luôn chú trọng khâu tổ chức thực hiện kiểm toán.

Kiểm toán quản lý thuế trong cuộc kiểm toán NSĐP đã đạt được kết quả tích cực
Tổ chức thực hiện kiểm toán bài bản, mang tính chuyên môn sâu
Đối với kiểm toán quản lý thu tại cơ quan thuế, nhờ tổ chức tổ kiểm toán có tính chuyên môn riêng, KTNN đã thực hiện được việc kiểm toán chuyên sâu theo từng nội dung quản lý thu thuế của cơ quan thuế và các cơ quan chức năng có liên quan. Trong tổ chức thực hiện, KTNN luôn chú trọng một số nội dung ở từng khâu.
Theo đó, khi xây dựng Kế hoạch kiểm toán tổng quát, KTNN đã dựa vào mục tiêu chung và quy mô của từng cuộc kiểm toán để xác định đối tượng, nội dung, phạm vi, giới hạn và phương pháp kiểm toán cho phù hợp; đồng thời chú trọng thu thập thông tin, nghiên cứu những đặc điểm riêng của địa phương được kiểm toán, chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan có liên quan; thu thập thông tin cơ bản về kết quả sản xuất kinh doanh, kê khai quyết toán thuế, danh mục miễn, giảm thuế, hoàn thuế, kết quả kiểm tra, thanh tra thuế… Trên cơ sở đó, đoàn kiểm toán rà soát, đối chiếu các thông tin kế toán và thống kê thuế của cơ quan thuế, đánh giá tổng hợp tình hình quản lý thuế và khả năng sai phạm trong chấp hành chính sách, xác định trọng tâm để thực hiện kiểm toán.
Trong tổ chức thực hiện, các đoàn kiểm toán đã chú trọng kiểm toán tổng hợp, xác định cụ thể số DN kê khai thuế trên địa bàn, số lượng dự án, diện tích đất được giao đất, được thông báo và chưa được thông báo tiền sử dụng đất. Qua đó, đoàn kiểm toán phân tích, xác định các trường hợp, hồ sơ cụ thể có nghi vấn sai phạm về kê khai quyết toán thuế, miễn giảm thuế, hoàn thuế để xác định cần phải thu thập thông tin, bằng chứng kiểm toán cần thiết cho kết luận kiểm toán.
Bên cạnh đó, các đoàn kiểm toán cũng chú trọng các nội dung: Hồ sơ pháp lý; mốc thời gian để xác định cụ thể các văn bản pháp quy áp dụng đối với hồ sơ thu tiền sử dụng đất; các yếu tố tính tiền sử dụng đất của cơ quan thuế và các căn cứ pháp lý cơ quan thuế xác định các yếu tố này; điều kiện miễn, giảm tiền sử dụng đất; chú ý các vấn đề có liên quan để áp dụng các điều khoản bổ sung theo quy định của chế độ thu tiền sử dụng đất.
Về phương pháp kiểm toán, trên cơ sở kết quả kiểm toán tổng hợp, đoàn kiểm toán phân tích, rà soát, lựa chọn phương pháp chọn mẫu thích hợp nhằm xác định cụ thể danh mục các hồ sơ để kiểm toán chi tiết.
Những kết quả đạt được trong tổ chức kiểm toán tại cơ quan quản lý thuế đã góp phần tích cực vào thành công chung của các cuộc kiểm toán NSĐP. Trong đó, việc đánh giá tương đối toàn diện một số chỉ tiêu cơ bản về quản lý thuế; kiến nghị xử lý truy thu, xử phạt vi phạm, phạt chậm nộp thuế; kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đã góp phần thúc đẩy quá trình đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính sách về quản lý thuế...
Vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động kiểm toán thu ngân sách tại cơ quan thuế trong kiểm toán NSĐP vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc.
Công tác tổ chức đoàn kiểm toán NSĐP theo từng lĩnh vực đã tạo được tính chuyên môn sâu cho việc thực hiện kiểm toán tại cơ quan thuế. Tuy nhiên hiện nay, cách thức tổ chức kiểm toán NSĐP của KTNN chưa thống nhất, KTNN các khu vực có nhiều cách tổ chức đoàn kiểm toán. Theo đó, ngoài tổ chức tổ kiểm toán theo từng lĩnh vực, các đoàn kiểm toán còn thực hiện kiểm toán tổng hợp. Việc tổ chức kiểm toán tổng hợp phù hợp với cuộc kiểm toán có mục tiêu là kiểm toán xác nhận. Tuy nhiên, đối với cuộc kiểm toán NSĐP có phạm vi rộng, nhiều mục tiêu, nội dung, để nâng cao chất lượng chuyên môn, cần bố trí các tổ kiểm toán theo hướng chuyên môn hoá.
Mặt khác, mục tiêu, nội dung kiểm toán chủ yếu tập trung đánh giá việc tuân thủ pháp luật, chưa chú trọng nhiều đến đánh giá tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực trong quản lý thu... Việc tổ chức phối hợp giữa các tổ kiểm toán tại các cơ quan tài chính tổng hợp nhằm kiểm tra tính hợp lý, khớp đúng của số báo cáo quyết toán thu ngân sách vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong hạch toán chương, mục.
Hơn nữa, thời gian qua, KTNN mới chỉ kiểm toán được nội dung về thu tiền sử dụng đất mà chưa kiểm toán về quy hoạch sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất, quản lý, sử dụng nguồn thu từ đất. Kiểm toán tuân thủ chính sách thu tiền sử dụng đất với nội dung, đối tượng còn hạn hẹp, chủ yếu tập trung vào thu tiền sử dụng đất của các đối tượng được giao cấp đất, các tổ chức chuyển mục đích sử dụng đất, chưa kiểm toán đối tượng xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có phát sinh nghĩa vụ tài chính…
Phương pháp kiểm toán chủ yếu là kiểm toán tổng hợp và chi tiết trên cơ sở hồ sơ, tài liệu do các cơ quan chức năng địa phương cung cấp. Do vậy, các bằng chứng kiểm toán chưa được củng cố chắc chắn.
Đối với việc xác lập hồ sơ, mẫu biểu kiểm toán, việc kiểm toán quản lý thu ngân sách không chỉ liên quan đến cơ quan thuế mà còn liên quan đến một số cơ quan chức năng khác. Do vậy, quá trình thu thập thông tin, xác lập hồ sơ kiểm toán, xác lập biên bản xác nhận số liệu kiểm toán đôi khi phải thực hiện với những tổ chức, cá nhân khác nhau, điều này khiến tổ kiểm toán, kiểm toán viên gặp khó khăn trong việc thu thập bằng chứng kiểm toán, xác lập nội dung và ký biên bản xác nhận số liệu kiểm toán.
Một vấn đề nữa là kiểm toán NSĐP có phạm vi rộng, nội dung kiểm toán thu ngân sách tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguồn thu phát sinh lớn, chính sách thu thay đổi qua nhiều thời kỳ. Chính vì vậy, KTNN cần có sự chuẩn bị về nhân lực để thực hiện tốt nội dung kiểm toán này.
TS. Mai Văn Tân - KTNN khu vực XIII
(Theo Báo Kiểm toán số 25/2021)