Để cuộc kiểm toán ngân sách địa phương đạt kết quả cao  

26/06/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Chất lượng kiểm toán ngân sách địa phương (NSĐP) có ý nghĩa quan trọng trong công tác điều hành ngân sách của chính quyền địa phương các cấp. Thực tiễn hoạt động kiểm toán này thời gian qua cho thấy việc quản lý NSĐP vẫn còn nhiều bất cập, các hoạt động thu, chi còn một số sai sót phổ biến.

Chất lượng kiểm toán NSĐP có ý nghĩa quan trọng trong công tác điều hành ngân sách địa phương của chính quyền các cấp

Những sai sót phổ biến trong quản lý ngân sách địa phương

Qua kiểm toán, KTNN phát hiện việc lập dự toán chưa bao quát hết nguồn thu, số ước thực hiện còn thấp so với khả năng thực hiện. Đối với chi đầu tư phát triển, địa phương chưa bố trí kế hoạch vốn để thu hồi các khoản ứng trước, chưa phân bổ, phân khai chi tiết kế hoạch ngay từ đầu năm; bố trí vốn sai nội dung nguồn kinh phí, thiếu căn cứ, chưa bố trí đủ dự toán để trả các khoản nợ vay đến hạn…

Quá trình tổng hợp báo cáo nợ đọng không chính xác; phân loại nợ không đúng quy định. Nợ đọng cuối năm không được báo cáo đầy đủ, nhiều địa phương chưa phản ánh các khoản nợ liên quan đến các khoản thu về đất (tiền thuê đất, thu sử dụng đất của các dự án) hàng trăm tỷ đồng; nợ đọng có xu hướng tăng.

Khâu xác định nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai còn nhiều bất cập trong phương pháp tính giá đất để xác định doanh thu phát triển. Một số địa phương có những địa điểm đất giao cho DN quản lý, sử dụng từ nhiều năm nhưng không ký hợp đồng thuê đất, không thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai hoặc nhiều địa điểm đất được thuê đã hết thời kỳ ổn định từ nhiều năm nhưng chưa được xác định lại giá đất theo quy định, gây thất thu NSNN.

Tỷ lệ DN hằng năm được thanh tra, kiểm tra chưa đảm bảo yêu cầu; có DN nhiều năm liền không được kiểm tra thuế, làm ảnh hưởng đến thu NSNN. Tình trạng DN hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, từ đó tính thiếu thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN và lợi nhuận còn lại phải nộp NSNN còn diễn ra phổ biến. Đáng lưu ý, nhiều DN giao dịch với các bên có hoạt động giao dịch thuộc diện phải kê khai nộp thuế, tuy nhiên, những DN này vẫn chưa thực hiện kê khai các giao dịch liên kết để nộp thuế theo quy định.

Chi đầu tư phát triển còn tình trạng nhiều dự án chưa được phê duyệt hoặc phê duyệt quyết toán chậm. Hầu hết các dự án, công trình được kiểm toán giá trị khối lượng nghiệm thu, thanh toán cho nhà thầu đều phải giảm trừ, sai sót phổ biến là thanh toán trùng khối lượng, nghiệm thu không đúng thực tế thi công…

Chi thường xuyên không đúng dự toán được giao; lập khống chứng từ để chi tiền. Tình trạng chưa tuân thủ nghiêm quy định của Nhà nước về trích lập, xác định nhu cầu và quản lý sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn phổ biến ở các địa phương. Chi mua sắm tài sản có giá trị lớn không tuân thủ Luật Đấu thầu. Đặc biệt, sử dụng các tài sản như: nhà đất, trụ sở, ô tô… để cho thuê, mượn tài sản, liên doanh, liên kết không đúng quy định. Chi chuyển nguồn không đủ thủ tục, không đúng quy định…
 
6 vấn đề cần hoàn thiện

Để cuộc kiểm toán NSĐP đạt kết quả cao, công tác kiểm toán cần không ngừng hoàn thiện, nâng cao chất lượng trên cơ sở thực hiện tốt các giải pháp sau:

Một là, kế hoạch khảo sát cần bám sát hướng dẫn về trọng yếu, mục tiêu kiểm toán hằng năm của Ngành và đặc điểm quy mô ngân sách của từng địa phương để xây dựng đề cương khảo sát phù hợp, giúp thu thập thông tin đầy đủ, phục vụ việc lập Kế hoạch kiểm toán (KHKT) tổng quát. Bố trí thời gian, nhân lực khảo sát phù hợp để có thể thu thập được đầy đủ thông tin, có đầy đủ thời gian nghiên cứu tài liệu, hồ sơ khảo sát, nâng cao chất lượng công tác khảo sát, lập kế hoạch cuộc kiểm toán.

Hai là, KHKT (gồm kế hoạch tổng quát của đoàn kiểm toán và KHKT chi tiết của các tổ kiểm toán) cần xác định trọng tâm kiểm toán, tránh lan man, dàn trải; ưu tiên lựa chọn những vấn đề, nội dung trọng yếu. Muốn vậy, cần chú trọng việc đánh giá rủi ro tiềm tàng, rủi ro kiểm soát để từ đó xác định được trọng yếu kiểm toán, các nội dung trọng yếu và phương pháp, thủ tục kiểm toán đối với từng nội dung trọng yếu.

Ba là, tăng cường kết hợp kiểm toán hoạt động khi thực hiện kiểm toán bởi hiện nay, các báo cáo kiểm toán tập trung chủ yếu vào những phát hiện hành vi vi phạm trong quản lý thu, chi ngân sách. Việc đi sâu đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, điều hành ngân sách của các cấp chính quyền địa phương chưa được chú trọng, chưa tập trung phân tích, đánh giá bất cập trong quản lý điều hành ngân sách, nguyên nhân và biện pháp khắc phục.

Bốn là, trong kiểm toán thu ngân sách, KTNN cần chú trọng kiểm toán tổng hợp và tăng cường kiểm toán đối chiếu thuế, tập trung vào mục tiêu chính của kiểm toán thuế là đánh giá sự tuân thủ pháp luật, hiệu quả, hiệu lực trong hoạt động tổ chức thu thuế của cơ quan thuế. Cần bố trí thời gian kiểm toán tổng hợp hợp lý, phân công kiểm toán viên có kinh nghiệm và am hiểu về lĩnh vực thuế. Việc lựa chọn các đơn vị đối chiếu phải dựa trên phân tích báo cáo tài chính của đơn vị để lựa chọn những đơn vị có rủi ro, lĩnh vực nhạy cảm, có khả năng sai sót cao...

Năm là, việc kiểm toán trên cơ sở đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu là xu hướng tất yếu và bắt buộc. Do đó, kiểm toán viên cần tuân thủ Hướng dẫn về phương pháp kiểm toán tiếp cận rủi ro, trọng yếu trong lĩnh vực NSĐP của KTNN; ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động chuyên môn để phân tích thông tin, chọn mẫu kiểm toán.

Sáu là, chú trọng công tác kiểm tra, giám sát chất lượng kiểm toán, thực hiện đúng Quy chế kiểm soát chất lượng kiểm toán của KTNN. Đoàn kiểm toán phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo KTNN khu vực và tổ kiểm soát trong kiểm soát chất lượng kiểm toán khu vực. Tăng cường công tác kiểm soát trực tiếp của các tổ kiểm soát khu vực để kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót, hạn chế trong quá trình kiểm toán.

Ths. Ngô Minh Kiểm - Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán
(Báo Kiểm toán số 25/2021)

 
 
 

Xem thêm »