Hoàn thiện hoạt động kiểm soát chất lượng kiểm toán của Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước chuyên ngành và khu vực

01/07/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - “Hoàn thiện hoạt động kiểm soát chất lượng kiểm toán của Kiểm toán trưởng nhằm nâng cao chất lượng kiểm toán tại Kiểm toán nhà nước chuyên ngành và khu vực” là chủ đề của Hội thảo khoa học diễn ra ngày 6/1/2021 tại trụ sở KTNN - 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội. Hội thảo do Ban chủ nhiệm đề tài NCKH cấp Bộ gồm Ths. Hà Minh Dũng, Ths. Nguyễn Thanh Huệ, Ths. Đặng Văn Tâm, Ths. Trần Công Huân, CN. Bùi Hạnh Ngọc tổ chức với sự tham gia của các nhà khoa học, các chuyên gia của Kiểm toán nhà nước (KTNN).

Đại diện Ban chủ nhiệm đề tài, Ths. Hà Minh Dũng phát biểu

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước - TS. Vũ Văn Họa chủ trì hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, đại diện Ban chủ nhiệm đề tài, Ths. Hà Minh Dũng cho biết: Chất lượng kiểm toán luôn là yếu tố quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong việc khẳng định uy tín, hiệu lực, hiệu quả hoạt động KTNN. Để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, KTNN phải bảo đảm kết quả kiểm toán tin cậy và được kiểm soát chất lượng (KSCL) đầy đủ, thích hợp. Với vai trò quan trọng của mình, KSCL kiểm toán được Tổ chức quốc tế các Cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) thừa nhận như một quy định bắt buộc và là trách nhiệm được quy định rõ trong chuẩn mực kiểm toán. Các cơ quan KTNN của các quốc gia trên thế giới đều coi KSCL kiểm toán là hoạt động có tính bắt buộc đi đôi với hoạt động kiểm toán và cần phải được quan tâm nhằm đảm bảo chất lượng kiểm toán đáp ứng yêu cầu của các đơn vị sử dụng thông tin.

Sau 27 năm thành lập và phát triển, KTNN đã dần khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong hệ thống các công cụ kiểm tra, kiểm soát tài chính Nhà nước; địa vị pháp lý và chất lượng hoạt động của KTNN đã và đang được Đảng, Nhà nước và nhân dân quan tâm. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng đã ghi rõ: “Nâng cao hiệu lực pháp lý và chất lượng KTNN như một công cụ mạnh của Nhà nước”, trong nhiều năm qua, KTNN luôn coi trọng việc thiết lập, duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động KSCL kiểm toán.

Năm 2014, lần đầu tiên KTNN ban hành Quy chế KSCL kiểm toán theo Quyết định số 395/QĐ-KTNN ngày 12/3/2014. Đến năm 2016 và năm 2020 được thay thế bằng Quy chế KSCL kiểm toán ban hành theo Quyết định số 558/QĐ-KTNN ngày 22/3/2016 và Quy chế KSCL kiểm toán ban hành theo Quyết định số 1694/QĐ-KTNN ngày 27/11/2020, nhằm hoàn thiện và bổ sung những bất cập còn tồn tại của Quy chế KSCL kiểm toán ban hành năm 2014. Hiện tại, KTNN đang áp dụng Hệ thống chuẩn mực KTNN ban hành theo Quyết định 02/2016/QĐ-KTNN ngày 15/7/2016 và các Hướng dẫn phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán đối với từng lĩnh vực được ban hành năm 2018, 2019. Bên cạnh đó, hoạt động kiểm toán cũng đang dần được dịch chuyển từ loại hình kiểm toán tài chính và kiểm toán tuân thủ sang kiểm toán hoạt động. Do đó, hoạt động KSCL kiểm toán cũng cần phải được đánh giá và tiếp cận ở góc độ mới để phù hợp với phương pháp kiểm toán và loại hình kiểm toán đang áp dụng của KTNN.

Để nâng cao chất lượng kiểm toán trong thời gian tới, KTNN cần nâng cao hiệu quả hoạt động KSCL kiểm toán ở tất cả các cấp gồm: Tổng Kiểm toán nhà nước, Kiểm toán trưởng, Trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán , Kiểm toán viên (KTV) nhà nước và thành viên của Đoàn kiểm toán, Vụ Chế độ và KSCL kiểm toán, Tổ KSCL kiểm toán của KTNN chuyên ngành, khu vực; Vụ Tổng hợp, Vụ Pháp chế và các tổ chức, cá nhân khác liên quan đến hoạt động KSCL kiểm toán thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao theo Luật KTNN và các qui định khác của KTNN để bảo đảm chất lượng kiểm toán và chất lượng BCKT. Trong đó, việc KSCL kiểm toán của đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán được đánh giá là quan trọng nhất quyết định chất lượng kiểm toán của cuộc kiểm toán mà trách nhiệm thuộc về người đứng đầu đơn vị là Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành và khu vực.

Từ những phân tích trên, việc lựa chọn vấn đề nghiên cứu “Hoàn thiện hoạt động kiểm soát chất lượng kiểm toán của Kiểm toán trưởng nhằm nâng cao chất lượng kiểm toán tại KTNN chuyên ngành và khu vực” là thực sự cấp thiết có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn nhằm bổ sung, hoàn thiện hoạt động KSCL kiểm toán của Kiểm toán trưởng góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của hoạt động kiểm toán của KTNN.

Theo Ban đề tài, đến thời điểm nghiên cứu đã có một số đề tài liên quan đến hoạt động KSCL kiểm toán và hoạt động KSCL kiểm toán của Kiểm toán trưởng được nghiên cứu tại KTNN. Tuy nhiên, các đề tài nghiên cứu về hoạt động KSCL kiểm toán trước năm 2014 khi KTNN chưa ban hành Quy chế KSCL kiểm toán còn mang tính khái quát; là cơ sở cho việc xây dựng, ban hành Quy chế KSCL kiểm toán của KTNN, chưa nghiên cứu cụ thể cho một chủ thể hay hình thức kiểm soát nào.

Trong đó, đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở Hoàn thiện hoạt động KSCL kiểm toán của Kiểm toán trưởng tại KTNN năm 2018 của tác giả Nguyễn Thanh Huệ đã đặt vấn đề nghiên cứu cụ thể đối với hoạt động KSCL kiểm toán của Kiểm toán trưởng tại KTNN. Tuy nhiên, với quy mô một đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở tác giả chỉ tập trung phân tích thực trạng hoạt động KSCL kiểm toán thông qua các Báo cáo KSCL kiểm toán của Vụ Chế độ & KSCL kiểm toán, mà chưa nghiên cứu hoạt động này từ các KTNN chuyên ngành và khu vực. Do đó dựa vào nền tảng tác giả đã nghiên cứu từ đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, Ban đề tài mong muốn phát triển và nghiên cứu sâu hơn hoạt động KSCL kiểm toán của Kiểm toán trưởng tại KTNN tương xứng quy mô đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ với cách tiếp cận mới và đối tượng, phạm vi, phương pháp nghiên cứu được mở rộng hơn.
 
Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành IV Hoàng Phú Thọ phát biểu 

Đối tượng và phạm vi nghiên clà Hoạt động KSCL kiểm toán của Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành và khu vực các năm 2017, 2018, 2019, 2020. Đây là 04 năm sau khi thực hiện Quy chế KSCL kiểm toán ban hành theo Quyết định số 558/QĐ-KTNN ngày 22/3/2016 và Quyết định số 1694/2020/QĐ-KTNN ngày 27/11/2020.

Ngoài các phương pháp nghiên cứu cơ bản, Ban đề tài thực hiện gửi phiếu khảo sát đến 21 KTNN chuyên ngành và khu vực (dự kiến thông qua các Phòng Tổng hợp) và các Kiểm toán viên thuộc các đơn vị tham mưu của KTNN. Thông qua kết quả khảo sát, Ban đề tài sẽ tổng hợp, đánh giá hoạt động KSCL kiểm toán của Kiểm toán trưởng được toàn diện, khách quan từ các đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán và các đơn vị tham mưu.

Đề tài có kết cấu gồm 3 Chương: Chương 1: Cơ sở lý luận của hoạt động KSCL kiểm toán của Kiểm toán trưởng tại KTNN; Chương 2: Thực trạng hoạt động KSCL kiểm toán của Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành và khu vực; Chương 3: Một số giải pháp nhằm hoàn thiện hoạt động KSCL kiểm toán của Kiểm toán trưởng tại KTNN.

Với việc sử dụng các phương pháp lý luận khoa học cơ bản để phân tích làm rõ nội dung nghiên cứu như: Thu thập thông tin, tổng hợp, thống kê, phân tích, so sánh. Đề tài đã hệ thống hóa các vấn đề lý luận về tổ chức hoạt động KSCL kiểm toán của Kiểm toán trưởng tại KTNN; Đánh giá thực trạng một cách toàn diện việc tổ chức hoạt động KSCL kiểm toán của Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành và khu vực thông qua các Báo cáo KSCL kiểm toán của Vụ Chế độ & KSCL kiểm toán và của các đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán; Đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động KSCL kiểm toán của Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành và khu vực - là kênh tham khảo quan trọng về cả lý luận và thực tiễn để chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện Quy chế KSCL kiểm toán của KTNN.

Tại hội thảo, Ban chủ nhiệm đề tài đã được nghe phần tham luận và ý kiến đóng góp của các nhà khoa học và khách mời về chủ đề của hội thảo.

Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của Ban chủ nhiệm đề tài, đồng thời đề nghị tiếp tục hoàn thiện đề tài trên cơ sở tiếp thu toàn bộ ý kiến góp ý của các nhà khoa học, các khách mời của KTNN. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cho rằng đây là đề tài nghiên cứu có giá trị khoa học và thực tiễn cao, đáp ứng tốt các yêu cầu đặt ra trong việc nâng cao chất lượng kiểm toán tại KTNN chuyên ngành và khu vực./.

Hà Linh

Xem thêm »