Tạo đột phá trong ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán

01/07/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Xác định việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động kiểm toán là yêu cầu cấp thiết về lâu dài cũng như giúp giảm bớt tác động xấu của dịch bệnh đến đoàn kiểm toán, kiểm toán viên (KTV), Tổng Kiểm toán Nhà nước yêu cầu các đơn vị kiểm toán, Trung tâm Tin học tăng cường các giải pháp mang tính đột phá để nâng cao hiệu quả ứng dụng CNTT vào hoạt động kiểm toán.

Công tác ứng dụng CNTT trong hoạt động kiểm toán mang lại hiệu quả trước mắt cũng như lâu dài

Chiến lược phát triển KTNN xác định 3 trụ cột phát triển, trong đó có trụ cột về công nghệ với mục tiêu hướng đến là “tạo nền tảng cho quá trình chuyển đổi phương pháp kiểm toán truyền thống sang phương pháp kiểm toán hiện đại dựa trên dữ liệu số, hướng tới môi trường kiểm toán số bảo mật và tích hợp cao; ứng dụng CNTT để minh bạch, công khai hoạt động kiểm toán và kết quả kiểm toán”.
  
Dấu ấn công nghệ trong hoạt động kiểm toán

Trong những năm qua, KTNN đã từng bước ứng dụng CNTT vào các hoạt động của Ngành, các đơn vị, cũng như trong hoạt động kiểm toán. Theo đó, việc xây dựng quy trình tạo lập, lưu trữ và khai thác hồ sơ kiểm toán điện tử đã giúp giản tiện cho công tác lưu trữ hồ sơ kiểm toán, cũng như làm gia tăng giá trị trong hoạt động kiểm toán.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Tin học Nguyễn Văn Quang, từ năm 2018, KTNN đã tổ chức thực hiện số hóa toàn bộ hồ sơ kiểm toán với hàng triệu trang tài liệu các loại đã được số hóa, cập nhật gần 6 triệu trường thông tin hồ sơ, tài liệu để phục vụ quản lý, lưu trữ và khai thác thông tin phục vụ công tác kiểm toán. Công tác ứng dụng CNTT hỗ trợ KTV thực hiện kỹ thuật kiểm toán cũng đã bước đầu phát huy hiệu quả, qua đó giúp tạo thuận lợi của KTV trong quá trình thực hiện kiểm toán.

Đặc biệt, theo ông Quang, KTNN đã xây dựng hệ thống danh mục dùng chung trong lĩnh vực kiểm toán; hệ thống danh mục đơn vị được kiểm toán giúp KTV dễ dàng hơn trong việc thu thập thông tin về đối tượng kiểm toán. Hàng chục phần mềm phục vụ hoạt động kiểm toán đã được phát triển và ứng dụng, bao gồm phần mềm nhật ký điện tử online kiểm soát hoạt động của các KTV từ xa, phần mềm tổng hợp kết quả kiểm toán cũng như các phần mềm hỗ trợ kiểm toán trong từng lĩnh vực. Việc sử dụng các công nghệ mới vào hoạt động kiểm toán, như công nghệ bay flycam, công nghệ viễn thám... không chỉ giúp thu thập, đánh giá dữ liệu kiểm toán một cách toàn diện, hiệu quả, mà còn giúp KTV hạn chế tiếp xúc trực tiếp với đối tượng kiểm toán để phòng ngừa lây lan dịch bệnh.

Cùng với đó, việc theo dõi tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán của các đơn vị cũng được quản lý trên phần mềm. Việc ứng dụng CNTT cũng đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán thông qua việc ghi và kiểm soát nhật ký kiểm toán trực tuyến... Hiệu quả từ việc ứng dụng CNTT vào hoạt động kiểm toán đã mang lại những tiện ích cho KTV, giúp gia tăng giá trị kiểm toán, đồng thời góp phần tạo sự chuyển biến trong nhận thức của KTV về phương thức làm việc mới, với sự hiện diện không thể thiếu của yếu tố CNTT.
 
Ứng dụng công nghệ là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt

Trong bối cảnh các đoàn kiểm toán, KTV phải thực hiện nhiệm vụ kiểm toán song song với yêu cầu phòng, chống dịch bệnh như hiện nay, sự tham gia của CNTT vào hoạt động kiểm toán tiếp tục là giải pháp quan trọng được các đơn vị kiểm toán quan tâm thực hiện.

Tại cuộc họp giao ban trực tuyến toàn Ngành tháng 6 vừa qua, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã yêu cầu các đơn vị kiểm toán đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào công tác kiểm toán; đồng thời tạo sự chuyển biến mang tính đột phá trong hoạt động này. Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước, đây không chỉ là giải pháp hữu hiệu trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, mà còn là định hướng phát triển của Ngành, theo Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030. Theo đó, Tổng Kiểm toán Nhà nước giao Trung tâm Tin học phối hợp với các đơn vị xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá ứng dụng CNTT của các đơn vị phục vụ công tác đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ và bình xét thi đua, khen thưởng hằng năm của KTNN, trong đó, việc ứng dụng CNTT được xem xét với từng đoàn kiểm toán.

Thông tin về việc ứng dụng CNTT vào hoạt động kiểm toán trong bối cảnh dịch bệnh, Giám đốc Trung tâm Tin học Phạm Thị Thu Hà cho biết, theo chỉ đạo của Tổng Kiểm toán Nhà nước, các đoàn kiểm toán, KTV sẽ hạn chế tiếp xúc trực tiếp với đơn vị được kiểm toán để hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh; việc thông qua các ứng dụng công nghệ để tiếp cận thông tin tài liệu, dữ liệu của đơn vị được kiểm toán là một trong những giải pháp để tháo gỡ khó khăn này.

KTNN hạn chế tối đa việc tổ chức công bố quyết định kiểm toán, thông qua kết luận kiểm toán theo hình thức trực tiếp mà được tiến hành trực tuyến. Việc tổ chức thực hiện giải pháp này có nhiều thuận lợi khi từ trước đó, KTNN đã chú trọng xây dựng hạ tầng một cách bài bản, đồng bộ với hệ thống truyền hình trực tuyến được đảm bảo thông suốt. Theo bà Hà, một trong những định hướng lớn đang được Ngành triển khai, đó là kết nối liên thông dữ liệu và áp dụng trí tuệ nhân tạo trong kiểm toán, phân tích dữ liệu để tiến tới, KTNN sẽ thực hiện kiểm toán từ xa, thay vì thực hiện kiểm toán tại đơn vị như hiện nay.

Nhìn lại những chặng đường phát triển của KTNN vừa qua, có thể nói sự hiện diện của CNTT, công nghệ mới đang từng bước làm thay đổi căn bản hoạt động của KTNN, trọng tâm là hoạt động kiểm toán từ đó đưa KTNN đi theo đúng lộ trình chuyển đổi số. Trong bối cảnh dịch bệnh, những chủ trương đúng đắn của lãnh đạo KTNN qua các thời kỳ về phát triển CNTT đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp cho hoạt động kiểm toán nâng cao tính chủ động, từ đó giúp KTNN hoàn thành tốt kế hoạch kiểm toán; đồng thời cùng Chính phủ chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, đơn vị, DN để cùng vượt qua đại dịch./.
 
Nguyễn Lộc
(Theo Báo Kiểm toán số 26/2021)
 

Xem thêm »