Nhằm đánh giá cụ thể những kết quả nổi bật về công tác bình đẳng giới (BĐG) trong thời gian qua và giải pháp để thực hiện thành công Kế hoạch hành động về BĐG giai đoạn 2021-2025 của KTNN, Phóng viên Báo Kiểm toán đã có cuộc phỏng vấn Chủ tịch Công đoàn KTNN Trần Kim Lộc về những nội dung này.
Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn trao Nghị quyết của UBTVQH về việc phê chuẩn Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cho đồng chí Hà Thị Mỹ Dung
Trong vai trò Chủ tịch Công đoàn KTNN, ông đánh giá như thế nào về kết quả thực hiện công tác BĐG ở KTNN?
- Được sự quan tâm, chỉ đạo của Ban cán sự đảng, Đảng ủy và Lãnh đạo KTNN, thời gian qua, công tác BĐG của KTNN đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Cụ thể, Quy hoạch công chức giai đoạn 2016-2021 đã bổ sung và duy trì chức danh lãnh đạo nữ cấp Vụ là 36/171 người, chiếm 21%; bổ sung và duy trì chức danh lãnh đạo nữ cấp Phòng là 300/832 người, chiếm 36%. Quy hoạch công chức giai đoạn 2021-2026 đã bổ sung và duy trì chức danh lãnh đạo nữ cấp Vụ là 28/169 người, chiếm 16%; bổ sung và duy trì chức danh lãnh đạo nữ cấp Phòng là 375/1.020 người, chiếm 36%.
Tính đến nay, tỷ lệ nữ lãnh đạo cấp Vụ, cấp Phòng đã tăng hơn so với giai đoạn 2011-2015. Cụ thể, 15/34 đơn vị trực thuộc có lãnh đạo cấp Vụ là nữ; trong đó, có 17/145 lãnh đạo cấp Vụ là nữ, chiếm 12%, có 155/665 lãnh đạo cấp Phòng là nữ, chiếm 23%. Hiện nay, tổng số nữ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động (CCVCNLĐ) toàn Ngành là 749/2.306 người, chiếm 32%; trong đó nữ kiểm toán viên (KTV) cao cấp là 5/32 người, nữ KTV chính 111/475 người, nữ KTV 331/1.016 người.
Đặc biệt, mới đây, tại trụ sở KTNN, Phó Chủ tịch Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã công bố Nghị quyết số 1259/NQ-UBTVQH14 về việc phê chuẩn chức danh Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước đối với bà Hà Thị Mỹ Dung. Sự kiện này có ý nghĩa lớn lao, vừa ghi nhận sự nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ của cá nhân đồng chí Hà Thị Mỹ Dung trong suốt 27 năm công tác trong ngành KTNN, là dấu mốc ghi nhận lần đầu tiên KTNN có Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước là nữ giới; đồng thời cho chúng ta thấy được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quốc hội cũng như của Lãnh đạo KTNN đối với công tác BĐG. Cũng thông qua sự kiện này, tôi tin tưởng KTNN sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong công tác BĐG và vì sự tiến bộ phụ nữ (VSTBPN) trong thời gian tới.
Là một ngành hoạt động rất đặc thù, cụ thể là các KTV thường xuyên phải công tác xa nhà, dài ngày trong năm..., theo ông điểm khác biệt này ảnh hưởng như thế nào đến công tác BĐG của KTNN?
- KTNN là ngành có hoạt động rất đặc thù, trong đó KTV thường xuyên phải đi công tác xa nhà và dài ngày trong năm. Đây là một trong những điểm có ảnh hưởng không nhỏ đến công tác BĐG. Theo đó, việc phân công đoàn, tổ kiểm toán ngoài các tiêu chí về trình độ năng lực, phẩm chất và chuyên ngành phù hợp, cần tính đến các yếu tố như địa lý và thời gian kiểm toán, hoàn cảnh gia đình của các KTV, đặc biệt là KTV nữ. Đối với các trường hợp nữ KTV đang nuôi con nhỏ hoặc hoàn cảnh gia đình neo người, cần có phương án phân công ưu tiên phù hợp, tạo điều kiện KTV bố trí việc gia đình và yên tâm công tác. Một số KTV thuộc Ban VSTBPN trong thời gian tham gia kiểm toán đã phải chủ động sắp xếp thời gian, công việc để bàn giao công tác BĐG cho CCVCNLĐ trong đơn vị nhằm đảm bảo cho hoạt động này được thực hiện liên tục và không bị gián đoạn.
Ngoài ra, hoạt động BĐG của KTNN còn có một số hạn chế cần được nhìn nhận và khắc phục; trong đó, việc lồng ghép quan điểm BĐG và VSTBPN trong các hoạt động chưa thực hiện đồng đều ở tất cả các đơn vị, có đơn vị thực hiện còn mang tính hình thức, chưa rõ nét. Số lượng CCVC được phân công phụ trách công tác VSTBPN còn “mỏng” dẫn tới việc tham mưu, triển khai công tác này còn gặp khó khăn. Đa số nữ CCVCNLĐ của KTNN đã được tiếp cận kiến thức BĐG và VSTBPN, tuy nhiên, họ chưa được trang bị nhiều kỹ năng thực hiện lồng ghép giới trong hoạch định chính sách và thực hiện các hoạt động chuyên môn; kinh phí cấp cho hoạt động VSTBPN còn thấp gây khó khăn, ảnh hưởng đến các hoạt động của Ban VSTBPN của Ngành cũng như của các đơn vị trực thuộc...
Từ thực tế trên, ông có thể chia sẻ về những mục tiêu và giải pháp trọng tâm để thực hiện thành công Kế hoạch hành động về BĐG giai đoạn 2021-2025 của KTNN?
- Công tác BĐG là một trong những yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng đội ngũ CCVCNLĐ của KTNN, mới đây, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ký ban hành Quyết định số 1085/QĐ-KTNN phê duyệt Kế hoạch hành động về BĐG của KTNN giai đoạn 2021-2025. Theo đó, trong giai đoạn này, KTNN phấn đấu có tỷ lệ nữ cán bộ lãnh đạo đạt 25% trở lên so với tổng số lãnh đạo quản lý của Ngành; trong đó lãnh đạo nữ cấp Vụ và tương đương chiếm 15% trở lên, lãnh đạo nữ cấp Phòng và tương đương đạt 25% trở lên; phấn đấu 60% đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên có ít nhất một lãnh đạo cấp Vụ là nữ; có 25% nữ tham gia cấp ủy Đảng các cấp; tỷ lệ cán bộ nữ trong diện quy hoạch các chức danh quản lý, lãnh đạo các cấp đạt ít nhất 40% vào năm 2025.
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, KTNN cần chú trọng nhiều giải pháp như: tiếp tục nâng cao hiệu quả sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy Đảng đối với công tác BĐG và VSTBPN, trong đó chú trọng từ khâu tuyển dụng, đào tạo, quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm. Hoàn thiện các văn bản, quy định thực hiện BĐG của KTNN, lồng ghép nội dung BĐG trong việc xây dựng chính sách, chiến lược, kế hoạch của Ngành và đơn vị. Tăng cường nhận thức về BĐG thông qua các hoạt động đào tạo, tập huấn, phát huy hiệu quả công tác thông tin - tuyên truyền trên các phương tiện thông tin của KTNN về BĐG. Đồng thời, đổi mới, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nữ gắn với quy hoạch, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo quản lý; thực hiện đầy đủ các chính sách đặc thù hỗ trợ phụ nữ tham gia học tập, nâng cao trình độ; tăng cường kinh phí và sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí được cấp cho công tác BĐG…
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Lê Hòa
(Báo Kiểm toán số 27/2021)