Quốc hội thảo luận về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025

27/07/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Nhất, ngày 27/7/2021, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025; Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại hội trường sáng 27-7.

Phát biểu thảo luận tại hội trường, đa số ý kiến đại biểu đều đánh giá cao về ý nghĩa của CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với công tác giảm nghèo. Một số ý kiến nêu rõ, CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 nhằm tiếp tục phát huy những thành tựu, khắc phục tồn tại, hạn chế của CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, từng bước tăng tính bền vững của kết quả giảm nghèo, nâng cao đời sống của một bộ phận nhân dân; góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội đề ra trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; cũng như hiện thực hóa các mục tiêu theo Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc vì sự phát triển bền vững, để “không ai bị bỏ lại phía sau”.
 
Thống nhất cao về chủ trương đầu tư CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, đại biểu Triệu Thị Huyền, Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái, cho rằng, sau khi được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành cần khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn quy định cụ thể về nội dung, đối tượng, nguyên tắc hỗ trợ, các tiêu chí, định mức,… để các địa phương chủ động trong việc thực hiện Chương trình này cùng với hai CTMTQG còn lại theo hướng lồng ghép, tích hợp cả 3 Chương trình nhằm huy động hiệu quả các nguồn lực theo các mục tiêu, yêu cầu đã đề ra. Đại biểu cũng đề nghị, trong việc thiết kế chính sách giảm nghèo, cần cân đối hợp lý giữa các chính sách hỗ trợ có điều kiện và hỗ trợ cho không; giữa hỗ trợ trực tiếp và hỗ trợ gián tiếp, mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách đối với hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo nhằm đảm bảo thoát nghèo bền vững.
 
Đại biểu Triệu Thị Huyền (Đoàn Yên Bái) phát biểu.

 Bên cạnh đó, đại biểu Triệu Thị Huyền cũng kiến nghị Chính phủ khẩn trương rà soát điều chỉnh chính sách khoán bảo vệ rừng tại Nghị định số 75/NĐ-CP cho phù hợp với thực tiễn đồng thời sửa đổi, bổ sung chính sách cho thuê dịch vụ môi trường dịch theo hướng thông thoáng hơn, giúp người dân dễ dàng tiếp cận để phát triển kinh tế dưới tán rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Qua đó, để đồng bào yên tâm phấn đấu thoát nghèo và vươn lên làm giàu từ rừng.

Về cơ chế điều hành, đại biểu Trần Thị Hiền - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam, đề nghị thống nhất 01 Ban chỉ đạo chung cho cả 03 CTMTQG để tập trung nguồn lực, phối hợp, kết nối hiệu quả và tránh chồng chéo, trùng lặp. Sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết về Chủ trương đầu tư các chương trình MTQG, đề nghị Chính phủ, các bộ ngành khẩn trương xây dựng báo cáo khả thi, hoàn thiện các dự án và ban hành các văn bản chính thức để thực hiện chương trình, hướng dẫn cụ thể, rõ ràng các cơ chế quản lý, điều hành, phối hợp lồng ghéo bao gồm cả nguồn lực, định mức tài chính theo đúng tinh thần của Thủ tướng Chính phủ đã nêu. Đại biểu nhấn mạnh, trong quá trình thực hiện cũng cần có sự phân cấp phân quyền cho địa phương, chính quyền các cấp để xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể, giải pháp cụ thể phù hợp với đặc điểm, lối sống, điều kiện cụ thể của từng địa bàn, từng vừng miền đảm bảo sát thực tế.
 
Để CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 đảm bảo triển khai một cách đồng bộ hiệu quả, đại biểu Trần Quang Minh, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình, đề nghị Chính phủ xem xét một số nhóm nội dung sau: Cần phải cân đối bố trí kinh phí hợp lý giữa các đề án và tiểu đề án; Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa thực sự hiệu quả còn nhiều vấn đề cần xem lại đặc biệt là hiệu quả tạo việc làm và thu nhập ổn định sau quá trình đào tạo nên đã gây ra không ít lãng phí; Bộ công cụ rà soát hộ nghèo theo chương trình trước đây cần phải được điều chỉnh một cách hợp lý, bên cạnh đó cần xem xét hỗ trợ những người thuộc nhóm được hưởng bảo trợ xã hội phù hợp với hoàn cảnh thực tế vì đa số không còn sức lao động, tránh lãnh phí giảm ý nghĩa của chương trình. Ngoài ra, chương trình cần thể hiện rõ sự kết nối giữa các ngành liên quan đặc biệt là sự vận động chung tay của các doanh nghiệp trong vấn đề liên kết tạo sản phẩm và ưu tiên tiêu thụ đầu ra cho sản phẩm; Rà soát lại địa bàn, đối tượng, phạm vi thực hiện của chương trình tránh chồng chéo, trùng lặp; …
 
Cũng tại phiên thảo luận, một số ý kiến đại biểu đề nghị cần có mục tiêu bình đẳng giới xuyên suốt trong cả Chương trình; Đề nghị bổ sung mục tiêu hỗ trợ đào tạo cho con em hộ nghèo, bảo đảm y tế cho hộ nghèo để bảo đảm thoát nghèo bền vững; Phải đưa ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 vào chỉ tiêu đánh giá cho toàn bộ giai đoạn 2021-2025; Đánh giá chi tiết cụ thể số liệu về các hộ nghèo trong bối cảnh dịch bệnh để đưa ra các chỉ tiêu cụ thể hơn;…. Một số ý kiến khác cho rằng, cần tính toán phương án huy động nguồn lực. Nguồn lực xã hội hóa huy động hiện nay cũng rất lớn. Cần huy động xã hội hóa để thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo bền vững. Ngoài ra, cũng cần quan tâm đầu tư về hạ tầng giao thông, điện để các hộ nghèo vươn lên, giảm nghèo bền vững, chứ không chỉ dừng lại ở hỗ trợ sinh kế;…
 
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tiếp thu giải trình

 Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trân trọng cảm ơn và ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước đối với chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
 
Công tác Giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, quan trọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Vừa qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của toàn dân, công tác giảm nghèo của Việt Nam đã đạt được những thành tựu nổi bật. Chính sách pháp luật ngày càng hoàn thiện, ngân sách huy động từ các nguồn lực của xã hội ngày càng tăng, ý chí vươn lên của người dân được nâng lên. Các tấm gương và các điển hình thoát nghèo ngày càng nhiều.
 
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Việt Nam đã trải qua 6 lần điều chỉnh tiêu chí nghèo, từ tiêu chí về lương thực nhằm đảm bảo cho người dân có ăn, có mặc của quốc gia nghèo với 58,1% hộ nghèo vào năm 1993 cho đến xóa đói giảm nghèo, áp dụng giá cả, thu nhập, mức sống tối thiểu. Cho đến giai đoạn hiện nay là đang áp dụng chuẩn nghèo đa chiều mà Việt Nam là 1 trong số 30 quốc gia trên thế giới và là nước đầu tiên trong khu vực Châu Á áp dụng phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
 
Việt Nam đi từ chỗ ngân sách Nhà nước phải đảm bảo hoàn toàn để triển khai giảm nghèo sang Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, dẫn dắt; người dân, hộ nghèo là chủ thể. Đây là những bước đi rất dài về thay đổi tư duy nhận thức, hành động trong công cuộc chống đói nghèo.  
   
Việt Nam đã sớm hoàn thành Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng về giảm nghèo trên thế giới. Giai đoạn từ năm 2021-2025, chúng ta đặt ra mục tiêu, yêu cầu cao hơn là giảm nghèo đa chiều nhưng thực chất và bền vững; giảm bình quân từ 1-1,5% trong năm. Bên cạnh đó là tiêu chí về thu nhập chuẩn nghèo nâng lên từ 700.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn; 900.000 đồng lên đến 2 triệu đồng/người/tháng ở khu vực thành thị. Những điều này dẫn đến hộ nghèo và cận nghèo đầu kỳ sẽ tăng rất cao.
 
Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cũng chỉ ra rằng, tiêu chí về thu nhập, tiêu chí thiếu hụt tăng cả về số lượng và chất lượng. Nhiều nội dung thiếu hụt đòi hỏi phải có nguồn lực lớn như tái định cư, xóa nhà tạm, chống suy dinh dưỡng cho trẻ em, hạn chế trẻ em thể trạng thấp còi. Vì vậy, giai đoạn từ năm 2021-2025 cần đầu tư thỏa đáng để mức sống tối thiểu của người dân tăng dần, gắn với mục tiêu phát triển bao trùm, bền vững và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản của người dân. Giai đoạn này, chúng ta phải chăm lo vừa giảm tỷ lệ nhưng đồng thời phải quan tâm hơn tới giảm nghèo một cách thực chất và bền vững. Giảm nghèo bao trùm có nghĩa là phải xóa bỏ đói nghèo cho tất cả mọi người ở mọi nơi, mọi thời điểm và mọi chiều thiếu hụt.
 
Về việc xử lý sự trùng lặp giữa các chương trình quốc gia, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, cho rằng chương trình quốc gia về giảm nghèo có đối tượng và địa bàn là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên phạm vi toàn quốc. Trong đó, bao gồm các đối tượng nghèo mới phát sinh vì nhiều lý do khác nhau như: có cả đối tượng ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các đối tượng nghèo ở nông thôn và thành thị, địa bàn còn nhiều khó khăn trong khi phạm vi chương trình Nông thôn mới có địa bàn nông thôn, các huyện xã. Hai chương trình này trong giai đoạn 2016-2020 cho thực hiện song song, các nội dung  tương đối tách bạch. Còn chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi về cơ bản có thể hiểu là tách một phần đối tượng của địa bàn của chương trình giảm nghèo hiện nay. Phạm vi tập trung cho các địa bàn thực sự đặc biệt khó khăn trong vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
 
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, cơ quan của Chính phủ sẽ chỉ đạo các chương trình, đề xuất ban hành tiêu chí xác định cụ thể đối tượng, địa bàn, nội dung hỗ trợ đầu tư, xây dựng báo cáo khả thi nhằm hạn chế cao nhất sự trùng lắp, giao thoa; đồng thời sẽ đề xuất các cơ chế lồng ghép, tích hợp các nguồn lực để đem lại hiệu quả cao nhất trong đầu tư.
 
Về tách các hộ nghèo không có khả năng thoát nghèo khỏi chương trình, Chính phủ xin ghi nhận và báo cáo thêm với Quốc hội.  Qua thảo luận ở Tổ, có 150 ý kiến và có nhiều ý kiến đóng góp tại hội trường thảo luận về Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ghi nhận và tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp một cách kỹ lưỡng, hoàn thiện chương trình để thực hiện. Chính phủ cũng trình Quốc hội ban hành Nghị quyết phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia để làm căn cứ cho Chính phủ xem xét chỉ đạo, xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi và chỉ đạo tổ chức thực hiện theo đúng quy định của pháp luật./.
 
Hà Linh
 

Xem thêm »