7 tháng năm 2021, chỉ số giá tiêu dùng tăng 1,64% so với cùng kỳ năm 2020, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016

03/08/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) – Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2021 tăng 0,62% so với tháng 6/2021, tăng 2,25% so với tháng 12/2020 và tăng 2,64% so với tháng 7/2020. Bình quân 7 tháng năm 2021, CPI tăng 1,64% so với cùng kỳ năm 2020, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.

CPI bình quân 7 tháng đầu năm 2021 tăng thấp nhất kể từ năm 2016

Nguyên nhân chính do giá lương thực, thực phẩm tăng tại một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19, do người dân có tâm lý lo ngại thiếu hàng hóa đã tăng cường tích trữ; giá xăng dầu, giá gas tăng theo giá nhiên liệu thế giới và giá điện sinh hoạt tăng theo nhu cầu sử dụng trong mùa nắng nóng. 

Lạm phát cơ bản tháng 7/2021 giảm 0,06% so với tháng 6/2021 và tăng 0,99% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 7 tháng năm 2021 tăng 0,89% so với cùng kỳ năm 2020.

Giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Chỉ số giá vàng tháng 7/2021 giảm 1,39% so với tháng 6/2021; giảm 1,16% so với tháng 12/2020 và tăng 7,07% so với cùng kỳ năm 2020. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 7/2021 tăng 0,09% so với tháng 6/2021; giảm 0,23% so với tháng 12/2020 và giảm 0,55% so với cùng kỳ năm 2020.

Vận tải hành khách tháng 7/2021 ước tính đạt 146,3 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 50,4% so với cùng kỳ năm 2020 và luân chuyển 5,6 tỷ lượt khách.km, giảm 60,2%. Tính chung 7 tháng năm 2021, vận tải hành khách đạt 1.917,8 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 9,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 giảm 26,9%) và luân chuyển 80,6 tỷ lượt  khách.km, giảm 17,5% (cùng kỳ năm 2020 giảm 31,8%). 

Vận tải hàng hóa tháng 7/2021 ước tính đạt 111,5 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, giảm 24,3% so với cùng kỳ năm 2020 và luân chuyển 24,1 tỷ tấn.km, giảm 13,2%. Tính chung 7 tháng năm 2021, vận tải hàng hóa đạt 987,4 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2020 (cùng kỳ năm 2020 giảm 7,3%) và luân chuyển 196,4 tỷ tấn.km, tăng 4,7% (cùng kỳ năm 2020 giảm 7,3%).

Dịch Covid-19 với biến chủng mới diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất công nghiệp trong tháng 7 và 7 tháng năm 2021. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7/2021 chỉ tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2020, là mức tăng thấp nhất trong 7 tháng qua (trừ tháng 2/2021 có số ngày làm việc ít nhất). Tính chung 7 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,9% so với 7 tháng năm 2020.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7/2021 ước tính tăng 1,8% so với tháng 6/2021 và tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó ngành khai khoáng giảm 8%; ngành chế biến, chế tạo tăng 2,9%; sản xuất và phân phối điện tăng 6,7%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,4%.

Tính chung 7 tháng năm 2021, IIP ước tính tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2020, cao hơn nhiều so với mức tăng 2,6% của cùng kỳ năm 2020 và thấp hơn mức tăng 9,4% của cùng kỳ năm 2019. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,9% (cùng kỳ năm 2020 tăng 4,2%), đóng góp 8,1 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,2%, đóng góp 0,7 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,6%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 6,3%, làm giảm 1 điểm phần trăm trong mức tăng chung./.

Khánh Vy

Xem thêm »