Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Kiểm toán nhà nước cần giám sát tối cao về tiết kiệm, chống lãng phí

12/08/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Chiều 12/8/2021, tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã làm việc với Kiểm toán nhà nước (KTNN) về tình hình thực hiện nhiệm vụ trong 7 tháng đầu năm 2021. Đây là buổi làm việc đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội với KTNN sau khi Quốc hội nhiệm kỳ mới được kiện toàn.

Quang cảnh buổi làm việc

Dự buổi làm việc có Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương.

Báo cáo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đoàn công tác, Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh cho biết, năm 2021, trong bối cảnh cảnh dịch Covid-19 bùng phát, KTNN đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành để các đơn vị trực thuộc KTNN rà soát, điều chỉnh phương án tổ chức kiểm toán đảm bảo ưu tiên tối đa cho hoạt động phòng, chống dịch theo đúng chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; chủ động điều chỉnh giảm không thực hiện kiểm toán đối với các đơn vị được kiểm toán thuộc ngành Y tế, các đơn vị Công an, Quân đội đang tham gia phòng, chống dịch; hoạt động kiểm toán phải đảm bảo an toàn sức khỏe cho cộng đồng cũng như Kiểm toán viên.

Tính đến ngày 12/8/2021, KTNN đã kết thúc 91 Đoàn kiểm toán; kiến nghị xử lý tài chính trên 50.000 tỷ đồng, trong đó tăng thu ngân sách Nhà nước gần 6.700 tỷ đồng, giảm chi ngân sách Nhà nước gần 5.800 tỷ đồng. Ngoài ra, KTNN đã kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 67 văn bản pháp luật, kịp thời khắc phục lỗ hổng về cơ chế, chính sách, tránh thất thoát, lãng phí; cung cấp 151 báo cáo cho các Đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Tòa án, các cơ quan điều tra và các cơ quan có thẩm quyền; chuyển 1 vụ việc có dấu hiệu phạm tội sang cơ quan Cảnh sát điều tra xem xét điều tra, xử lý theo quy định.
 
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, qua 27 năm xây dựng và phát triển, KTNN đã xác lập địa vị pháp lý trong Hiến pháp, thực hiện được vai trò là công cụ đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí; góp phần làm lành mạnh nền tài chính công, sử dụng tài chính công, tài sản công ngày càng hiệu quả. Chất lượng hoạt động kiểm toán ngày càng được nâng lên, là cơ sở quan trọng phục vụ công tác quản lý, điều hành của Chính phủ và giám sát của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, buổi làm việc diễn ra rất sớm, ngay sau khi bộ máy Nhà nước nhiệm kỳ mới được kiện toàn đã thể hiện sự coi trọng của các đồng chí Lãnh đạo Quốc hội và Lãnh đạo các Bộ, ngành đối với công tác kiểm toán, nhất là trong bối cảnh nước ta đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, hướng tới xây dựng nền tài chính công an toàn, lành mạnh, bền vững, đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tuy ra đời muộn nhưng KTNN đã có những bước phát triển mạnh mẽ, là thành viên tiên phong trong thành lập tổ chức các Cơ quan Kiểm toán tối cao khu vực châu Á. Vị trí, uy tín của KTNN không chỉ được các cơ quan, đơn vị trong nước ghi nhận mà còn được quốc tế đánh giá cao.

Thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị KTNN tập trung xây dựng Đề án hoàn thiện tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của KTNN, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đồng thời, KTNN cần sớm ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030; không ngừng tăng cường sự công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, chính quy; từng bước hiện đại hóa trong hoạt động, khắc phục tình trạng phát hành báo cáo kiểm toán còn chậm. “Kế hoạch thực hiện Chiến lược phải đặt trong bối cảnh tổng thể là thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và các Nghị quyết có liên quan, nhất là Nghị quyết số 161/2020/QH14 và Nghị quyết số 05 vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV” - Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị KTNN rà soát, đánh giá việc thi hành Luật Kiểm toán nhà nước sửa đổi; tổ chức sắp sếp, kiện toàn bộ máy cán bộ; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác kiểm toán; xây dựng đội ngũ Kiểm toán viên mạnh về năng lực, vững về phẩm chất và liêm chính trong thực thi công vụ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán; tăng cường kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán; đẩy mạnh công khai kết quả kiểm toán bằng các hình thức phù hợp theo quy định của Luật KTNN.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, KTNN xây dựng kế hoạch kiểm toán năm 2022 trên cơ sở tổng kết kết quả thực tiễn thời gian qua. Đặc biệt cần đi sâu vào vấn đề trọng tâm, bám sát tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, chương trình công tác của Quốc hội, trong đó có giám sát, xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia. KTNN cần bám sát các nhiệm vụ thực hiện các chức năng nhiệm vụ của Quốc hội, giúp Chính phủ trong công tác quản lý và điều hành, nhất là tháo gỡ các điểm nghẽn hiện nay để sau đại dịch Covid-19 phục vụ phát triển kinh tế, xã hội nhanh nhất; bám sát các chương trình giám sát tối cao của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo Chủ tịch Quốc hội, trọng tâm của Kế hoạch kiểm toán năm 2022 là giám sát tối cao về tiết kiệm, chống lãng phí. Trong kiểm toán cần chú ý ba chính sách vĩ mô hết sức quan trọng là chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và chính sách thương mại. Đây là ba trụ cột trong các chính sách vĩ mô. Trong đó, ổn định kinh tế vĩ mô là quan trọng nhất, vì vậy trong định hướng công tác của KTNN phải phục vụ cho nhiệm vụ này; định hướng trong xây dựng pháp luật, hoàn thiện pháp luật, tháo gỡ các điểm nghẽn, vướng mắc về thể chế, chính sách.
 
Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ trong 7 tháng đầu năm 2021

Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh trân trọng cảm ơn sự quan tâm của Lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các Bộ, ngành đối với hoạt động kiểm toán của KTNN trong thời gian qua. Tổng Kiểm toán nhà nước khẳng định sẽ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến phát biểu của các Bộ, ngành, đặc biệt là ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, nỗ lực hơn nữa trong công tác chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán của KTNN và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao./.

Hà Linh

Xem thêm »