Nghiệm thu Chương trình bồi dưỡng kiểm soát chất lượng kiểm toán

23/08/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) – Sáng 23/8/2021, Hội đồng nghiệm thu của Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã tổ chức nghiệm thu Chương trình bồi dưỡng kiểm soát chất lượng kiểm toán do Ths. Vũ Duy Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán (CĐ&KSCLKT) làm Trưởng ban biên soạn. Vụ trưởng Vụ CĐ&KSCLKT Ngô Minh Kiểm làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu.

Toàn cảnh buổi nghiệm thu

Báo cáo về nội dung Chương trình bồi dưỡng kiểm soát chất lượng kiểm toán (Chương trình), Ths. Vũ Duy Bắc cho biết, mục tiêu của Chương trình là nhằm trang bị cho học viên những kiến thức chung về kiểm soát chất lượng kiểm toán (KSCLKT); Hướng dẫn cách thức tổ chức hoạt động KSCLKT đối với từng cấp độ kiểm soát; Một số kinh nghiệm thực tiễn về hoạt động KSCLKT để học viên vận dụng thực hiện công tác KSCLKT phù hợp với các cấp độ. Đối tượng đào tạo, bồi dưỡng là Kiểm toán viên, công chức của các KTNN chuyên ngành, khu vực và các đơn vị tham mưu làm công tác KSCLKT. Thời gian dự kiến của Chương trình là 24 tiết gồm 20 tiết bồi dưỡng tập trung và 04 tiết ôn tập.

Nội dung của Chương trình dự kiến gồm 5 chuyên đề: Những vấn đề cơ bản về KSCLKT; Nội dung, phương pháp KSCLKT; Các cấp độ KSCLKT; Hồ sơ KSCLKT; Thực trạng công tác KSCLKT của KTNN, kinh nghiệm tổ chức KSCLKT.

Nhận xét về Chương trình, các thành viên Hội đồng thẩm định cho rằng, nội dung Chương trình được biên soạn cơ bản cập nhật theo Quy chế KSCLKT mới ban hàn; đã khái quát hóa được các vấn đề liên quan đến KSCLKT. Vì vậy, Chương trình có giá trị ứng dụng trong thực tế công tác KSCLKT của KTNN, góp phần nâng cao chất lượng công tác KSCLKT của toàn hệ thống.

Để hoàn thiện Chương trình, các thành viên Hội đồng thẩm định đề nghị, Ban biên soạn Chương trình nên xác định các đối tượng chính sẽ tham gia vào Chương trình, nhằm xác định chương trình trọng tâm đào tạo. Trong quá trình đào tạo cũng cần tránh hiện tượng giới thiệu lại các nội dung của Quy chế KSCLKT đã được ban hành, cần tập trung nhiều hơn vào phần chia sẻ kinh nghiệm, các bài học rút ra để nâng cao chất lượng công tác KSCLKT. Nội dung Chương trình cũng nên xây dựng cụ thể hơn nữa, đảm bảo sự tương đồng giữa các hạng mục đưa ra.

Phát biểu kết luận, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề nghị Ban biên soạn tiếp thu ý kiến các thành viên Hội đồng nghiệm thu để hoàn thiện Chương trình. Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cho rằng, thời lượng của các chuyên đề trong Chương trình là tương đối hợp lý. Tuy nhiên, cần lưu ý các giảng viên trong quá trình giảng dạy cần căn cứ vào đối tượng học viên cụ thể để điều chỉnh các nội dung đào tạo cho phù hợp. Chuyên đề “Các cấp độ KSCLKT” là nội dung quan trọng của Chương trình, Ban biên soạn cần xây dựng các nội dung để học viên hiểu rõ về mục đích, phạm vi, quyền hạn và tổ chức KSCLKT đối với 3 cấp độ kiểm soát: KSCLKT của Tổng Kiểm toán nhà nước; KSCLKT của Kiểm toán trưởng; KSCLKT của Đoàn kiểm toán. Chuyên đề “Thực trạng công tác KSCLKT của KTNN, kinh nghiệm tổ chức KSCLKT” cũng là chuyên đề rất quan trọng, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu  đồng ý với đề xuất của Ban biên soạn là cần nêu được thực trạng và kinh nghiệm tổ chức công tác KSCLKT của Lãnh đạo KTNN và các vụ chức năng (tập trung là Vụ CĐ&KSCLKT); của Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán và của Đoàn kiểm toán.

Chương trình được Hội đồng thẩm định đánh giá là đạt yêu cầu./.

Ngọc Bích

Xem thêm »