Chuẩn bị sẵn sàng cho Hội nghị KTNN ba bên Việt Nam -  Lào - Campuchia

25/08/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

sav.gov.vn) – Ngày 25/8/2021, ba cơ quan Kiểm toán nhà nước (KTNN) Việt Nam-Lào-Campuchia đã tổ chức cuộc họp cấp kỹ thuật bên lề Hội nghị ba bên Việt Nam – Lào – Campuchia lần thứ 9. Cuộc họp theo hình thức trực tuyến và do KTNN Lào chủ trì.

Cuộc họp theo hình thức trực tuyến và do KTNN Lào chủ trì

Đoàn KTNN Lào do Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Ouk Saravudh làm Trưởng Đoàn. Đoàn KTNN Campuchia do Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Toy Phonthilad làm Trưởng Đoàn. Đoàn KTNN Việt Nam do Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung làm Trưởng đoàn.

Phát biểu khai mạc, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Lào Ouk Saravudh cho biết, cuộc họp được tổ chức để thảo luận về các vấn đề quan trọng, chuẩn bị cho Hội nghị chính thức vào ngày 26/8/2021. Trọng tâm của cuộc họp nhằm đánh giá những kết quả đạt được và chia sẻ những kiến thức, kinh nghiêm trong việc thực hiện kiểm toán các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của ba cơ quan Kiểm toán từ sau Hội nghị ba bên lần thứ 8 vào tổ chức tháng 11/2018 tại Phnom Penh, Campuchia. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Lào đánh giá cao sự tham dự của các bên tại cuộc họp và cho rằng, đây là sự kiện quan trọng trong bối cảnh Đại dịch COVID-19 đang diễn biến vô cùng phức tạp tại 3 quốc gia; đồng thời tin tưởng cuộc họp kỹ thuật này sẽ đạt được các mục tiêu đề ra, để chuẩn bị cho một Hội nghị ba Bên chính thức lần thứ 9 thành công.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam Hà Thị Mỹ Dung cho biết, từ sau Hội nghị ba bên lần thứ 8 vào tổ chức tháng 11/2018, KTNN Việt Nam đã đạt được một số kết quả tích cực nhất định trong việc kiểm toán công tác triển khai các mục tiêu phát triển bền vững giai đoạn 2018-2021. “Tôi hi vọng chia sẻ của KTNN Việt Nam sẽ đóng góp một phần nhỏ vào kho kiến thức, kinh nghiệm và dữ liệu liên quan đến việc thực hiện kiểm toán mục tiêu phát triển bền vững của KTNN ba nước, góp một phần nỗ lực trang bị cho KTNN các nước trong tiến trình thực hiện vai trò to lớn của mình như đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc công nhận tại Nghị quyết số 66/209 và 69/228” - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam phát biểu.

Chia sẻ kết quả đạt được của cuộc kiểm toán việc chuẩn bị thực hiện các SDG, đại diện KTNN Campuchia (NAA) cho biết, NAA đã tham gia cuộc kiểm toán hoạt động hợp tác do Cơ quan sáng kiến phát triển INTOSAI khởi xướng về chủ đề “Kiểm toán việc chuẩn bị thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững”. Trong phạm vi chương trình này, Đoàn kiểm toán của NAA đã được đào tạo về tổng quan SDG cũng như các phương pháp thực hiện kiểm toán hoạt động về lập kế hoạch kiểm toán, triển khai kiểm toán và báo cáo kiểm toán. NAA đã xây dựng kế hoạch kiểm toán và tiến hành cuộc kiểm toán việc chuẩn bị thực hiện SDG trong năm 2018.

Trong báo cáo kiểm toán hoạt động việc chuẩn bị thực hiện SDG, NAA đã đưa ra kiến nghị về những cải tiến liên quan đến xây dựng khung SDG của Campuchia và việc lồng ghép khung này vào Kế hoạch phát triển chiến lược quốc gia; phổ biến SDG; các cơ chế trao đổi và chia sẻ thông tin; giám sát, đánh giá, báo cáo việc thực hiện SDG và khả năng thu thập dữ liệu chất lượng. Cuộc kiểm toán việc chuẩn bị thực hiện SDG đã có những đóng góp quan trọng đối với Chính phủ. Sau khi hoàn thành cuộc kiểm toán hoạt động việc chuẩn bị thực hiện SDG, NAA tiếp tục tăng cường năng lực trong lĩnh vực kiểm toán hoạt động.

Báo cáo tóm tắt kết quả kiểm toán của KTNN Việt Nam về việc thực hiện SDG 2018-2021, đại diện KTNN Việt Nam cho biết, KTNN Việt Nam đã bám sát các mục tiêu SDG của Việt Nam để thực hiện kiểm toán, qua đó góp phần thúc đẩy việc thực hiện hiệu quả và hiệu lực các mục tiêu SDG của Việt Nam; góp phần xây dựng nền tảng môi trường tài chính ổn định, minh bạch tạo động lực thực hiện các mục tiêu SDG của Việt Nam; Góp phần ngăn chặn kịp thời các tồn tại, hạn chế trong quản lý tài chính công, tài sản công của các đơn vị kiểm toán, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị, thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu SDG của Việt Nam.

KTNN Việt Nam cũng cho biết, trong thời gian tới KTNN Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu và triển khai thực hiện các hoạt động kiểm toán liên quan đến mục tiêu SDG, trong đó chú trọng một số giải pháp: Bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước về SDG để xây dựng kế hoạch kiểm toán nhằm hỗ trợ tốt nhất cho Chính phủ, Quốc hội trong các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội; Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ vào hoạt động kiểm toán để tăng cường chất lượng và hiệu lực kiểm toán trong lĩnh vực liên quan đến đánh giá việc thực hiện mục tiêu SDG quốc gia và từng địa phương; Chú trọng phát triển các phương pháp thu thập bằng chứng kiểm toán mới, phù hợp với yêu cầu và mục tiêu kiểm toán đối với việc thực hiện các mục tiêu SDG; Tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế cả song phương và đa phương để tham khảo và chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động kiểm toán các mục tiêu SDG; Đẩy mạnh cơ chế phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về phát triển kinh tế xã hội nói chung và SDG nói riêng…
 
Các thành viên tham dự Cuộc họp của KTNN Việt Nam

Ba cơ quan Kiểm toán ba nước đã thống nhất với đề xuất của KTNN Việt Nam về việc tiếp tục nâng cao hơn nữa tính hiệu quả và chất lượng của diễn đàn hợp tác hữu ích mang ý nghĩa chiến lược giữa ba Bên theo hướng thiết thực, đa dạng và chủ động hơn nhằm ứng phó với những khó khăn, thách thức tiềm tàng. Các định hướng và hoạt động cụ thể gồm: Tiếp tục duy trì trao đổi các chuyến thăm cấp cao và trao đổi cấp kỹ thuật thường xuyên để gia tăng sự hiểu biết lẫn nhau và thắt chặt quan hệ hợp tác; Xem xét việc đa dạng hóa và triển khai thêm các hình thức hoạt động hợp tác mới bên cạnh Hội nghị thường kỳ và xây dựng kế hoạch thực hiện cho hai năm; Nghiên cứu, thực hiện cải tiến công tác tổ chức các diễn đàn theo hướng hiệu quả hơn như: thực hiện sớm khảo sát, phân tích và lập danh mục một số chủ đề quan trọng cho một hoặc/và các Hội nghị liên tiếp; xây dựng cơ chế tổ chức, cấu trúc hội nghị theo hướng chia thành phiên theo từng cấp chủ trì…

Liên quan đến chủ đề của hội nghị lần thứ 10 tại Việt Nam, ba bên cũng thống nhất với hai chủ đề mà KTNN Lào đã đề xuất là “Triển khai kiểm toán trong tình hình mới” và “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán”. Đây là các chủ đề được đánh giá rất phù hợp trong tình hình Đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu kết thúc./.

Ngọc Bích

Xem thêm »