(sav.gov.vn) - Ngày 26/8/2021, Hội nghị giữa những người đứng đầu Kiểm toán nhà nước (KTNN) Việt Nam - Lào - Campuchia lần thứ 9 đã diễn ra theo hình thức trực tuyến. Chủ đề của Hội nghị lần này do KTNN Lào đề xuất về “Kiểm toán thu ngân sách qua hệ thống Công nghệ thông tin”.
Quang cảnh Hội nghị
Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh; Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung và đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng tham dự Hội nghị tại điểm cầu KTNN Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Kiểm toán nhà nước Lào Malaithong Kommasith nhấn mạnh, mối quan hệ hợp tác chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên môn giữa cơ quan KTNN ba nước Việt Nam – Lào - Campuchia có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao năng lực hoạt động của từng cơ quan, góp phần hỗ trợ Chính phủ quản lý tài chính công một cách công khai, minh bạch và hiệu quả hơn. Trước xu thế toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, các cơ quan KTNN buộc phải nâng cao năng lực và tham gia vào quá trình chuyển đổi. KTNN Lào đã có những thay đổi quan trọng trong Kế hoạch phát triển với việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán. “Tôi tin tưởng Hội nghị nghị hôm nay là cơ hội tốt để chúng ta cùng nhau đánh giá lại mối quan hệ hợp tác trong thời gia qua, chia sẻ những quan điểm của mình để có định hướng hợp tác thiết thực trong tương lai” - Ông Malaithong Kommasith nói.
Tổng Kiểm toán nhà nước Campuchia Kim Som Suor cho rằng, Hội nghị lần lần là minh chứng cho ý chí và sự quyết tâm mạnh mẽ của ba cơ quan KTNN trong việc hợp tác dù trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang phức tạp. Việc lựa chọn chủ đề kiểm toán thu ngân sách qua hệ thống công nghệ thông tin trong thời kỳ đại dịch COVID-19 bùng nổ như hiện nay là thực sự có ý nghĩa, thể hiện vai trò quan trọng của các cơ quan KTNN trong việc hỗ trợ Chính phủ quản lý tài chính công một cách minh bạch, hiệu quả.
Đồng chủ trì hội nghị, Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam Trần Sỹ Thanh cảm ơn nỗ lực của KTNN Lào trong việc chuẩn bị cho Hội nghị ba Bên lần thứ 9. Theo Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã, đang và sẽ còn tiếp tục làm thay đổi toàn diện mọi mặt của đời sống, xã hội, kinh tế.... mở ra những cơ hội phát triển, nhưng cũng là thách thức rất lớn trên mọi lĩnh vực, trong đó có hoạt động kiểm toán. Internet, điện toán đám mây và việc sử dụng phổ biến các thiết bị di động và công nghệ thông tin cho phép các Kiểm toán viên thực hiện kiểm toán trong môi trường kết nối toàn cầu và hiệu quả kiểm toán có xu hướng được nâng cao. Song song với đó, sự thay đổi đáng kể của nguồn lưu trữ, thu thập bằng chứng, sự biến động dòng thông tin khiến xét đoán chuyên môn cần phải cẩn trọng và nhạy cảm hơn...
Theo xu hướng chung của thế giới, rất nhiều các đơn vị được kiểm toán ở Việt Nam đã thiết lập và triển khai chiến lược chuyển đổi kỹ thuật số. Theo Chiến lược phát triển và kiến trúc tổng thể công nghệ thông tin của KTNN giai đoạn 2019-2025, tầm nhìn đến năm 2030, KTNN Việt Nam tập trung mạng phát triển các phần mềm để hỗ trợ quản lý và hoạt động kiểm toán trên nền tảng 4.0. Đồng thời, Luật sửa đổi và bổ sung Luật KTNN 2019 bổ sung quy định cho phép KTNN được quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu quốc gia và dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán, của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán. Đây được xem là một sửa đổi phù hợp với xu thế của cách mạng công nghiệp lần thứ tư đồng thời giúp góp phần nâng cao chất liệu, hiệu quả của hoạt động kiểm. “Việc khai thác dữ liệu kiểm toán qua hệ thống công nghệ thông tin với nhiều công cụ hỗ trợ sẽ giúp công tác kiểm toán thu ngân sách không bị giới hạn bởi khoảng cách địa lý, thời gian và không gian. Theo đó, Kiểm toán viên có thể kiểm toán bất cứ hồ sơ nào tại trụ sở cơ quan thuế. KTNN cũng sử dụng hiệu quả nguồn lực, tiết kiệm thời gian, nhân lực trong quá trình khai thác dữ liệu…” – Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam cho biết.
Tuy nhiên, Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam cho rằng, việc thực hiện quy định này trên thực tế còn nhiều khó khăn và vướng mắc từ việc cụ thể hóa các mức độ tiếp cận, đối tượng tiếp cận, kỹ năng và kinh nghiệm của Kiểm toán viên trong việc truy cập hệ thống của đơn vị được kiểm toán; một số đơn vị được kiểm toán không thực sự phối hợp để cung cấp thông tin và mở truy cập hệ thống. “Liên quan đến chủ đề Hội nghị ba Bên lần thứ 9, KTNN Việt Nam mong muốn được chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm của mình, đồng thời được lắng nghe chia sẻ về thông lệ tốt từ KTNN Lào và Campuchia trong vấn đề này” – Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam chia sẻ.
Tại hội nghị, đại diện Cơ quan KTNN ba nước đã có bài trình bày, chia sẻ kinh nghiệm về tình hình thực tiễn, những thách thức và giải pháp trong hoạt động kiểm toán thu ngân sách qua hệ thống công nghệ thông tin.
Đại biểu cơ quan KTNN ba nước đều nhất trí quan điểm: Cùng với xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế và đòi hỏi sự minh bạch tài khóa ngày càng cao, sự kỳ vọng của nhân dân, Quốc hội, Chính phủ về chất lượng hoạt động kiểm toán ngày càng lớn hơn, đòi hỏi cơ quan Kiểm toán nhà nước phải không ngừng nỗ lực hơn nữa để tăng cường hiệu lực, hiệu quả của hoạt động kiểm toán, đồng thời phải nâng cao chất lượng của báo cáo kiểm toán nhằm phục vụ tốt hơn cho mục tiêu quản trị tài chính quốc gia. Vì vậy, cơ quan KTNN ba nước cần nỗ lực thực hiện các giải pháp một cách toàn diện ,nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng kiểm toán, đặc biệt chú trọng đến việc kiểm soát thực hiện các mục tiêu chiến lược, quản trị nguồn nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng các phương pháp kiểm toán hiện đại.
Cơ quan KTNN ba nước thống nhất Hội nghị lần thứ 10 sẽ diễn ra vào năm 2023 tại Hà Nội với chủ đề là “Kiểm toán trong trạng thái bình thường mới”. Theo đó, từ nay đến Hội nghị lần thứ 10, ba Bên sẽ tổ chức 01 Hội thảo chung về theo dõi thực hiện kiến nghị kiểm toán và 01 khóa đào tạo chung về kiểm toán hoạt động đối với doanh nghiệp Nhà nước. Trong thời gian này, ba Bên tiếp tục có các hoạt động trao đổi, phối hợp cụ thể để chuẩn bị cho Hội nghị lần thứ 10./.
Hà Linh