Tham dự và chủ trì Hội nghị có Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo; Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo.
Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tuyến tại điểm cầu chính tại trụ sở Văn phòng Chính phủ, cùng các điểm cầu tại các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Dự Hội nghị tại điểm cầu Kiểm toán nhà nước có các Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa, Đặng Thế Vinh, đại diện lãnh đạo Vụ Tổng hợp.
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu của KTNN
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo, nhấn mạnh: Ban Chấp hành Trung ương Khoá XI đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong phát huy nguồn lực từ đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm công bằng và ổn định xã hội, quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện cũng còn nhiều hạn chế. Vì vậy, Ban Bí thư đã ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, trong bối cảnh thời gian thực hiện công tác tổng kết Nghị quyết không dài, đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo các ban, Bộ, ngành Trung ương, các địa phương quyết tâm vào cuộc, vừa bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch bệnh, vừa bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ tổng kết Nghị quyết. Đến nay, Ban Chỉ đạo đã dự thảo Báo cáo Tổng kết, gửi tới các đại biểu.
Thủ tướng yêu cầu các đại biểu tập trung thảo luận về những kết quả đạt được, đi thẳng vào những vấn đề còn băn khoăn, còn có ý kiến khác nhau, những hạn chế, bất cập và nguyên nhân, nhất là những nguyên nhân chủ quan; về những bài học kinh nghiệm được rút ra từ thực tiễn; về các quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, nhất là các nhiệm vụ, giải pháp đột phá nhằm quản lý và sử dụng đất đai tiết kiệm, hiệu quả và bền vững được đề xuất trong dự thảo Báo cáo.
Phát biểu đề dẫn Hội nghị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết: Công tác tổng kết được chỉ đạo tổ chức thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, khoa học; nghiên cứu, chắt lọc, tiếp thu nội dung tổng kết ở các Tỉnh ủy, Thành ủy, Ban Cán sự đảng, Đảng đoàn trực thuộc Trung ương; ý kiến của nhiều nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, có tâm huyết và kinh nghiệm trong lĩnh vực đất đai; đồng thời nghiên cứu kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới; tham vấn ý kiến của các tổ chức quốc tế có uy tín... “Qua quá trình tổng kết, tới nay Thường trực Ban Chỉ đạo đã tổ chức 34 cuộc họp, tọa đàm, hội nghị, hội thảo xin ý kiến các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, nhà quản lý trong lĩnh vực đất đai với nhiều hình thức làm việc trực tiếp, trực tuyến” – Trưởng Ban Kinh tế trung ương Trần Tuấn Anh cho biết.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến, đặc biệt là những điểm quan trọng trong Dự thảo Báo cáo tổng kết, đánh giá cao những nội dung được tổng kết, rút ra sau 9 năm thực hiện Nghị quyết 19. Đồng thời trao đổi, phân tích về các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhằm tiếp tục đổi mới, hoàn thiện công tác quản lý, sử dụng đất đai ở nước ta trong giai đoạn mới; làm rõ nội hàm của sở hữu toàn dân về đất đai; nội hàm của Nhà nước thống nhất quản lý về đất đai; bổ sung thêm những nội dung để đảm bảo sở hữu toàn dân có thể vận hành hiệu quả trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Bên cạnh đó, các ý kiến đề cập một số vấn đề hiện đang còn có những băn khoăn và ý kiến khác nhau liên quan đến quản lý và sử dụng đất; về quyền và nghĩa vụ của người dân và doanh nghiệp trong quản lý và sử dụng đất đai tiết kiệm, hiệu quả, bền vững.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Đất đai là vấn đề nhạy cảm, phức tạp, liên quan đến mọi mặt của đời sống kinh tế và xã hội, mọi người dân. Do vậy, Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập phải tìm ra được nguyên nhân của những tồn tại, vướng mắc, nhất là nguyên nhân chủ quan; lựa chọn những vấn đề quan trọng nhất, chính yếu nhất, thiết thực nhất, trên cơ sở đó đưa ra các giải pháp, đặc biệt là các giải pháp mang tính đột phá nhằm giảm tình trạng tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện có liên quan đến đất đai; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, tăng cường phòng chống tiêu cực, lãng phí, tham nhũng trong quản lý và sử dụng đất; giải phóng tối đa, khai thác, phát huy cao nhất nguồn lực đất đai để góp phần đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra./.
Phương Vân