Thông qua việc thành lập Nhóm công tác về kiểm toán các mục tiêu phát triển bền vững của ASOSAI, Nhóm công tác về kiểm toán quản lý khủng hoảng của ASOSAI

07/09/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Trong khuôn khổ Đại hội Tổ chức các Cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) lần thứ XV, dưới sự điều hành của Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam Trần Sỹ Thanh – Chủ tịch ASOSAI 2018-2021, chiều 07/9/2021, Đại hội đã chính thức thông qua việc thành lập Nhóm công tác về kiểm toán các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của ASOSAI (ASOSAI WGSDG) và Nhóm công tác về kiểm toán quản lý khủng hoảng của ASOSAI

Quang cảnh Đại hội

Phát triển năng lực trong cộng đồng ASOSAI đối với lĩnh vực kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững

Theo Điều khoản tham chiếu đề xuất về việc thành lập ASOSAI WGSDG, sứ mệnh của ASOSAI WGSDG là thúc đẩy vai trò của cộng đồng ASOSAI thông qua việc đóng góp vào các mục tiêu quốc gia và đánh giá việc thực hiện SDGs trong khu vực bằng cách nâng cao kiến thức, kỹ năng và sử dụng các chỉ số SDGs thích hợp của các Kiểm toán viên. Mục tiêu chiến lược của Nhóm nhằm đẩy mạnh việc chia sẻ kiến thức và phát triển năng lực trong cộng đồng ASOSAI đối với lĩnh vực Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững; Thực hiện các SDGs và giải quyết các thách thức môi trường toàn cầu.

Nhóm công tác ASOSAI WGSDG sẽ tiến hành các hoạt động khác nhau về SDGs theo đúng kế hoạch hoạt động, gồm các báo cáo kiểm toán, chương trình đào tạo, hội thảo, dự án nghiên cứu, trao đổi thư từ với các cơ quan quốc tế có liên quan đến SDGs… và bất kỳ hoạt động nào khác mà các thành viên Nhóm công tác ASOSAI về SDGs đề xuất và ủng hộ.

Nhóm công tác ASOSAI về SDGs bao gồm tối đa 20 thành viên. Nếu số thành viên vượt quá con số này, quy trình bổ nhiệm sẽ được áp dụng bằng cách bỏ phiếu từ các thành viên là đại diện các Cơ quan Kiểm toán tối cao (SAI) thuộc ASOSAI. Chủ tịch có thể là đại diện từ các cơ quan quốc tế/khu vực với vai trò là quan sát viên. Nhóm công tác ASOSAI về SDGs dự kiến sẽ hoạt động cho đến khi kết thúc Chương trình Nghị sự của Liên hợp quốc vào năm 2030 và có thể được gia hạn nếu cần thiết.

Chức vụ Chủ tịch và Phó Chủ tịch của Nhóm công tác ASOSAI WGSDG được chỉ định trên cơ sở tự nguyện. Tuy nhiên, trong trường hợp có nhiều hơn một ứng viên sẵn sàng đảm nhận các vị trí này, các thành viên nhóm công tác sẽ bổ nhiệm bằng cách bỏ phiếu. Nhiệm kỳ của Chủ tịch và Phó Chủ tịch đối đa là 3 năm. Chủ tịch Nhóm Công tác ASOSAI về SDGs chịu trách nhiệm hỗ trợ Ban Thư ký Nhóm công tác và hỗ trợ hành chính.

Điều khoản tham chiếu chỉ rõ, các thành viên của ASOSAI WGSDG phải chủ động tham gia tích cực vào ít nhất một dự án mỗi năm, nếu được yêu cầu. Do đó, các thành viên cần có sự hỗ trợ đầy đủ từ các SAI để đáp ứng yêu cầu này. Mỗi thành viên được yêu cầu cung cấp các báo cáo/ hoạt động có liên quan đến SDGs để phát triển cơ sở dữ liệu SDGs và thực hiện quy trình tiếp theo trong khu vực ASOSAI.

Các nhóm dự án ASOSAI WGSDG được thành lập nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc hoàn thành các dự án ASOSAI WGSDG. Mỗi nhóm dự án có trách nhiệm bầu ra một trưởng ban chịu trách nhiệm tổ chức các hoạt động của nhóm dự án.

Các thành viên của Nhóm công tác ASOSAI về SDGs sẽ tổ chức họp hàng năm. Các cuộc họp có thể được tổ chức bởi một SAI thành viên hoặc theo đánh giá của Chủ tịch. Tổ chức cuộc họp thường niên của Nhóm công tác ASOSAI về SDGs là tự nguyện.

Việc không tham dự hai cuộc họp thường niên liên tiếp của Nhóm công tác ASOSAI về SDGs cần được Chủ tịch WG xem xét lại tư cách thành viên của SAI có liên quan. Trong trường hợp Chủ tịch vắng mặt, Phó chủ tịch sẽ điều hành cuộc họp thường niên.
 

KTNN Kuwait trình bày Điều khoản tham chiếu tại Cuộc họp Ban Điều hành ASOSAI lần thứ 56

Hơn một nửa số thành viên ASOSAI WGSDG (bao gồm cả Chủ tịch) phải có mặt tại cuộc họp thường niên hàng năm để tạo thành số đại biểu theo quy định cần thiết. Mỗi thành viên ASOSAI WGSDG được phát một phiếu bầu. Trong trường hợp số phiếu ngang nhau, quyết định sẽ phụ thuộc vào lá phiếu của Chủ tịch. Chủ tịch ASOSAI WGSDG sẽ bảo lưu quyền triệu tập các cuộc họp ngoại lệ, nếu được yêu cầu, trong suốt 3 năm nhiệm kỳ, không quá 2 cuộc họp. Nhóm công tác ASOSAI về các nhóm dự án SDGs sẽ gặp mặt theo yêu cầu để hoàn thành dự án của mình.

Khi Chủ tịch Nhóm công tác ASOSAI về SDGs được bầu chọn, Chủ tịch sẽ xây dựng kế hoạch hoạt động 3 năm với sự phối hợp của các thành viên. Bao gồm các hoạt động liên quan đến các mục tiêu chiến lược trong khung thời gian thích hợp không quá 6 tháng kể từ cuộc họp thường niên lần đầu tiên.

Ngôn ngữ công việc của Nhóm công tác ASOSAI về SDGs là tiếng Anh, do đó mọi thông tin liên lạc chỉ được sử dụng tiếng Anh. Tất cả thông tin phải được phát triển bởi Nhóm công tác ASOSAI về SDGs bằng tiếng Anh và phải được dịch sang các ngôn ngữ chính thức của ASOSAI sau khi bản tiếng Anh cuối cùng được phê duyệt.
 
Cần xây dựng đề cương, kế hoạch ứng phó với các khủng hoảng trong tương lai

Theo SAI Hàn Quốc - Chủ tịch Ủy ban đặc biệt nghiên cứu tính khả thi của việc thành lập Nhóm công tác kiểm toán quản lý khủng hoảng ASOSAI, trong bối cảnh đại dịch diễn ra hết sức phức tạp cùng với những thách thức an ninh phi truyền thống, mỗi chúng ta cần phải trân trọng giá trị về sự an toàn của từng quốc gia. Vì vậy, cần phải xây dựng được những phương pháp đối mặt với việc quản lý khủng hoảng cụ thể để mỗi SAI có được cơ chế minh bạch, rõ ràng nhằm thúc đẩy việc Chính phủ tham gia ứng phó với những khủng hoảng.

Trước yêu cầu đó, Nhóm công tác kiểm toán quản lý khủng hoảng ASOSAI đã được thành lập với khoảng 150 người đến từ 42 SAI thành viên. Nhóm đã cùng nhau chia sẻ thông tin về tầm quan trọng của kiểm toán khủng hoảng và cũng như xây dựng sự đồng thuận, tính khả thi về lập một báo cáo nghiên cứu về quản lý khủng hoảng.

Báo cáo gồm 04 nội dung:

Tổng quan về quản lý khủng hoảng - Khái niệm về khủng hoảng, quản lý khủng hoảng; Tính chất của từng giai đoạn khủng hoảng; Các vấn đề chính liên quan đến quản lý khủng hoảng.

Quản lý, hợp tác quốc tế, hợp tác giữa các SAI trong ASOSAI, thành lập nhóm công tác riêng để hoạt động trong khuôn khổ sáng kiến này, các mô hình vai trò để ứng phó với từng giai đoạn quản lý khủng hoảng.

Quy chế hoạt động của Nhóm chuyên trách, trong đó có các dự án về nâng cao năng lực cho các thành viên.

Hoạt động quản lý khủng hoảng của ASOSAI, đề ra chức năng, mục tiêu phạm vi hoạt động, đánh giá tăng cường năng lực cho các SAI thành viên.

Theo SAI Hàn Quốc, với việc thông qua Tuyên bố Bangkok tại Đại hội lần thứ XV với chủ đề: SAI và việc chuẩn bị cho trạng thái bình thường mới, các SAI cần phải có những chiến lược, kế hoạch ứng phó với những khủng hoảng tương lai dựa vào đề cương tuyên bố này một cách tích cực hơn./.

M. Thúy
 

Xem thêm »