Tiếp thu kinh nghiệm, nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán môi trường  

24/09/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

  Trong nhiệm kỳ 2018-2021, dưới sự dẫn dắt của KTNN Việt Nam - Chủ tịch Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI), mặc dù gặp nhiều thách thức, nhất là ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh Covid-19 song ASOSAI đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, việc thực hiện các mục tiêu về bảo vệ môi trường - một trong hai trụ cột của Tuyên bố Hà Nội, đã được các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) thành viên tích cực hưởng ứng.

Đoàn kiểm toán đánh giá việc quản lý nguồn nước sông Mê Công tại khu vực thượng nguồn, tỉnh Gia Lai

Thông qua việc trao đổi chuyên môn và hợp tác kiểm toán về môi trường, KTNN Việt Nam đã học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm để từ đó thực hiện tốt hơn hoạt động này trong tương lai.
 
Cùng phát triển hoạt động kiểm toán môi trường

Hội thảo môi trường lần thứ 3, Nhóm công tác của ASOSAI về Kiểm toán môi trường (ASOSAI WGEA) và các SAI chia sẻ kinh nghiệm về kiểm toán môi trường (KTMT) với quản lý chất thải rắn, tiến hành các cuộc KTMT... là những hoạt động nổi bật của các SAI trong việc hướng đến thực hiện KTMT trong nhiệm kỳ 2018-2021.

Những năm gần đây, ASOSAI WGEA đã đưa chủ đề KTMT vào các hội thảo hoặc các dự án đào tạo, đồng thời giới thiệu sự phát triển của KTMT ở châu Á với cộng đồng quốc tế. Tháng 5/2019, SAI Trung Quốc đã tổ chức Cuộc họp lần thứ 6 của Diễn đàn Lãnh đạo kiểm toán toàn cầu, trong đó “Cải thiện trách nhiệm giải trình công thông qua KTMT” được đưa vào làm một trong những chủ đề chính của cuộc họp. Tiếp đó, từ tháng 12/2019 - 01/2020, Ban Thư ký của ASOSAI WGEA đã thực hiện Khảo sát lần thứ 9 về KTMT để theo dõi sự phát triển KTMT của các SAI thành viên và thảo luận về nhiều nội dung liên quan như: thực hiện các dự án nghiên cứu và kiểm toán hợp tác, tiến hành các dự án đào tạo thí điểm về KTMT... Với mục đích nâng cao năng lực KTMT cho các SAI thành viên, ASOSAI WGEA đã tiến hành dự án thí điểm đào tạo về KTMT. Tại lớp đào tạo về chất thải rắn (ngày 24/12/2020), với sự tham gia của hơn 160 kiểm toán viên từ 10 SAI, SAI Trung Quốc đã chia sẻ kinh nghiệm về tìm hiểu việc quản lý chất thải rắn và cách thức tiến hành kiểm toán quản lý chất thải rắn. Những chia sẻ, trao đổi đã mang đến thông tin bổ ích cho các kiểm toán viên khi thực hiện kiểm toán đối với loại chất thải này.

Không dừng lại ở việc chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm về KTMT, ASOSAI WGEA còn thành lập Giải thưởng Tầm nhìn xanh khuyến khích các SAI đẩy mạnh, hoàn thành các nhiệm vụ về KTMT thông qua các cuộc kiểm toán độc lập và khách quan, đưa ra các kiến nghị mang tính xây dựng, tạo điều kiện cải thiện môi trường sinh thái quốc gia hoặc khu vực và thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.

Đặc biệt, trong nhiệm kỳ 2018-2021, ASOSAI WGEA đã triển khai hai dự án quan trọng là Kiểm toán hợp tác về bảo vệ môi trường nước và Kiểm toán hợp tác ứng dụng dữ liệu lớn trong KTMT. Hai dự án đã kết thúc thành công vào năm 2019. Trong quá trình triển khai, các SAI thành viên đã tham gia trao đổi, thảo luận nhiều vấn đề có liên quan. KTNN đã tích cực tham gia, qua đó học hỏi được kiến thức, kinh nghiệm về KTMT để áp dụng vào hoạt động kiểm toán.

KTNN Việt Nam theo đuổi mục tiêu kiểm toán môi trường

Trong nhiệm kỳ 2018-2021, KTNN đã khởi xướng và chủ trì triển khai dự án kiểm toán hợp tác về “Quản lý tài nguyên nước lưu vực sông Mê Công” với sự tham gia của SAI Myanmar và SAI Thái Lan, cùng sự hỗ trợ của các SAI Malaysia, Indonesia, Ngân hàng Thế giới, Quỹ Kiểm toán và Trách nhiệm giải trình Canada trong suốt quá trình kiểm toán.

Cuộc kiểm toán được thực hiện trong bối cảnh các quốc gia thuộc lưu vực sông Mê Công đã và đang phải đối mặt với những thách thức, tác động tiêu cực từ hiện tượng biến đổi khí hậu cũng như việc quản lý, khai thác và sử dụng nguồn nước thiếu bền vững, có khả năng ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn 65 triệu người dân trong lưu vực. Thông qua cuộc kiểm toán nhằm kiến nghị để nâng cao hiệu quả quản lý nguồn nước sông Mê Công bền vững, công bằng và hài hòa. Đến nay, cuộc kiểm toán đã được thực hiện thành công, đem lại nhiều giá trị gia tăng trong hoạt động quản lý tài nguyên nước của các quốc gia trong vùng.

Tại Việt Nam, trên cơ sở kết quả kiểm toán, bên cạnh các kiến nghị tới Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương trong việc tăng cường các hoạt động quản lý, giám sát hiệu quả tài nguyên nước, KTNN cũng kiến nghị Ủy ban sông Mê Công Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan đến việc thực hiện Hiệp định Mê Công 1995 nghiên cứu, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ đề xuất Ủy hội sông Mê Công quốc tế xây dựng hướng dẫn kỹ thuật về giám sát sử dụng nước trên dòng nhánh; duy trì dòng chảy tối thiểu; đề xuất chế tài cụ thể để giải quyết tranh chấp đối với các bất đồng giữa các nước thành viên.

Thực tế cho thấy, tại nhiều SAI trong khu vực, việc thực hiện kiểm toán về môi trường vẫn chủ yếu được lồng ghép. Đơn cử, đối với kiểm toán chất thải, Trung Quốc, Nhật Bản và nhiều nước khác, các hoạt động này được lồng ghép trong các công cụ kiểm soát và giảm thiểu ô nhiễm như KTMT, đánh giá vòng đời sản phẩm. Trong giai đoạn 2018-2021, KTNN Việt Nam đã tập trung xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện nhiều cuộc kiểm toán liên quan đến môi trường và tương tự như nhiều SAI khác, vấn đề này chủ yếu được lồng ghép vào trong kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ... Từ kiểm toán hợp tác cấp khu vực, đến các cuộc kiểm toán chuyên sâu hay lồng ghép trong nước được thực hiện thời gian qua đã mang lại những bài học kinh nghiệm quý cho KTNN trong việc tiếp tục theo đuổi thực hiện kiểm toán vấn đề này.

Để tăng cường và thực hiện tốt hơn nữa các cuộc kiểm toán về môi trường, KTNN sẽ tiếp tục bám sát định hướng của Chính phủ về phát triển bền vững, trong đó có bảo vệ môi trường để xây dựng kế hoạch kiểm toán nhằm hỗ trợ tốt nhất cho Chính phủ, Quốc hội trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ vào hoạt động kiểm toán. Chú trọng phát triển các phương pháp thu thập bằng chứng kiểm toán mới, phù hợp với yêu cầu và mục tiêu kiểm toán; tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế về KTMT, trong đó chú trọng học tập kinh nghiệm của các tổ chức quốc tế, các SAI có kinh nghiệm trong lĩnh vực kiểm toán này.
  
Nguyễn Lộc
(Báo Kiểm toán số 38/2021)
 

 

Xem thêm »