Dự phiên họp còn có Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương và các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Về phía khách mời có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến, đại diện lãnh đạo một số Bộ, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan. Phó Tổng Kiểm toán nhà nươc Hà Thị Mỹ Dung dự phiên họp.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, UBTVQH họp phiên thường kỳ lần thứ 4 cho ý kiến về những nội dung còn lại trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2 và xem xét, quyết định một số nội dung quan trọng khác.
Về công tác lập pháp tại Kỳ họp thứ 2, dự kiến Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 2 dự án Luật, cho ý kiến về 5 dự án Luật.Tại các phiên họp thường kỳ lần thứ 2 và thứ 3, UBTVQH đã xem xét, cho ý kiến đối với tất cả các dự án Luật, dự kiến trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Riêng dự án Luật Thống kê, Chính phủ đề nghị trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia.Tiếp thu ý kiến của UBTVQH, Chính phủ đã hoàn thiện hồ sơ theo hướng chuyển thành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê, bao gồm sửa đổi một số điều và cả sửa đổi phụ lục danh mục các chỉ tiêu thống kê quốc gia. “Đây là việc làm rất cần thiết để đáp ứng yêu cầu điều hành kinh tế ở phương diện vĩ mô và phục vụ cho công tác quản lý, điều hành kinh tế tại các địa phương, nhất là các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương trong cả nước. Chính phủ đã tiếp thu ý kiến này và đã có hồ sơ trình lại. Do đó, trong phiên họp lần thứ 4 này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến lần thứ hai đối với dự án Luật này” – Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị UBTVQH xem xét kỹ lưỡng dự án Luật có đủ điều kiện để trình Quốc hội và có thể thông qua theo quy trình tại một kỳ họp như đề xuất của Chính phủ hay không.
Về cơ chế, chính sách đặc thù của một số địa phương, ngoài cơ chế chính sách đặc thù cho tỉnh Thanh Hóa đã được xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3, tại phiên họp này, UBTVQH sẽ xem xét, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh: Nghệ An, Thừa Thiên Huế để cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị và Trung ương trong các nghị quyết, kết luận để phát triển kinh tế, xã hội tại các địa phương này.
Toàn cảnh phiên họp
Cũng tại phiên họp này, UBTVQH cho ý kiến về: Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2022, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022; Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống dịch COVID-19, về việc lùi thời điểm thực hiện chính sách cải cách chính sách tiền lương.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị UBTVQH phân tích, đánh giá, nêu bật những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, yếu kém; chỉ rõ các nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhất là các nguyên nhân chủ quan và các bài học kinh nghiệm nào cần phải rút ra và cho ý kiến về mục tiêu, chỉ tiêu, định hướng và giải pháp chủ yếu cho năm 2022.
UBTVQH căn cứ Nghị quyết Quốc hội về các khung kế hoạch 5 năm đã ban hành và cập nhật tình hình, bối cảnh hiện nay để thảo luận, cho ý kiến về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 và quy hoạch đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025.
Tại phiên họp, UBTVQH sẽ cho ý kiến về vấn đề xét xử trực tuyến theo đề nghị của Tòa án Nhân dân tối cao; việc xử lý tài chính cho Dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn theo các cam kết, mục tiêu của Chính phủ. Đồng thời thảo luận, cho ý kiến về hai Báo cáo của Chính phủ về việc quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế năm 2020; hai năm 2019-2020 thực hiện Nghị quyết 68/2013/QH13 về việc đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần chỉ ra được những bất cập của chính sách pháp luật và khâu tổ chức thực thi, từ đó đề xuất, kiến nghị các giải pháp hoàn thiện chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế và việc làm theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, cũng như các nhiệm vụ, giải pháp để làm tốt hơn nữa khâu tổ chức thực hiện.
Với tinh thần trách nhiệm cao trước nhân dân và cử tri, Chủ tịch Quốc hội đề nghị UBTVQH với tinh thần thẳng thắn, khách quan cho ý kiến về: Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV; kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp lần thứ 11, Quốc hội khóa XIV; kết quả tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn, thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội trong năm 2021.
Về thời gian chương trình, nội dung, phương thức tổ chức Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội đề nghị UBTVQH thảo luận, cho ý kiến cuối cùng về chương trình kỳ họp, thời gian và phương thức họp phù hợp với tinh thần những nội dung gì thực sự cần thiết và cấp bách đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, có chất lượng và đảm bảo sự đồng thuận cao thì đưa vào chương trình để đảm bảo cho kỳ họp thành công tốt đẹp nhất. “Tại phiên họp thứ 2 và thứ 3, UBTVQH đã cho ý kiến sơ bộ về Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội. Phiên họp này là phiên cuối cho ý kiến để thống nhất phương án tổ chức họp trực tuyến kết hợp trực tiếp và giữa hai đợt họp có thời gian nghỉ để UBTVQH và các cơ quan của Quốc hội hoàn thiện các dự thảo Nghị quyết để trình Quốc hội xem xét thông qua.” - Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh chỉ còn 9 ngày nữa sẽ khai mạc Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, tại phiên họp này, UBTVQH cho ý kiến cuối cùng về vấn đề này. Trường hợp có nội dung cấp bách, cần thiết nhưng chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng, để đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, có thể báo cáo Quốc hội xin phép cho thêm một kỳ họp chuyên đề ngắn theo hình thức trực tuyến vào cuối năm nay. Chủ tịch Quốc hội đề nghị UBTVQH thảo luận thống nhất việc đề xuất một số đổi mới cần thiết phải áp dụng ngay tại Kỳ họp thứ 2 và việc tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp lần này. Trong đó có việc chia tổ thảo luận trong điều kiện họp trực tuyến, biểu quyết trực tuyến… cần được báo cáo Quốc hội xem xét quyết định áp dụng tại Kỳ họp thứ 2.
Quốc hội đang khẩn trương xây dựng Đề án đổi mới và hoàn thiện, bổ sung các quy định về Nội quy của kỳ họp, dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 3 vào tháng 5/2021. Tuy nhiên, do có họp trực tuyến nên có một số nội dung cần phải áp dụng ngay. Do đó, theo Chủ tịch Quốc hội, một số vấn đề cần phải được báo cáo với Quốc hội xem xét, quyết định, cho áp dụng ngay tại Kỳ họp lần thứ 2 này…
Với tinh thần đổi mới, trách nhiệm, kỹ lưỡng, vào cuộc từ sớm, từ xa, đảm bảo cho chất lượng cao nhất của Kỳ họp thứ 2, Chủ tịch Quốc hội đề nghị UBTVQH và từng đại biểu với trách nhiệm, theo lĩnh vực được phân công phụ trách phân tích sâu về lĩnh vực của mình, đồng thời có ý kiến về những lĩnh vực khác thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của UBTVQH để chất lượng của phiên họp UBTVQH đạt được cao nhất trong thời gian ngắn, tạo điều kiện tiền đề cho Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội được tổ chức thành công, rút ngắn được thời gian trong tình hình cấp bách, khó khăn của đất nước do tác động của đại dịch Covid-19.
Sau phát biểu khai mạc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, UNTVQH cho ý kiến về các báo cáo: Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV; Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV; Kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2021./.
Phương Ngọc