KTNN xin ý kiến hoàn thiện nội dung dự thảo Chuyên đề “Hoàn thiện tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KTNN đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam"

19/10/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Chiều 18/10/2021, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) - 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội, KTNN đã tổ chức Hội nghị báo cáo, xin ý kiến Ủy viên BCH TW đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và các cơ quan có liên quan để hoàn thiện nội dung Dự thảo Chuyên đề “Hoàn thiện tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KTNN đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam".

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì Hội nghị

Tham dự buổi làm việc, về phía Quốc hội có Ủy viên BCH TW đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Ủy viên BCH TW Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang; Phó Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà; Trợ lý Phó Chủ tịch Quốc hội  Hoàng Quang Hàm; Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Minh Nam.

Về phía KTNN có Ủy viên BCH TW Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh - Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Chuyên đề số 13; Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa – Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo và các thành viên Ban Chỉ đạo; Tổ biên tập xây dựng Chuyên đề số 13.

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa cho biết, Chuyên đề 13 thuộc Đề án "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045", được xây dựng theo Kế hoạch số 02-KH/BCĐ, ngày 20/7/2021 của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án. Việc xây dựng Chuyên đề nhằm nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn tổ chức, hoạt động của KTNN; đề xuất quan điểm, mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KTNN đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045; tập trung nghiên cứu về vị trí, vai trò của KTNN trong kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng.

Mục tiêu tổng quát, định hướng đến năm 2045 của Chuyên đề là Phát triển KTNN là Cơ quan Kiểm toán tối cao việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, là công cụ trọng yếu, hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và kiểm soát quyền lực; nâng cao trách nhiệm giải trình và đảm bảo tính công khai, minh bạch của các cơ quan sử dụng tài chính, tài sản công, phục vụ hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Chính phủ trong thực hiện chức năng lập pháp, giám sát, quản lý điều hành và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; hỗ trợ Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân địa phương trong quản lý, điều hành, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương; hỗ trợ các cơ quan tư pháp trong thực thi các hoạt động tư pháp; nâng cao năng lực, hiệu lực hiệu quả trong hoạt động kiểm toán thông qua ứng dụng công nghệ thông tin và đẩy  mạnh hợp tác quốc tế, bảo đảm hoạt động công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, chính quy và từng bước hiện đại, xứng đáng là cơ quan kiểm toán tài chính, tài sản công có trách nhiệm và uy tín, đáp ứng được yêu cầu của Đảng, Nhà nước và nhân dân; góp phần quan trọng nâng cao năng lực quản lý, quản trị tài chính, tài sản công của Nhà nước, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; từng bước xác lập và khẳng định vị thế trong kết nối, chia sẻ lợi ích chung, chủ động kiến tạo và vận hành các định chế mới, đóng góp vào sự hoàn thiện và phát triển của cộng đồng kiểm toán công trên thế giới.
 

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa báo cáo tại Hội nghị

Chuyên đề xác định các mục tiêu cụ thể đến năm 2030 trong 06 nội dung: Xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp lý, Phát triển bộ máy tổ chức, nguồn nhân lực; Thực hiện nhiệm vụ; Hội nhập và hợp tác quốc tế; Phát triển công nghệ; Phát triển cơ sở vật chất, thông tin tuyên truyền.

Tại Hội nghị, các đại biểu cơ bản đồng tình với nội dung Dự thảo Chuyên đề, đồng thời trao đổi, làm rõ về một số nội dung cụ thể như: Vai trò KTNN trong kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng; việc hoàn thiện tổ chức, bộ máy, đặc biệt là vấn đề nhân sự... Trên cơ sở các ý kiến trao đổi của các đại biểu tại buổi làm việc, đại diện Ban Chỉ đạo xây dựng Chuyên đề số 13 của KTNN đã giải trình, thông tin làm rõ các vấn đề được quan tâm.

Phát biểu ý kiến chỉ đạo Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã đánh giá cao quá trình triển khai xây dựng Chuyên đề số 13 của KTNN. "Dự thảo Chuyên đề được chuẩn bị công phu, nhiều nội dung mới đáng chú ý" - Phó Chủ tịch Quốc hội nhận xét.

Nhấn mạnh việc xây dựng Chuyên đề số 13 đối với KTNN là rất cần thiết, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Chuyên đề với nhiều nội dung quan trọng về KTNN được đặt trong tổng thể Đề án "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" sẽ góp phần định hình tương lai của KTNN, phù hợp với định hướng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN trong thời gian tới.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, với vai trò là công cụ hữu hiệu của Đảng, Nhà nước trong đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí và góp phần làm lành mạnh nền tài chính công, sử dụng tài chính công, tài sản công, KTNN phải không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán và tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng, phục vụ công tác quản lý, điều hành của Chính phủ và giám sát của Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị KTNN cần phải nhấn mạnh vai trò đó trong nội dung Chuyên đề 13, đặc biệt là quan điểm hướng đến xây dựng KTNN là cơ quan kiểm toán tối cao, là công cụ hữu hiệu trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và kiểm soát quyền lực.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị KTNN rà soát, đánh giá kỹ lưỡng từng nội dung được nêu trong Chuyên đề, trước khi gửi các cơ quan của Quốc hội cho ý kiến và trình Chủ tịch Quốc hội.
 
Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh trân trọng cảm ơn sự quan tâm của Lãnh đạo Quốc hội đối với hoạt động kiểm toán của KTNN trong thời gian qua cũng như trong việc xây dựng Chuyên đề số 13. Tổng Kiểm toán nhà nước khẳng định sẽ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến phát biểu của đại biểu, đặc biệt là những chỉ đạo, định hướng của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải trong quá trình triển khai xây dựng Chuyên đề, để hoàn thành xây dựng Chuyên đề đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ đề ra./.

M. Thúy
 

Xem thêm »