Quốc hội thảo luận về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm từ 2021-2025

31/10/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Chiều 31/10/2021, tại Hà Nội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự kiến Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm từ 2021-2025. Đa số ý kiến đại biểu nhất trí với sự cần thiết phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) cấp quốc gia và cho rằng quy hoạch về đất đai là rất quan trọng, là tiền đề để sửa đổi Luật Đất đai trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung làm việc

Cần phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Tại phiên thảo luận, đã có 23 ý kiến đại biểu phát biểu và 04 ý kiến đại biểu phát biểu tranh luận. Các đại biểu đánh giá cao kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời kì 2011- 2020 và cho rằng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất bước đầu đã đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo việc làm mới, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân và bảo đảm quốc phòng, an ninh lương thực.

Nhiều đại biểu nhận thấy, thời gian qua, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã phát huy vai trò quan trọng trong việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về đất đai; nguồn thu từ đất đai đóng góp quan trọng cho ngân sách Nhà nước; phân bổ nguồn lực đất đai đã bước đầu đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo việc làm mới, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho Nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu cũng chỉ rõ một số bất cập, hạn chế như việc đánh giá thực hiện các chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời gian qua, nhiều chỉ tiêu chỉ mới đề cập dưới dạng thống kê và phản ánh tình hình thực hiện, chưa đi sâu phân tích chất lượng của quy hoạch. Nhiều vấn đề tồn tại, yếu kém, bức xúc chưa được đề cập một cách đầy đủ, như vấn đề chất lượng quy hoạch, việc điều chỉnh quy hoạch nhiều lần, có những trường hợp điều chỉnh còn tùy tiện, theo lợi ích của nhà đầu tư; một số tỉnh, thành phố chậm trễ trong việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020).

Một số ý kiến đại biểu đề nghị phân tích rõ hơn nguyên nhân không đạt được chỉ tiêu để rút ra bài học kinh nghiệm, nhất là các chỉ tiêu đạt dưới 50% như: Đất khu công nghiệp, đất xây dựng cơ sở thể dục, thể thao, đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh thắng, đất bãi thải, xử lý chất thải.
 

Quang cảnh phiên thảo luận trực tuyến tại Hội trường Diên Hồng

Đề cập về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) quốc gia, một số ý kiến đại biểu cho rằng, theo quy định tại Điều 6 của Luật Quy hoạch, Quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia nhưng hiện nay Quy hoạch tổng thể quốc gia chưa được phê duyệt, do vậy, có thể có sự không thống nhất, đồng bộ.

Các đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát kỹ lưỡng hiện trạng sử dụng đất thực tế tại các địa phương, cập nhật để bảo đảm chính xác, phù hợp với thực tế, nghiên cứu thật kỹ lưỡng, khoa học, khách quan, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) quốc gia với các quy hoạch có liên quan, hạn chế tối đa những chồng chéo, mâu thuẫn.

Nhiều ý kiến cũng đề nghị dự thảo Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) cần phân tích đánh giá đầy đủ, toàn diện tác động của biến đổi khí hậu đối với các ngành, vùng trọng điểm, dự báo sát tình hình biến động của các loại đất đai. Từ đó có phương án sử dụng đất linh hoạt, hiệu quả, vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, duy trì an ninh lương thực, vừa thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, nhất là những vùng chịu ảnh hưởng, tác động lớn như đồng bằng sông Cửu Long.
 
Quy hoạch đất đai đi trước một bước, là nền tảng để định hướng cho các quy hoạch và định hướng không gian

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ, báo cáo giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội đề cập liên quan đến Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, đất đai là một nguồn tài nguyên hết sức đặc biệt, không gian để phát triển, nếu không quy hoạch sử dụng đất đai sẽ không đáp ứng được các yêu cầu phát triển và đặc biệt là yêu cầu để phát triển kinh tế - xã hội theo Chiến lược 10 năm đã đề ra, sẽ có độ trễ rất lớn và ảnh hưởng rất lớn đến phát triển của đất nước.
 
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề các đại biểu Quốc hội nêu

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay quy hoạch đất đai sẽ đi trước một bước và là nền tảng để định hướng cho các quy hoạch và định hướng không gian. Trong đó, xác định 3 ranh giới gồm ranh giới bảo tồn, bảo vệ nghiêm ngặt; ranh giới bảo tồn, bảo vệ nhưng mà có phát triển hạn chế và ranh giới phát triển toàn diện. Với ba ranh giới này có bốn khu vực để định hướng như đất lúa, đất rừng phòng hộ, sông, suối, hồ, ao, di sản, danh lam thắng cảnh... là những nơi cần phải bảo vệ. Đây là những quy hoạch tĩnh cần phải được giữ gìn cho con cháu, các thế hệ sau. "Đặc biệt là đất lúa không chỉ bảo đảm an ninh lương thực mà đất lúa còn là đảm bảo giữ hệ tài nguyên đất đai, giá trị đất đai đặc biệt, thổ nhưỡng đặc biệt, phải hàng triệu năm mới tạo ra được và khi đã thay đổi không lấy lại được. Bởi vậy trong Quy hoạch lần này vẫn cương quyết giữ trên 3,5 triệu hecta. Đất trồng lúa chính là một không gian dự trữ cho con cháu trong nhiều thế hệ sau. Nếu bây giờ khai thác hết không còn không gian đất nào nữa để cho các thế hệ sau nếu có nhu cầu phát triển" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ rõ, hiện nay còn có hạn chế mang tính chất hệ thống, đó là dự báo, phương pháp quy hoạch, tính đồng bộ hệ thống quy hoạch. Nếu quy hoạch sử dụng đất chỉ đứng một mình, không có các quy hoạch thành phần để cụ thể hóa, không thể quản lý đất đai hiệu quả được. Do đó, nếu không thay đổi và tiếp cận cách thức quy hoạch cứng nhắc, quy hoạch không dựa trên tĩnh và động, phân ra các vùng và quy hoạch không dựa trên xác định cơ chế thị trường thì sẽ làm cản trở việc sử dụng nguồn lực đất đai.

Trước ý kiến của đại biểu Quốc hội về việc hiện nay nhiều khu công nghiệp không đạt tỷ lệ lấp đầy, giai đoạn tới lại tiếp tục gia tăng đất khu công nghiệp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lý giải: Đất khu công nghiệp vào thời điểm quy hoạch tiên lượng sẽ có sự phát triển rất cao. Dự báo làn sóng đầu tư sẽ có chuyển dịch. Nhưng trên thực tế điều này chưa xảy ra, hơn nữa vào cuối nhiệm kỳ rơi vào khủng hoảng do Covid-19. "Đây là một nguyên nhân cần khẳng định rõ" -  Bộ trưởng nói.

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho biết sẽ tiếp thu nhiều ý kiến góp ý cụ thể của đại biểu Quốc hội để tiếp tục hoàn thiện Quy hoạch như về căn cứ pháp lý, căn cứ chính trị, định hướng quy hoạch 6 vùng, chỉ tiêu thống kê đất rừng phòng hộ của Cà Mau. “Nếu các đại biểu Quốc hội phát hiện có vấn đề gì chưa đầy đủ, chưa chính xác, cơ quan soạn thảo, Chính phủ sẽ hết sức nghiêm túc xem xét” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bày tỏ thống nhất cao với đề xuất giải pháp thực hiện Quy hoạch trong giai đoạn tới của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết sẽ nghiêm túc tiếp thu. Trong đó, có ý kiến về thể chế đối với quản lý trong quá trình xây dựng quy hoạch đảm bảo tính đồng bộ quy hoạch, sử dụng hiệu quả quy hoạch và các chế tài xử lý vi phạm; về xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai nói chung và dữ liệu quy hoạch nói riêng, công khai, tăng cường giám sát, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch./.

M. Thúy

Xem thêm »