(sav.gov.vn) - Tham luận tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Triển khai thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk Y Vinh Tơr kiến nghị, để nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương, cần tăng cường, huy động hiệu quả sự tham gia của các cơ quan KTNN khu vực, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các chuyên gia vào hoạt động giám sát…
Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk Y Vinh Tơr phát biểu
Theo Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đăk Lăk Y Vinh Tơr, việc nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương trong điều kiện tiếp tục hoàn thiện về địa vị pháp lý, vai trò, chức năng của Đoàn đại biểu Quốc hội hiện nay là yêu cầu cấp thiết, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của cử tri đối với Quốc hội.
Tuy nhiên, qua thực tế công tác giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và Kế hoạch giám sát năm 2022 của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk xin nêu một số khó khăn, vướng mắc trong tổ chức, hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương.
Thứ nhất, các cuộc giám sát tại địa phương chủ yếu được tổ chức theo hình thức Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội, ít đại biểu có hoạt động giám sát riêng, trong đó lãnh đạo Đoàn và Phó Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách đóng vai trò chính trong việc chỉ đạo, tham mưu xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện triển khai hoạt động giám sát của Đoàn. Các đại biểu Quốc hội trong Đoàn chưa chủ động thực hiện nhiệm vụ giám sát theo quy định. Phạm vi trách nhiệm của Đoàn đại biểu Quốc hội trong việc tổ chức giám sát tại địa phương khá rộng, đòi hỏi chuyên môn sâu. Trong khi đó thời gian hoạt động giám sát nguồn lực để Đoàn đại biểu Quốc hội địa phương thực hiện giám sát còn hạn chế, khối lượng công việc lớn, nhiều việc phát sinh yêu cầu gấp về tiến độ đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của hoạt động giám sát của Đoàn.
Thứ hai, số lượng đại biểu trong Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương ít, đa số các đại biểu hoạt động không chuyên trách giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý của các cơ quan, đơn vị tại địa phương nên thời gian dành cho hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương không nhiều, còn thiếu các quy định cụ thể về cơ chế hỗ trợ đại biểu Quốc hội tự tiến hành giám sát.
Thứ ba, cơ sở pháp lý, phương pháp tổ chức phối hợp của các cơ quan hữu quan nói chung, đặc biệt là các cơ quan Kiểm toán nhà nước (KTNN) khu vực, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tham gia hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội nói chung và hoạt động giám sát nói riêng vẫn còn chung chung, không xác định rõ trách nhiệm cụ thể. Vấn đề này đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội hướng dẫn thêm để xác định rõ vai trò, trách nhiệm của chủ thể được mời tham gia.
Thứ tư, về nguồn lực thực hiện các hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội còn một số hạn chế, chế độ cho thành viên được mời tham gia Đoàn giám sát chưa tương xứng với trách nhiệm, nên phần lớn các thành viên được phân công tham gia Đoàn giám sát chỉ thể hiện trách nhiệm đối với cơ quan, đơn vị đã phân công, không thực hiện đúng vai trò, trách nhiệm là thành viên Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội. Vì vậy, các thành viên tham gia Đoàn giám sát chưa thực hiện kịp thời, đầy đủ trách nhiệm, một số thiếu tích cực…
Từ những nhận định nêu trên, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk Y Vinh Tơr đề nghị, trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương cần phải tiếp tục nâng cao vai trò, vị trí của Đoàn đại biểu Quốc hội trong tổ chức, hoạt động; tăng cường huy động hiệu quả sự tham gia của các cơ quan KTNN khu vực, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị xã hội, các chuyên gia trong việc triển khai hoạt động của các đoàn đại biểu Quốc hội nói chung và hoạt động giám sát nói riêng.
Trong đó, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND theo hướng, quy định Đoàn đại biểu Quốc hội là một tổ chức trong cơ cấu tổ chức của Quốc hội, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ và cơ chế phối hợp với KTNN, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị xã hội. Đồng thời, quy định rõ hơn về điều kiện, tiêu chuẩn, chế độ tài chính, trách nhiệm pháp lý đối với các chuyên gia khi được Đoàn đại biểu Quốc hội mời tham gia tư vấn thực hiện các nhiệm vụ của Đoàn.
Bên cạnh đó, quy định cụ thể trách nhiệm của đại biểu Quốc hội trong Đoàn đại biểu Quốc hội đối với lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội trong việc thực thi chức năng, nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội và trách nhiệm của lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội đối với đại biểu Quốc hội trong Đoàn về triển khai các nhiệm vụ theo quy định.
Đồng thời xác định rõ đối tượng, phạm vi giám sát của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội cũng như cơ chế, chính sách cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ hiện hành. Đảm bảo các điều kiện về nguồn lực, nhất là cơ chế tài chính để các Đoàn đại biểu Quốc hội mời các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động giám sát, lĩnh vực giám sát nhằm hỗ trợ, tư vấn cho Đoàn đại biểu Quốc hội trong Đoàn giám sát khi triển khai thực thi nhiệm vụ tại địa phương.
Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk Y Vinh Tơr cũng đề nghị tiếp tục đổi mới, tăng cường phối hợp với KTNN khu vực, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị xã hội, Thường trực HĐND cùng cấp, các chuyên gia để hỗ trợ chuyên môn sâu, giúp Đoàn giám sát kiến nghị nhiều giải pháp toàn diện, sát đúng với tình hình thực tiễn và tâm tư, nguyện vọng của cử tri, để đảm bảo cơ chế, chính sách, pháp luật được thực thi nghiêm minh trong đời sống xã hội.
Ngoài ra, đại biểu Y Vinh Tơr cũng kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục hướng dẫn phương án tổ chức giám sát trong điều kiện dịch bệnh hiện nay, đặc biệt là các địa phương dịch còn diễn biến phức tạp; đề nghị Ban Công tác đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng giám sát cho đại biểu Quốc hội vì sau mỗi nhiệm kỳ số đại biểu tái cử có kinh nghiệm về hoạt động giám sát là rất ít, đa số các đại biểu mới trúng cử lần đầu, lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội địa phương cũng có sự thay đổi nên thiếu kinh nghiệm, kỹ năng tổ chức hoạt động giám sát…/.
Nguyễn Hồng