(sav.gov.vn) - Ngày 10/11/2021, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) – 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội, Ban chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ năm 2021 “Giải pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm, hiệu quả của KTNN trong phòng chống tham nhũng (PCTN) đáp ứng yêu cầu tình hình mới” tổ chức hội thảo khoa học lấy ý kiến của các thành viên Hội đồng khoa học KTNN đồng thời là các chuyên gia trong lĩnh vực KTNN đối với nội dung nghiên cứu.
![](/noidung/tintuc/PublishingImages/2021/Thang%2011/hoi%20thao%20khoa%20hoc_20211110165919.jpg)
Đề tài do Ông Nguyễn Đức Tín, Kiểm toán trưởng KTNN khu vực V và Ông Nguyễn Viết Hùng, Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực V đồng chủ nhiệm.
Trình bày tóm tắt nội dung nghiên cứu, Ông Nguyễn Viết Hùng cho biết: Với địa vị pháp lý là cơ quan do Quốc hội thành lập hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, có chức năng đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, KTNN có vai trò quan trọng trong công tác PCTN. Qua hoạt động kiểm toán, KTNN phát hiện những bất cập, lỗ hổng của cơ chế, chính sách, góp phần vào PCTN, thất thoát, lãng phí. Để nâng cao vai trò, trách nhiệm của KTNN trong PCTN, Luật PCTN năm 2018 quy định “KTNN có trách nhiệm kiểm toán nhằm phòng ngừa, phát hiện tham nhũng; kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng theo quy định của pháp luật; xác minh, làm rõ vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện trong quá trình kiểm toán”, đồng thời bổ sung quy định về trách nhiệm pháp lý do không phát hiện có vụ việc tham nhũng xảy ra tại cơ quan, tổ chức, đơn vị đã tiến hành kiểm toán. Điều đó đặt ra yêu cầu đổi mới công tác quản lý hoạt động kiểm toán nhằm nâng cao chất lượng kiểm toán, nâng cao trách nhiệm của Kiểm toán viên nhà nước trong phát hiện và kiến nghị xử lý hành vi tham nhũng. Vì vậy, nghiên cứu đề tài “Giải pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm, hiệu quả của KTNN trong phòng, chống tham nhũng đáp ứng yêu cầu tình hình mới” có tính cấp thiết cả về lý luận và thực tiễn.
Trên cơ sở luận giải về vai trò, trách nhiệm, hiệu quả của KTNN trong PCTN; phân tích, đánh giá thực trạng về vai trò, trách nhiệm, hiệu quả của KTNN Việt Nam trong PCTN thông qua hoạt động kiểm toán, đề tài đã đề xuất các giải pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm, hiệu quả của KTNN trong PCTN.
Đề tài sử dụng các phương pháp nghiên cứu truyền thống như phân tích, tổng hợp, khảo sát, đánh giá tài liệu, quan sát, kiểm chứng, thống kê, so sánh… Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, đề tài được kết cấu thành 03 chương: Chương 1 - Cơ sở lý luận về vai trò, trách nhiệm , hiệu quả của cơ quan KTNN trong PCTN; Chương 2 - Thực trạng về vai trò, trách nhiệm, hiệu quả của KTNN Việt Nam trong PCTN; Chương 3 - Quan điểm và giải pháp nâng cao, trách nhiệm, hiệu quả của KTNN trong PCTN.
Góp ý tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, đề tài đã có những phân tích toàn diện cơ sở lý luận về vai trò, trách nhiệm, hiệu quả của KTNN trong PCTN. Kết quả nghiên cứu của đề tài cho thấy Ban chủ nhiệm đề tài đã có nhiều cố gắng, công phu, phân tích, đánh giá và đưa ra nhiều giải pháp quan trọng, có ý nghĩa thực tiễn. Tuy nhiên, để đề tài được hoàn thiện hơn, Ban chủ nhiệm đề tài cần làm sâu sắc thêm vấn đề nghiên cứu trên cơ sở bám sát chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của KTNN từ lý thuyết đến thực trạng và giải pháp. Bên cạnh đó, xem xét, bổ sung: nguyên nhân và điều kiện của tham nhũng; những khó khăn, thách thức trong hoạt động PCTN. Chương 2 đánh giá rõ nét hơn kết quả kiểm toán đạt được. Chương 3 phân tích sâu thêm giải pháp giáo dục chính trị tư tưởng kết hợp với công tác tuyên truyền, khen thưởng, kỷ luật trong Nhóm giải pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm, hiệu quả của KTNN trong PCTN; phân tích 03 mô hình tổ chức bộ máy KTNN ở các quốc gia trên thế giới trên cơ sở đó rút ra bài học kinh nghiệm với KTNN Việt Nam….
Trên cơ sở tiếp thu toàn bộ ý kiến góp ý của Hội đồng khoa học, Ban chủ nhiệm đề tài cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện đề tài trước khi trình Hội đồng nghiệm thu vào tháng 12.
Hà Linh