Cần các gói kích thích kinh tế đủ lớn và đủ dài sau đại dịch
Trong phiên thảo luận, các đại biểu tập trung thảo luận về kết quả thu NSNN; cơ cấu NSNN; chính sách thu ngân sách; chi cho công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19; tăng điều tiết ngân sách cho các tỉnh, thành bị thiệt hại nặng nề do dịch COVID-19; việc phân bổ nguồn thu từ xổ số kiến thiết tại các địa phương; vấn đề kiểm soát nợ công; rà soát danh mục đầu tư công trung hạn; đề nghị Quốc hội và Chính phủ bổ sung một số dự án theo chương trình dự án quan trọng cấp bách và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025…Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, tranh luận là có nên tăng trần nợ công để hỗ trợ phát triển nền kinh tế.
Theo đại biểu Quốc hội Hà Đức Minh (Lào Cai), hiện nay đã có nhiều cơ chế, chính sách về miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và các gói hỗ trợ trực tiếp người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên so với yêu cầu và mặt bằng chung, các gói hỗ trợ, kích thích này chưa bảo đảm được tính toàn diện và bền vững.Đại biểu cho rằng, thời gian tới công tác triển khai mục tiêu kép cần có 5 mục tiêu cần đạt được, đó là linh hoạt các phương án phòng, chống và kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh, nâng cao khả năng chữa trị cho hệ thống y tế; bảo đảm việc làm cho người dân và ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; khởi động lại các hoạt động kinh tế sau phong tỏa, giãn cách; xây dựng lại một cấu trúc kinh tế có khả năng chống chịu tốt trước thảm họa; tăng cường khả năng đối phó với các thảm họa trong tương lai.
Để hiện thực hóa các mục tiêu đó, đại biểu Hà Đức Minh nhấn mạnh yếu tố nguồn lực là tiên quyết. Theo lý giải của đại biểu, nền kinh tế của chúng ta đang phải chịu tác động rất lớn bởi sự bùng phát của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 kể từ cuối tháng 4/2021. Năng lực chống chịu của nền kinh tế thì có hạn, nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài thì cú sốc đối với tăng trưởng và tính ổn định của nền kinh tế sẽ rất khó lường trong thời gian tới. “Vì vậy, ngoài các nguồn lực hiện nay, tôi đề xuất có thể tăng thêm mức bội chi NSNN. Hiện nay, bội chi năm 2021 là gần 344 nghìn tỷ đồng, bằng 4% GDP; dự kiến phương án đang trình ra Quốc hội năm 2022 là gần 373 nghìn tỷ đồng cũng bằng khoảng 4%GDP. Trong khi đó tổng chi đầu tư phát triển năm 2022 dự kiến tối thiểu là 526 nghìn tỷ đồng. Mặt khác, do các địa phương thường giao tăng chi đầu tư phát triển so với Trung ương giao. Như vậy dư địa bội chi theo luật còn khoảng ít nhất là 153 nghìn tỷ đồng”.
Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị muốn hỗ trợ được doanh nghiệp và phát triển được kinh tế sau đại dịch COVID-19, cần phải có các gói kích thích kinh tế đủ lớn và đủ dài. Trong khi đó, hầu hết các địa phương đã sử dụng hết nguồn dự phòng ngân sách. Vì vậy cần nới thêm nợ công để huy động thêm vốn phục vụ cho quá trình phục hồi kinh tế. Hiện nay nợ công mới đạt khoảng 44% GDP trong khi quy định cho phép tới 60% GDP. "Tôi đề nghị Quốc hội xem xét nới nợ công lên khoảng 50 - 55%. Việc nới này có thể kéo dài khoảng 3 năm để xem xét những diễn biến tiếp theo của đại dịch và kinh tế vĩ mô" - đại biểu Hà Minh Đức nói.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) phát biểu
Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng: Việc nới mức trần nợ công sẽ khiến quy mô dư nợ đến 2025 tăng gấp đôi so với đầu nhiệm kỳ, tạo ra rủi ro về lâu dài. "Dự nợ công của năm 2021 là 44% GDP nhìn con số thì thấp, tuy nhiên tỷ lệ 44% này là do bước vào năm 2021 là chúng ta đã điều chỉnh GDP tăng hơn 1 triệu tỷ đồng, tương đương với mức tăng 25%. Mức độ tăng nợ vẫn còn, tỷ số nhìn có vẻ thấp nhưng mà đây là điều cần hết sức quan tâm. Đến năm 2021, mức trả nợ lãi và gốc đã xấp xỉ ở mức 25%, tức là 4 đồng chi tiêu thì 1 đồng phải trả nợ. Đây là vấn đề hết sức lưu tâm cho an ninh tài chính quốc gia" - đại biểu Nguyễn Hữu Toàn nói.
Theo đại biểu, trong giai đoạn 10 năm gần đây, quy mô nợ công cũng tăng liên tục. Tốc độ tăng nợ bình quân giai đoạn 2011 - 2015 lên tới 18,1%, trong nhiệm kỳ 5 năm gần nhất, mức tăng rút xuống còn hơn 6,5%. Nếu căn cứ theo mục tiêu tăng nợ trung bình khoảng 11% cho nhiệm kỳ này, quy mô nợ công có thể đạt 6,5 triệu tỷ đồng vào cuối năm 2025.
Siết giảm chi tiêu công, đảm bảo nguồn lực cho an sinh xã hội
Cho rằng nền kinh tế nước ta còn nhiều tiềm năng hợp tác, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) nhất trí với 16 chỉ tiêu chủ yếu và 12 nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.
Về việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đại biểu Trần Hoàng Ngân thông tin, đến nay, cả nước mới giải ngân khoảng 65% tổng nguồn vốn, còn trên 160.000 tỷ đồng cần giải ngân để tạo đà phát triển cho giai đoạn tới. “Năm 2022, kế hoạch vốn đầu tư công cả nước là 560.100 tỷ đồng. Đây vừa là cơ hội, vừa là thử thách lớn. Vì thế, cần tập trung vào khu vực trọng điểm, có tính động lực lan tỏa” - đại biểu kiến nghị.
Theo đại biểu đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng), công tác quy hoạch được xác định là động lực cho tăng trưởng,tuy nhiên, việc triển khai theo luật qua 4 năm còn rất chậm, quy hoạch đất đai, quy hoạch rừng… do đó đại biểu đề nghị Chính phủ cần có giải pháp cải thiện tình trạng này trong thời gian tới.
Về cân đối thu chi NSNN năm 2022 và các năm tiếp theo, để đảm bảo nguồn lực cho an sinh xã hội, cho doanh nghiệp và nhân dân, có thêm nguồn lực cho y tế cơ sở, đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị Chính phủ cần rà soát chi tiêu, triệt để tiết kiệm trên các lĩnh vực. Trong đó, siết giảm chi tiêu trong đầu tư công, đặc biệt là các chương trình, dự án không có hiệu quả; có cơ chế phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, đảm bảo thúc đẩy phát triển các địa phương. Đẩy mạnh đầu tư công, đẩy mạnh xây dựng các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm;thực hiện đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong đầu tư công. Đối với công tác quản lý sử dụng tài sản công, Chính phủ cần có các chế định đủ mạnh để nguồn thu từ đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tài nguyên rừng được khai thác một cách hiệu quả, là động lực thúc đẩy tăng trưởng.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) cho rằng, tăng trưởng GDP của chúng ta rất ấn tượng, thể hiện sự quan tâm, quyết liệt của Đảng, Chính phủ. Nếu năm nay, GDP đạt 3,5% thì những năm sau phải tăng trưởng rất cao. Do đó, đại biểu đề nghị trong thời gian trước mắt phải tập trung nâng cao năng suất lao động, là thành tố tích cực để thúc đẩy tăng trưởng, cùng với tập trung nâng cao kỹ năng và đổi mới công nghệ.
Liên quan đến nội dung phân bổ thu NSNN từ hoạt động xổ số kiến thiết, theo đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ(Hà Tĩnh), Luật ngân sách 2015 quy định sử dụng nguồn thu từ xổ số kiến thiết được phân bổ 100% vào ngân sách địa phương. Tuy nhiên, nguồn thu này lại có sự chênh lệch cơ bản giữa các địa phương và các vùng trong cả nước. Năm 2021, chỉ riêng 19 tỉnh vùng ĐBSCL và Đông Nam bộ chiếm 84,26% dự toán thu xổ số kiến thiết, còn 15,74% chia cho 44/63 tỉnh, thành còn lại, chưa kể các tỉnh miền núi phía Bắc khó khăn, thì số thu này chiếm chưa đến 1%.
Đại biểu cho rằng, theo định mức phân bổ dự toán hàng năm của Bộ Tài chính từ 2017-2021, nguồn thu dự toán từ hoạt động xổ số kiến thiết được quy định phân bổ cho đầu tư phát triển các lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu, nông thôn mới. Trong đó, lĩnh vực giáo dục, đào tạo, dạy nghề và y tế các tỉnh miền Bắc, miền Trung Tây Nguyên được bố trí 60% còn Đông Nam bộ và ĐBSCL bố trí 50%. Nguyên tắc phân bổ NSĐP phụ thuộc vào nguồn thu của địa phương đó, tuy nhiên, giáo dục, dạy nghề, y tế, là những lĩnh vực quan trọng, thiết yếu, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước, thì việc phân bổ nguồn thu như trên theo đại biểu chưa đảm bảo nguyên tắc công bằng.
Bên cạnh đó, theo
đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ, Tờ trình 49 của Chính phủ về phân bổ dự toán NSTW năm 2022, đang dùng thuật ngữ “ưu tiên đầu tư” mà chưa có định mức rõ. Đề nghị Chính phủ có quy định phân bổ đầu tư phát triển đều cho các lĩnh vực giáo dục, y tế trong cả nước. “Đặc biệt đối với các địa phương có số thu từ hoạt động xổ số kiến thiết thấp, cần được phân bổ và quy định rõ từ nguồn lực khác để đảm bảo cân đối giữa các địa phương trong cả nước. Quan trọng là định mức phân bổ cần phải quy định cụ thể, vừa đảm bảo đáp ứng nhu cầu chi tiêu của các ngành như trên, vừa đảm bảo đủ để phòng chống dịch” - đại biểu nêu quan điểm.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu giải trình
Chính sách tài khóa được điều hành linh hoạt
Phát biểu giải trình làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, dưới dự lãnh đạo, điều hành của Chính phủ, nhiệm vụ thu - chi NSNN năm 2021 có thể nói là hoàn thành, thu NSNN vượt dự toán đề ra, chi ngân sách đảm bảo bám sát dự toán và bội chi NSNN đảm bảo theo quy định, ở mức 4% GDP theo nghị quyết của Quốc hội.
Theo Bộ trưởng, thời gian qua, chính sách tài khóa được điều hành linh hoạt. Đặc biệt, Chính phủ đã ban hành một loạt chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, cũng như phòng chống dịch bệnh với tổng mức khoảng 200 nghìn tỷ đồng. Riêng Nghị định số 52/2021/NĐ-CP đã giãn, giảm thuế cho doanh nghiệp khoảng 115 nghìn tỷ đồng; Nghị định 92/2021/NĐ-CP giảm khoảng 21,3 nghìn tỷ đồng. Quỹ Vắc-xin phòng Covid-19 đã huy động được gần 9 nghìn tỷ đồng.
Về ý kiến cho rằng, dư địa của nợ công còn lớn, cần tăng bội chi ngân sách, dư địa không còn nhiều, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, vì giai đoạn 2016-2020, tổng vay của Chính phủ là 1.852.000 tỷ đồng, thì giai đoạn 2021-2025 dự kiến vay 3.068.000 tỷ đồng, gấp 1,7 lần so với giai đoạn trước.
Nợ công vào năm 2025 gấp 1,6 lần so với năm 2020, có nghĩa nợ công đến năm 2025 theo đánh giá khoảng 57,9% GDP, nhưng là GDP cũ, tức là vượt ngưỡng 55%. Nếu tính theo GDP mới là 45,6%,
Nợ Chính phủ giai đoạn 2021-2025 là 41,8% nhưng nếu đánh giá theo GDP cũ là 53,1%, có nghĩa cũng vượt ngưỡng là 45%.“Tuy nhiên, chúng tôi rất ủng hộ các gói kích cầu để thúc đẩy kinh tế phát triển, sau đó quay trở lại thu NSNN và sẽ giảm bội chi trong các năm sau. Như vậy, trong các giai đoạn chúng ta vẫn đảm bảo được mục tiêu đề ra” – Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.
Theo Người đứng đầu ngành Tài chính: “Chúng tôi đang tham mưu cho Chính phủ gói kích cầu thông qua hỗ trợ lãi suất, mỗi năm khoảng 20 nghìn tỷ đồng, 2 năm là 40 nghìn tỷ đồng. Nếu hỗ trợ 5 năm thì chúng ta có 1 triệu tỷ đồng đưa vào nền kinh tế. Sau đó, tạo việc làm, thúc đẩy kinh tế, tạo nguồn thu cho ngân sách, giảm bội chi cho giai đoạn sau”.
Về tỷ lệ điều tiết của TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, đối với TP. Hồ Chí Minh, giai đoạn 2017-2021 tỷ lệ điều tiết là 18% và năm đó tổng chi NSNN là 60.369 tỷ đồng, bình quân 7,1 triệu đồng/đầu người, thì đến năm 2021 tổng chi là 69.092 tỷ đồng, tức là bình quân 7,4 triệu đồng/đầu người. Đến năm 2022, chúng ta xây dựng là 84.121 tỷ đồng, bình quân 8,8 triệu đồng/đầu người. Như vậy, chênh lệch cao hơn so với năm ngoái là 15.029 tỷ đồng. “Quan trọng không phải tỷ lệ điều tiết, mà mức chi không thấp hơn năm trước” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.
Đối với Đồng Nai, năm 2017, chi ngân sách là 17.426 tỷ đồng, tỷ lệ điều tiết là 47%, đến năm 2021 là 19.721,6 tỷ đồng, bình quân là 6,1 triệu đồng/người, năm 2022 là 21.257,3 tỷ đồng, bình quân 6,5 triệu đồng/người, chênh lệch cao hơn là 1.535,7 tỷ đồng. Đồng Nai có tiềm năng phát triển quỹ đất do hạ tầng tăng lên, trong tỷ lệ điều tiết không tính tiền thu từ xổ số và tiền thu từ đất. Nhà nước đang đầu tư sân bay Long Thành với 109 nghìn tỷ đồng và một số hạ tầng do ngân sách Trung ương đã quyết trong kế hoạch đầu tư công là 11,2 nghìn tỷ đồng. “Cho nên mong các địa phương giàu hết sức thông cảm, vì phải lo cho 47 tỉnh nghèo. Hiện có tỉnh nghèo hiện nay có Đoàn Đại biểu Quốc hội chưa có xe ô tô và lãnh đạo tỉnh vẫn đi xe đã sử dụng 20 năm và cơ sở hạ tầng kém”.
Về ưu đãi đối với khu công nghiệp sinh thái, theo Bộ trưởng, hiện đã có cơ chế về vấn đề này. Đối với khu kinh tế, hiện đã có 395 khu kinh tế và khu công nghiệp, đã có chính sách ưu đãi, như: ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong 15 năm và miễn 4 năm và giảm 5% của 9 năm tiếp theo… và một số chính sách khác.
Về ý kiến tăng dự toán thu dầu thô, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính “không thể tăng được”, là do sản lượng thực tế hàng năm, từ 2016-2020 đã giảm bình quân 1,45 triệu tấn/năm, tương ứng 11% và sản lượng khai thác các mỏ hiện tại suy giảm tự nhiên, do giếng dầu cạn và rủi ro kỹ thuật địa chất cao nên khó tăng sản lượng.
Về thuế phân bón, Bộ Tài chính đã trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ, sẽ hoàn thiện cùng với hoàn thiện Luật thuế, bởi hiện nay thuế 0%, nên doanh nghiệp sản xuất trong nước thiệt hại do không được hưởng hoàn thuế đầu vào. Do đó, Bộ Tài chính đang nghiên cứu tham mưu đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng mặt hàng phân bón lên 5%.
Đối với ý kiến đề nghị cần tăng tính chủ động của NSTW, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, Bộ Chính trị đã giao Chính phủ xây dựng đề án phân cấp quản lý ngân sách, tăng tính chủ đạo của NSTW và tính chủ động của NSĐP đồng thời sửa Luật NSNN vào thời gian tới.
Liên quan đến hỗ trợ lãi suất năm 2009 giá trị 1 tỷ đồng dẫn đến nợ xấu và khắc phục hiện nay như thế nào, Bộ trưởng cho biết, bởi vì thời gian đó, chúng ta hỗ trợ trên diện rộng và dàn trải, hỗ trợ cả các doanh nghiệp có nợ xấu. Ngoài ra, hệ thống ngân hàng lúc đó nợ xấu cao.
Đối với ý kiến của ĐBQH liên quan đến thu NSNN năm 2022 chỉ tăng 3,4% và tỷ lệ huy động chỉ ở mức 15,1%, thấp hơn so với kế hoạch, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, có những giai đoạn đột xuất bất thường, các cơ chế chính sách thay đổi, tốc độ thu NSNN không tỷ lệ thuận với tốc độ tăng trưởng GDP. Thực tế, giai đoạn 2011-2012, tốc độ tăng trưởng kinh tế là 5,25% thì thu NSNN chỉ đạt 2,2%, hay năm 2020 GDP tăng 2,91% nhưng thực tế thu nội địa chỉ đạt 1,6%, trong đó khu vực doanh nghiệp giảm 2% so với cùng kỳ.
Với ý kiến cho rằng, năm 2021 khó khăn thì tăng thu ở khoản nào, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, thu nội địa tăng lên 7.200 tỷ đồng từ phát sinh của năm 2020 trở về trước như: Truy thu thuế nhà thầu của Fomosa được 2.257 tỷ đồng và xử lý thu chênh lệch giá khí trong bao tiêu sản phẩm là 2.457 tỷ đồng; thu NSNN đối với các khoản khác là 2.500 tỷ đồng; phát sinh đột biến là 2.997 tỷ đồng tiền thuê đất của Đại sứ quán Mỹ và một số khoản thu quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp tăng lên 22.800 tỷ đồng như chứng khoán, bất động sản, khối tài chính ngân hàng và hoạt động sáp nhập chuyển nhượng vốn… thu dầu thô cũng tăng 12 nghìn tỷ đồng, thu xuất nhập khẩu tăng 10,5 nghìn tỷ đồng./.