Tăng cường thanh tra, kiểm toán chuyên đề về việc huy động, sử dụng quản lý các nguồn lực vào công tác phòng, chống dịch ngăn chặn tham nhũng, lợi ích nhóm

11/11/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Tiếp tục chương trình làm việc của đợt 2, Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa XV, ngày 10/11/2021, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội đã tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực y tế. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng các Bộ: Nội vụ, Công an, Tài chính cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan. Đây là phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Quang cảnh phiên chất vấn tại Hội trường Diên Hồng

Trong quá trình chất vấn, đã có 32 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn và 06 đại biểu tranh luận về các nội dung. Một trong những nội dung được đại biểu quan tâm chất vấn là tình trạng chênh lệch giá xét nghiệm Covid-19, tình trạng hàng loạt cán bộ y tế vướng vòng lao lý khi sai phạm trong đấu thầu và mua sắm thuốc, thiết bị y tế và đặt câu hỏi về trách nhiệm quản lý của Bộ Y tế.
 
Triển khai quyết liệt nhiều biện pháp, từng bước minh bạch hóa trong việc cung ứng trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế

Trả lời câu hỏi của đại biểu Đặng Hồng Sỹ (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận) về thực tế: Việt Nam là 1 trong 4 nước đầu tiên phân lập được virus, năm 2020 sản xuất được kit test và có nước đặt mua, nhưng vừa qua chủ yếu nhập khẩu, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện nay, chúng ta đã có 8 đơn vị sản xuất trong nước cung cấp kit test, test PCR, cũng như cung cấp các kháng thể và năng lực sản xuất, cung ứng của chúng ta về cơ bản đáp ứng đầy đủ. Hiện Bộ Y tế đã thúc đẩy cho vấn đề về nghiên cứu sản xuất những phương pháp chẩn đoán mới, ví dụ như chẩn đoán qua hơi thở, nước bọt để làm giảm giá thành và tăng tính tiện ích đối với người dân.

Bộ trưởng cho biết thêm, cho đến thời điểm hiện nay nước ta đã có 2 đơn vị sản xuất các test nhanh kháng nguyên, hai đơn vị đang tiếp tục có chuyển giao công nghệ từ Tây Ban Nha, từ Pháp, một đơn vị chuyển giao từ các nước khác để sản xuất test nhanh kháng nguyên và đang rất gấp rút thúc đẩy cho vấn đề về sản xuất, đảm bảo đủ sản xuất trong nước sử dụng trong nước.

Theo Bộ trưởng, ngày 08/11/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 89 về quản lý trang thiết bị y tế, đã thay đổi cơ bản vấn đề về quản lý trang thiết bị y tế. Cùng ngày, Bộ Y tế cũng đã ban hành Thông tư 16 về giá xét nghiệm, đối với giá test nhanh Covid-19 là 106.000 đồng, nếu như đơn vị y tế đấu thầu với giá sinh phẩm thấp hơn sẽ được thu giá thấp hơn.
 

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trả lời chất vấn

Liên quan đến câu hỏi về giá xét nghiệm và trách nhiệm của Bộ trưởng trong quản lý giá, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trang thiết bị y tế và sinh phẩm chẩn đoán trước đây không thuộc lĩnh vực quản lý theo Luật giá. Trong khi đó, giá cả của các mặt hàng này cũng khác nhau giữa các hãng khác nhau và giữa các nước sản xuất. Thời gian qua, Bộ Y tế đã triển khai rất quyết liệt nhiều biện pháp, từng bước minh bạch hóa trong việc cung ứng trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế. Tháng 7/2020, Bộ đã yêu cầu tất cả các công ty có kinh doanh, sản xuất trang thiết bị y tế phải công khai, niêm yết giá trên cổng thông tin của Bộ Y tế. Cho đến thời điểm hiện nay đã có 69.235 sản phẩm đã niêm yết giá và kết quả đấu thầu 93.253 kết quả đã được niêm yết giá trên Cổng của Bộ Y tế để từ đó các đơn vị tham khảo xây dựng kế hoạch đấu thầu cũng như triển khai việc đấu thầu cung ứng cho địa bàn của mình.

Bộ Y tế đã liên tục yêu cầu đối với tất cả những doanh nghiệp tăng nguồn cung cho thị trường trong nước và hạ giá thành đối với các sản phẩm. Đồng thời, tăng cường cấp phép để tạo cạnh tranh giữa các đơn vị cung ứng bởi giảm giá thành là một trong những yêu cầu đặt ra. Bộ liên tục có những điều chỉnh trong chiến lược về xét nghiệm, tùy từng thời điểm, tùy từng mức độ có điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế trên quan điểm phòng, chống dịch một cách rất hiệu quả nhưng phải tiết kiệm.

Bộ trưởng nêu ví dụ: Bộ Y tế đã tiên lượng từ ngày 11/7 việc triển khai test nhanh sẽ tăng nhanh, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu đối với tất cả các đơn vị thuộc Bộ và tất cả các địa phương phải thực hiện theo phương thức thực thanh, thực chi. Trong trường hợp người dân tự nguyện đến xét nghiệm và trả phí thì chỉ được phép thu theo đúng giá đầu vào và không được thu cao hơn. Vì vậy, có hiện tượng chênh lệch giá giữa các đơn vị, các cơ sở y tế tư nhân. Tuy nhiên, trong thời gian qua do quá bận vì công tác phòng, chống dịch cho nên đến tháng 9/2021, Bộ Y tế đã yêu cầu các đơn vị phải thực hiện theo đúng chỉ đạo của Bộ là phải thực thanh, thực chi, giá test chỉ được thu theo đúng giá đầu vào là giá đấu thầu. "Bộ đã yêu cầu các địa phương phải nghiêm khắc nhắc nhở, chấn chỉnh đối với việc thu giá test cao" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế liên tục có văn bản nhắc nhở các địa phương thực hiện theo đúng các quy định pháp luật, bảo đảm không có lợi ích nhóm, không được tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Đối với vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt và đưa vào trong chương trình thanh tra đối năm 2022 về đấu thầu, mua sắm trang thiết bị và sinh phẩm y tế…
 
Tăng cường thanh tra, kiểm toán chuyên đề về việc huy động, sử dụng quản lý các nguồn lực vào công tác phòng, chống dịch ngăn chặn tham nhũng, lợi ích nhóm

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế, đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) đặt câu hỏi về vai trò chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của Bộ Y tế trước tình trạng hàng loạt cán bộ y tế vướng vòng lao lý khi sai phạm trong đấu thầu và mua sắm thuốc, thiết bị y tế.

Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế đã cố gắng tách bạch người quản lý về mặt tài chính riêng. "Tuy nhiên một số các địa phương do vấn đề về mặt tổ chức quản lý y tế ở trên địa bàn và quản lý nhân sự ở địa bàn đó thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, cho nên việc này Bộ Y tế không chỉ đạo được. Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nội vụ và các cơ quan để làm sao minh bạch hóa toàn bộ quá trình, xây dựng các quy định để làm sao cố gắng hạn chế tối đa những sai phạm trong thời gian qua" - ông Nguyễn Thanh Long nói.

Về việc tăng cường kiểm tra, giám sát, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các đơn vị thuộc Bộ và các địa phương; tăng cường kiểm tra giám sát đối với các đơn vị y tế trên địa bàn để ngăn ngừa, phòng chống, đấu tranh cũng như xử lý các trường hợp vi phạm. Bộ trưởng khẳng định, đối với nội dung này, Chính phủ thực hiện rất nghiêm theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
 
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội) tranh luận tại Hội trường

Phát biểu tranh luận về vấn đề này, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội) cho biết giải pháp được nêu chưa thỏa đáng. Theo đại biểu, về quy định phân công cấp phó chuyên phụ trách về kinh tế tránh sai phạm nhưng dù phân công cho cấp phó, nếu có sai phạm người đứng đầu vẫn phải chịu trách nhiệm và có những việc không thể không quyết định trong tình huống khẩn cấp. Do vậy người đứng đầu vẫn có thể bị sai phạm trong "vô thức". Về trách nhiệm của cơ quan quản lý, đại biểu Hoàng Văn Cường cho biết, theo quy định, cơ quan kiểm toán, thanh tra đều phải duyệt, quyết toán đối với vốn ngân sách, còn hoạt động về vốn của đơn vị tự quyết định phải kiểm tra những hoạt động tài chính, kiểm tra các báo cáo tài chính. Đại biểu nhấn mạnh, nếu phát hiện ra sai phạm từ trước, ngăn chặn cảnh báo sẽ không thể xảy ra những vụ việc như vừa qua.

Đại biểu cho rằng, trong vấn đề này có cả trách nhiệm của những người thực hiện chức năng. Những hoạt động sai phạm sau khi đã có thanh tra, kiểm tra, kiểm toán mới phát hiện ra thì những người thực hiện chức năng này cũng phải chịu trách nhiệm.

Trả lời về vấn đề trách nhiệm người đứng đầu, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, theo quy định, người đứng đầu các đơn vị phải chịu trách nhiệm toàn diện về tất cả các hoạt động trong đơn vị của mình, kể cả những sai phạm. Trong tất cả những văn bản của Đảng, Nhà nước ta đều nêu cao trách nhiệm người đứng trong việc tổ chức triển khai thực hiện. Cho nên khi để đơn vị xảy ra những vụ việc, mặc dù đó có thể trực tiếp hoặc gián tiếp thì người đứng đầu cũng phải chịu trách nhiệm.

Về trách nhiệm của các cơ quan, ngành y tế phân việc quản lý theo địa bàn và lãnh thổ, ông Nguyễn Thanh Long nêu rõ, Bộ Y tế chỉ chỉ đạo về mặt chuyên môn, về mặt kĩ thuật đối với các cơ sở y tế trên toàn quốc, đảm bảo những việc về mặt chuyên môn phải thực hiện theo đúng tinh thần hướng dẫn chỉ đạo của Bộ Y tế. Tuy nhiên đối với việc về nhân lực, nhân sự, quản lý, tài chính, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm chỉ đạo kiểm tra, thanh tra và xử lý các vi phạm ở những đơn vị y tế thuộc các tỉnh thành phố quản lý.

Mặt khác, Bộ Y tế cũng đã tổ chức những đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành những vấn đề bức xúc liên quan đến nhiều tỉnh thành phố. Nhưng Bộ Y tế kiểm tra chỉ mang tính về mặt chuyên môn. Còn những thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về mặt kinh tế, tài chính, về quản lý, mặt đấu thầu, mua sắm… là do các địa phương triển khai thực hiện.

Ý thức được trách nhiệm của mình, thời gian qua, Bộ Y tế liên tục có những văn bản nhắc nhở đối với các địa phương, các đơn vị thuộc Bộ phải thực hiện nghiêm các quy định về mặt pháp luật có liên quan. Bộ trưởng cho rằng, tới đây, khi Nghị định về quản lý trang thiết bị y tế, vấn đề về kiểm soát giá, các địa phương sẽ đẩy nhanh tốc độ mua sắm theo đúng quy định.

Phát biểu kết luận phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Y tế, về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, phòng chống dịch cũng phải hết sức tiết kiệm vì đất nước đang khó khăn. Thủ tướng cũng đã giao cho Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao cho Kiểm toán nhà nước trong năm 2022 sẽ tăng cường thanh tra, kiểm toán chuyên đề về việc huy động, sử dụng quản lý các nguồn lực vào công tác phòng, chống dịch ngăn chặn tham nhũng, lợi ích nhóm trong lĩnh vực này.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Y tế với trách nhiệm quản lý Nhà nước cũng tăng cường khâu hướng dẫn, giám sát, thanh tra, kiểm tra nội bộ trong ngành để ngăn chặn sai phạm kịp thời, tránh tình trạng đến khi các cơ quan chức năng vào cuộc thì phải xử lý theo quy định của pháp luật./.
 
Theo Chương trình, Quốc hội sẽ dành 2,5 ngày làm việc để thực hiện phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Có 04 nhóm vấn đề được đưa ra chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này. Nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực y tế; nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực lao động, việc làm và các vấn đề xã hội; nhóm vấn đề về kinh tế vĩ mô, đầu tư công, phục hồi và phát triển kinh tế trong và hậu đại dịch; nhóm vấn đề liên quan đến giáo dục và đào tạo.

Cuối phiên chất vấn, Quốc hội sẽ dành thời gian để Thủ tướng Chính phủ báo cáo thêm một số vấn đề thuộc lĩnh vực trên và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Trong quá trình trả lời chất vấn của các Bộ trưởng, các Phó Thủ tướng và các thành viên khác của Chính phủ tham gia trả lời chất vấn những vấn đề cử tri, đại biểu quan tâm. Các đại biểu có quyền tranh luận lại với phần trả lời của các Bộ trưởng, không dùng quyền tranh luận để đặt thêm câu hỏi chất vấn.

M. Thúy


 

Xem thêm »