Chiều 01/11 (giờ Vương quốc Anh), tại Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, mọi DN và người dân… Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, bảo đảm cuộc sống ngày càng tốt hơn cho mọi người dân, đồng thời đóng góp có trách nhiệm cùng với cộng đồng quốc tế…
Tăng cường kiểm toán môi trường (KTMT) là một trong các giải pháp quan trọng để Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 như cam kết. Theo Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI), KTMT không khác biệt đáng kể so với kiểm toán thông thường như được thực hiện bởi các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI). KTMT có thể bao gồm tất cả các loại kiểm toán: kiểm toán tài chính, tuân thủ và hoạt động. Đối với kiểm toán hoạt động, nguyên tắc 3E vẫn được đảm bảo thực hiện…
Theo Phòng Thương mại quốc tế (ICC), KTMT là công cụ quản lý nhằm đưa ra những đánh giá mang tính hệ thống, được ghi chép, mang tính chất thời kỳ và khách quan về việc trang bị, quản lý và tổ chức các vấn đề môi trường có được thực hiện tốt hay không, với mục đích bảo vệ môi trường bằng cách làm đơn giản quá trình thực hiện và đánh giá mức độ tuân thủ các chính sách về môi trường của DN, bao gồm các yêu cầu tuân thủ và các chuẩn mực phải thực hiện.
Ở Việt Nam, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 đã ghi nhận KTMT như một công cụ khuyến khích để thực hiện quản lý môi trường (tại khoản 7, Điều 6). Tuy nhiên, nội dung này chưa có văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện.
Ngày 17/11/2020, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, với 171 Điều; trong đó, theo Điều 74, “KTMT là việc xem xét, đánh giá có hệ thống, toàn diện, hiệu quả quản lý môi trường, kiểm soát ô nhiễm của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Nội dung chính của KTMT đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ bao gồm: a) Việc sử dụng năng lượng, hóa chất, nguyên liệu, phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất; b) Kiểm soát ô nhiễm và quản lý chất thải. Khuyến khích cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tự thực hiện KTMT. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn kỹ thuật hoạt động tự KTMT của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ”.
Đặc biệt, theo khoản 5, Điều 160, Luật Bảo vệ môi trường 2020: “5. KTNN thực hiện kiểm toán trong lĩnh vực môi trường theo quy định của Luật KTNN và quy định khác của pháp luật có liên quan”.
Trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, KTMT là một nội dung quan trọng và mang tính đột phá trong Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030.
Tuy nhiên, KTMT do KTNN thực hiện hiện nay vẫn chủ yếu được lồng ghép trong các cuộc kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ trong việc sử dụng tiền, tài sản của Nhà nước, còn ít các cuộc KTMT mang tính chất kiểm toán hoạt động. Nguyên nhân là do để phục vụ những nhu cầu trước mắt của Quốc hội; đội ngũ cán bộ của KTNN còn thiếu trong một số lĩnh vực chuyên sâu về môi trường và chưa có kinh nghiệm về KTMT; KTNN Việt Nam hiện còn đang thiếu các chuẩn mực, hướng dẫn, cẩm nang về kiểm toán hoạt động nói chung và về KTMT nói riêng để giúp kiểm toán viên trong thực hiện KTMT. Bên cạnh đó, nhận thức của các đơn vị được kiểm toán còn hạn chế, chưa nhận thức được vai trò của KTNN trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, hoặc coi các kiểm toán viên của KTNN không có chuyên môn trong lĩnh vực của mình.
Vì KTMT là một chế định mới, KTMT bắt đầu bởi việc thiết lập các tiêu chuẩn để đánh giá, do đó, việc có các khung pháp lý chi tiết đối với yêu cầu về tiêu chuẩn môi trường cho các ngành nghề, lĩnh vực là cần thiết. Để đảm bảo hướng dẫn các DN thực hiện, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao nhiệm vụ xây dựng hướng dẫn về KTMT tại cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, làm cơ sở để các DN thực hiện báo cáo KTMT phù hợp với đặc trưng, đặc điểm riêng của mỗi ngành nghề, khu vực sản xuất, nhất là về trình tự, thủ tục, các bước và phương pháp cần thiết để thực hiện KTMT tại DN, cũng như các biểu mẫu chung trong báo cáo KTMT.
Đồng thời, cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý thực hiện KTMT cho KTNN nhằm tăng cường vai trò của KTNN đối với KTMT, trên cơ sở các hướng dẫn, cẩm nang có sẵn của INTOSAI/ASOSAI và phù hợp với Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, cũng như Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN, số: 55/2019/QH14 ban hành ngày 26/11/2019 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020./.
TS. Nguyễn Minh Phong - Chuyên gia kinh tế
(Báo Kiểm toán số 45/2021)