KTNN thẩm định đề cương giáo trình “Quản lý tài chính công, tài sản công”

18/11/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Sáng 18/11/2021, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) – 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội, Hội đồng thẩm định của KTNN đã tổ chức họp, thẩm định đề cương giáo trình “Quản lý tài chính công, tài sản công” do Ths. Nguyễn Tuấn Anh, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước làm chủ biên. Hội đồng thẩm định do TS. Hà Thị Mỹ Dung, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước làm Chủ tịch.

Chủ tịch Hội đồng thẩm định, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung phát biểu

Theo Ban biên soạn, giáo trình được xây dựng nhằm phục vụ các đối tượng: Công chức, viên chức mới được tuyển dụng vào KTNN tham gia khóa học bồi dưỡng ngạch Kiểm toán viên cấp độ I; Các đối tượng khác cần bồi dưỡng, bổ trợ kiến thức và kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ tài chính công, tài sản công.

Mục tiêu giáo trình nhằm giúp người học: Nhận thức và nắm vững kiến thức lý luận và nghiệp vụ quản lý tài chính công, tài sản công; vận dụng những kiến thức lý luận và nghiệp vụ vào giải quyết có hiệu quả các vấn đề thực tiễn về tài chính công, tài sản công. Trên cơ sở đó có thể vận dụng vào nghề nghiệp kiểm toán nguồn lực công; tự nghiên cứu, đánh giá các quy định của pháp luật hiện hành về quản lý tài chính công (đặc biệt là quản lý ngân sách Nhà nước), tài sản công và đề xuất ý tưởng, quan điểm, giải pháp hoàn thiện các quy định đó để phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội và yêu cầu đổi mới quản lý tài chính công, tài sản công của đất nước.

Giáo trình Quản lý tài chính công, tài sản công gồm hai phần chính:

Quản lý tài chính công: Trình bày kiến thức về tài chính công, các yếu tố của quản lý tài chính công (mục tiêu, nguyên tắc, công cụ, nội dung, bộ máy quản lý) và công tác quản lý tài chính công trên các cấu phần chủ yếu của tài chính công: Ngân sách Nhà nước(NSNN) ; tài chính đơn vị dự toán NSNN; các quỹ tài chính công ngoài NSNN; nợ công; phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Quản lý tài sản công: Trình bày kiến thức về tài sản công, các yếu tố của quản lý tài sản công (mục tiêu, nguyên tắc, công cụ, nội dung, bộ máy quản lý) và công tác quản lý tài sản công trên các cấu phần chủ yếu của tài sản công: Tài sản công tại khu vực hành chính - sự nghiệp; kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; tài sản công tại doanh nghiệp; đất đai, khoáng sản.

Thời lượng đào tạo là 60 tiết, trong đó bố trí tối đa 50% thời lượng dành cho lý luận; phần còn lại là trao đổi kinh nghiệm, giải quyết tình huống, thảo luận nhóm.

Cấu trúc nội dung quản lý tài chính công, gồm 6 chương: Tổng quan về quản lý tài chính công; Quản lý NSNN; Tổ chức cân đối NSNN và quản lý nợ công; Quản lý các quỹ tài chính công ngoài NSNN; Quản lý tài chính các đơn vị dự toán NSNN; Quản lý phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Cấu trúc nội dung quản lý tài sản công, gồm 5 chương: Tổng quan về quản lý tài sản công; Quản lý tài sản công tại cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và các cơ quan, đơn vị, tổ chức khác; Quản lý tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; Quản lý tài sản công tại doanh nghiệp; Quản lý Nhà nước về đất đai, tài nguyên.

Nhận xét về đề cương giáo trình, các ý kiến cho rằng, đây là giáo trình quan trọng, bao trùm đối tượng kiểm toán của KTNN là kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Ban biên soạn đã khái quát đầy đủ các nội dung về quản lý tài chính công, tài sản công tại Đề cương giáo trình.

Chương trình được xây dựng đảm bảo hàm lượng khoa học cao. Hình thức và cấu trúc có tính đồng bộ, thống nhất giữa các nội dung trong từng phần. Đề cương giáo trình quản lý tài chính công, tài sản công có thể sử dụng để xây dựng Giáo trình theo mục tiêu và yêu cầu đặt ra.
 
Ban biên soạn báo cáo 

Góp ý hoàn thiện đề cương giáo trình, các ý kiến cho rằng, do đề cương Giáo trình quản lý tài chính công, tài sản công được xây dựng độc lập, không gắn với một khung Chương trình đào tạo theo yêu cầu về xây dựng các Giáo trình hoặc tài liệu đào tạo (tài liệu xác định số lượng môn học, thời lượng học từng môn, yêu cầu đầu vào, chuẩn kiến thức đầu ra từng môn học…) nên khó xác định được phạm vi trình trong Giáo trình. Vì vậy, đề cương Giáo trình cần gắn liền với một Chương trình đào tạo cụ thể để xác định được mức độ chi tiết cần cung cấp cho người học về quản lý tài chính công, tài sản công.

Đề nghị Ban biên soạn cân nhắc lại đối tượng của Giáo trình. Đề nghị Ban biên soạn chuẩn hóa các cụm từ: Nguồn lực công; lợi ích công; tài chính công, tài sản công…. Tránh sử dụng các cụm từ mới không được định nghĩa trong Giáo trình.

Hội đồng thẩm định cũng cho rằng, nên tiếp cận khái niệm tài chính công bao gồm: Hoạt động thu, chi NSNN, các quỹ ngoài NSNN và các nguồn vốn khác do Nhà nước tạo lập, quản lý, sử dụng nhằm thực hiện các chức năng của Nhà nước. Vì vậy, nên điều chỉnh cấu trúc phần 1 gồm các chương: Tổng quan về quản lý tài chính công; Quản lý thu NSNN; Quản lý chi NSNN; Quản lý cân đối NSNN và nợ công; Quản lý các quỹ tài chính Nhà nước và các định chế tài chính Nhà nước; Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Đối với quản lý tài sản công, việc thiết kế đề cương cần thể hiện rõ kết cấu cụ thể rõ về tài sản công nào phải quản lý; đồng thời phải rõ về đối tượng nào trực tiếp dử dụng tài sản công đó để đảm bảo tính khoa học và hạn chế sự trùng lặp tại đề cương.

Phát biểu kết luận, Chủ tịch Hội đồng thẩm định, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung cho rằng, cần xác định rõ mục tiêu của việc xây dựng giáo trình giai đoạn này là phục vụ việc đào tạo cho Trường Đào tào và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán, sau này sẽ nâng cấp phục vụ đào tạo cho Học viện Kiểm toán. Ban soạn thảo cần làm rõ khái niệm tài chính công, tài sản công; chủ thể quản lý tài chính công, tài sản công; trách nhiệm của chủ thể quản lý tài chính công, tài sản công. Cân nhắc việc xây dựng nội dung về trách nhiệm của Kiểm toán viên khi thực hiện nhiệm vụ. Chủ tịch Hội đồng thẩm định đề nghị Ban biên soạn tiếp thu các ý kiến góp ý của hội đồng thẩm định để chỉnh sửa và hoàn thiện đề cương.

Chủ tịch Hội đồng thẩm định đề nghị Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán cần tham mưu cho Lãnh đạo KTNN cơ sở pháp lý để ban hành đẻ cương trong năm 2021 để hoàn thành giáo trình “Quản lý tài chính công, tài sản công” trong năm 2022.

Các thành viên Hội động kết luận tài liệu đạt yêu cầu, đề nghị cân nhắc, xem xét một số nội dung đã góp ý để chỉnh sửa, hoàn thiện trước khi trình cấp có thẩm quyền ban hành./.

Ngọc Bích

Xem thêm »