Ứng dụng dữ liệu lớn vào kiểm toán lĩnh vực bảo hiểm xã hội

19/11/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Với mục tiêu trở thành một tổ chức an sinh xã hội hiện đại, nâng cao năng lực, hiệu quả trong triển khai thực hiện chính sách, ngành bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã xây dựng “Hệ sinh thái 4.0” phục vụ người dân... Trước xu hướng hiện đại hóa của ngành BHXH nói riêng và của nhiều ngành, lĩnh vực khác nói chung, KTNN đang ngày càng nỗ lực, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), dữ liệu lớn vào hoạt động kiểm toán.

KTNN đang ngày càng nỗ lực, chú trọng ứng dụng CNTT, dữ liệu lớn vào hoạt động kiểm toán

Chuyển đổi số, khai thác triệt để nguồn dữ liệu lớn

Là cơ quan tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách BHXH, bảo hiểm y tế…, BHXH Việt Nam đã xây dựng “Hệ sinh thái 4.0” phục vụ người tham gia BHXH bao gồm hệ thống CNTT kết nối từ T.Ư đến địa phương, các ứng dụng phần mềm đa nền tảng… dựa trên cơ sở dữ liệu (CSDL) quan trọng, cho phép BHXH có thể quản lý toàn diện các đối tượng, cũng như quá trình tham gia, thụ hưởng các chính sách bảo hiểm.

Theo ông Nguyễn Hoàng Phương - Phó Giám đốc Trung tâm CNTT (BHXH Việt Nam), hiện tại, toàn ngành BHXH đang có gần 30 hệ thống ứng dụng; quản lý CSDL của gần 98 triệu người dân, tương ứng với gần 28 triệu hộ gia đình trên toàn quốc; kết nối liên thông với trên 12.000 cơ sở khám, chữa bệnh; hơn 500.000 tổ chức, DN sử dụng dịch vụ công trên toàn quốc và các Bộ, ngành. BHXH Việt Nam không ngừng hoàn thiện về hạ tầng kỹ thuật; CSDL quốc gia về bảo hiểm; xây dựng các lớp dịch vụ nền tảng (định danh, tương tác, chăm sóc khách hàng; quản lý rủi ro, bảo mật) và các phần mềm phục vụ người tham gia. Đặc biệt, BHXH đang nỗ lực để áp dụng cách tiếp cận mới theo hướng khai thác dữ liệu để phát triển đối tượng và đổi mới sản phẩm.

Từ thực trạng trên có thể thấy, việc ứng dụng dữ liệu lớn trong hoạt động kiểm toán BHXH là yêu cầu tất yếu, giúp KTNN đảm bảo thực hiện nhiệm vụ đề ra, cũng như làm tăng hiệu quả kiểm toán. Trong những năm qua, KTNN đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT để khai thác, phân tích dữ liệu từ hệ thống CNTT tại các đơn vị được kiểm toán và có những phát hiện quan trọng, giúp nâng cao đáng kể kết quả và hiệu quả kiểm toán. Ông Nguyễn Hữu Thọ - Giám đốc Ban Quản lý dự án CNTT của KTNN - cho biết, KTNN đã xây dựng, ban hành Chiến lược phát triển và Kiến trúc tổng thể CNTT của KTNN giai đoạn 2019-2025, tầm nhìn đến năm 2030, làm cơ sở cho việc triển khai mạnh mẽ hơn các hoạt động CNTT của KTNN trong thời gian tới. KTNN cũng không ngừng chú trọng, đầu tư và ứng dụng CNTT vào trong hoạt động kiểm toán, đáp ứng xu thế chung hiện nay. Từ năm 2019, KTNN đã phối hợp khảo sát thu thập thông tin và thử nghiệm tích hợp, trao đổi dữ liệu giữa KTNN với các Bộ, ngành, địa phương. Quá trình thí điểm đã đem lại nhiều kết quả tích cực, trong đó có hoạt động kiểm toán một số lĩnh vực dựa trên nền tảng CNTT và dữ liệu lớn.
 
Từng bước ứng dụng công nghệ vào hoạt động kiểm toán

Theo ông Nguyễn Hữu Thọ, đối với hoạt động kiểm toán lĩnh vực BHXH, điều thuận lợi lớn là KTNN và BHXH Việt Nam vừa ký quy chế phối hợp thông tin. Theo đó, hai cơ quan sẽ trao đổi thông tin qua hệ thống kết nối tự động, phát triển hệ thống dữ liệu tập trung. Đây chính là điều kiện quan trọng để KTNN triển khai thành công cuộc kiểm toán dựa trên dữ liệu lớn.

Là đơn vị được giao thực hiện kiểm toán lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, thời gian qua, KTNN chuyên ngành VII đã đẩy mạnh kiểm toán hệ thống CNTT, cũng như ứng dụng CNTT vào hoạt động kiểm toán các lĩnh vực này. Theo Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VII Phan Trường Giang, việc kiểm toán dựa trên nguồn dữ liệu lớn từng bước được KTNN thực hiện một cách thận trọng, bắt đầu từ công tác khảo sát thu thập dữ liệu. Theo đó, 1 nhóm khảo sát gồm các kỹ sư CNTT và kiểm toán viên có kinh nghiệm về tài chính, am hiểu về CNTT được thành lập để thu thập thông tin tổng quan về hệ thống CNTT; tổ chức nhân sự bộ phận CNTT; môi trường quản trị hệ thống CNTT như các chính sách về an ninh, quản trị dữ liệu…; tìm hiểu các quy trình nghiệp vụ trên hệ thống CNTT. Tiếp đó là xác định các quy trình nghiệp vụ quan trọng, từ đó thực hiện khảo sát việc quản lý quy trình nghiệp vụ trên hệ thống CNTT.

Theo ông Giang, qua thực tiễn kiểm toán đối với hệ thống CNTT của ngành BHXH đã thu được nhiều kết quả quan trọng. Đơn cử như quá trình thu thập dữ liệu quản lý đối tượng tham gia, BHXH chưa có quy trình tốt để làm sạch dữ liệu dẫn đến rủi ro dữ liệu bị trùng lặp; hệ thống BHXH chưa có các chốt kiểm soát liên quan đến việc chi trả các chính sách đặc thù, như chi trả BHXH một lần… Để đưa ra những phát hiện này, trong quá trình thực hiện kiểm toán, việc phân tích, đánh giá rủi ro đã được tiến hành rất thận trọng. Dựa trên các thông tin thu thập, các kiểm toán viên đánh giá, xác định các rủi ro kiểm toán, trong đó tập trung đánh giá hiệu lực, hiệu quả của các chốt kiểm soát đối với các quy trình nghiệp vụ trên hệ thống CNTT. “Tuy nhiên, với hệ thống dữ liệu quản lý phức tạp, rộng lớn như của BHXH Việt Nam, việc nắm bắt các dữ liệu cũng đặt ra thách thức lớn cho kiểm toán viên” - ông Giang cho biết.

Theo đánh giá của các kiểm toán viên, việc kiểm toán CNTT tại các tổ chức tín dụng, tài chính nói chung, tại cơ quan BHXH nói riêng, vẫn vướng phải một số khó khăn cần khắc phục để nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán như: Lĩnh vực CNTT thường xuyên thay đổi cả về công nghệ và kiến trúc hệ thống khiến cho hoạt động kiểm toán phải liên tục thay đổi, gây ra áp lực về thời gian, công sức và giảm hiệu quả quản lý. Bên cạnh đó, hiện vẫn chưa có chương trình đào tạo giảng dạy chuyên ngành này trong trường học, cũng như chương trình đào tạo chuyên sâu dành cho kiểm toán viên; chưa có hướng dẫn kiểm toán riêng biệt cho lĩnh vực này. Ngay cả việc vận dụng, áp dụng phương pháp kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu trong lĩnh vực này cũng còn nhiều lúng túng. Ngoài ra, sự phối hợp của các đơn vị vận hành hệ thống CNTT còn chưa thực sự chặt chẽ do khoảng cách địa lý, cách tiếp cận khác nhau…/.

Nguyễn Lộc
(Báo Kiểm toán số 46/2021)

 
 

Xem thêm »