Phấn đấu trở thành cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán chất lượng cao, chuyên nghiệp, hiện đại

19/11/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Kế hoạch hoạt động giai đoạn 2022-2024 của Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán đã xác định: “Xây dựng Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán trở thành cơ sở đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước có chất lượng cao, chuyên nghiệp, hiện đại; cung cấp các dịch vụ đào tạo chất lượng, uy tín cho các tổ chức, cá nhân ngoài Kiểm toán nhà nước có nhu cầu; chuẩn bị các điều kiện cơ bản để nâng cấp thành Học viện Kiểm toán”

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung làm việc với Trường về Kế hoạch hoạt động giai đoạn 2022-2024

Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán (Trường) mà tiền thân là Trung tâm Khoa học và Bồi dưỡng cán bộ, hơn 20 năm qua, đã luôn song hành cùng sự nghiệp phát triển bền vững của KTNN với tư cách là “cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”.

Xuyên suốt dòng chảy quá trình phát triển của KTNN hơn 20 năm qua, Trường đã tích cực, chủ động vượt lên những khó khăn thách thức để khẳng định chính mình.
 
Không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học

Nét nổi bật mang tính cốt lõi, đó là: Trường đã từng bước có những đổi mới căn bản và khá toàn diện trong quá trình đào tạo và bồi dưỡng công chức, kiểm toán viên nhà nước từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, cơ chế, chính sách, điều kiện bảo đảm thực hiện để tạo ra chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả đào tạo và bồi dưỡng, đáp ứng một cách thiết thực và ngày càng tốt hơn yêu cầu của sự nghiệp phát triển KTNN; đặc biệt là việc chủ động cung cấp thông tin phục vụ quản lý, điều hành, kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng.

Quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học luôn bảo đảm tính kế thừa và hệ thống, xây dựng tầm nhìn phù hợp với từng giai đoạn và từng đối tượng; chủ động đề xuất các giải pháp mang tính đồng bộ và khả thi, có trọng tâm, trọng điểm và lộ trình thích hợp; phát triển những nhân tố mới, tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm đào tạo và bồi dưỡng của các quốc gia trên thế giới, nhất là các quốc gia trong khuôn khổ ASOSAI.

Trường đã chủ động trong vai trò chủ trì, phối hợp với các đơn vị trực thuộc KTNN nghiên cứu, thẩm định và trình lãnh đạo KTNN ban hành các chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo từng ngạch kiểm toán viên. Hệ thống chương trình tài liệu đào tạo, bồi dưỡng được xây dựng, bổ sung, hoàn thiện tương đối đồng bộ và có giá trị cao trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

Cùng với đó, công tác nghiên cứu, quản lý khoa học ngày càng được chuẩn hóa và luôn đảm bảo tiến độ nghiệm thu các đề tài; đặc biệt là, những vấn đề lý luận và thực tiễn kiểm toán mới phát sinh đều được giải quyết căn bản. Kết quả nghiên cứu khoa học được ứng dụng vào thực tiễn kiểm toán, góp phần xây dựng hệ thống quy định, quy trình kiểm toán; đổi mới phương pháp kiểm toán; tăng cường công tác quản lý và nâng cao chất lượng kiểm toán.

Sở dĩ, Trường thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao là do có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao và có hiệu quả của Ban cán sự đảng, Đảng ủy và lãnh đạo KTNN; sự phối hợp công tác nhiệt thành và có trách nhiệm của các đơn vị trong toàn Ngành. Đội ngũ công chức, viên chức, người lao động của Trường đã phát huy tinh thần trách nhiệm, nhiệt huyết trong thực hiện nhiệm vụ. Cơ cấu tổ chức, bộ máy của Trường được kiện toàn và hoạt động ổn định, nền nếp. Một số cơ chế tài chính liên quan đến hoạt động chuyên môn từng bước được tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho Trường trong việc mời các giảng viên, chuyên gia tham gia giảng dạy, xây dựng chương trình, tài liệu đào tạo...

Những kết quả mà Trường đạt được trong thời gian qua luôn có sự đóng góp to lớn của đội ngũ chuyên gia, giảng viên kiêm chức và các nhà khoa học của KTNN. Tổng Kiểm toán nhà nước đã ban hành quyết định kiện toàn đội ngũ giảng viên kiêm chức của KTNN, gồm một số đồng chí lãnh đạo KTNN, một số chuyên gia, còn lại đa số là lãnh đạo cấp vụ và tương đương. Đội ngũ giảng viên phần lớn có trình độ cao, nhiệt huyết nghề nghiệp về lĩnh vực kế toán, kiểm toán, tài chính - ngân hàng; nhiều giảng viên có năng lực sư phạm, giàu kinh nghiệm trong công tác chuyên môn cũng như quản lý đã chuyển tải hiệu quả kiến thức chuyên môn đến các đối tượng học viên nhằm không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy.

Chủ động và trách nhiệm cao trong quá trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của KTNN

Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 đã xác định rõ tầm nhìn của KTNN trong giai đoạn tới là: “Xây dựng KTNN xứng đáng là cơ quan thực hiện kiểm toán tài chính, tài sản công có trách nhiệm, uy tín, chuyên nghiệp và hiện đại; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó; hội nhập, phát triển ngang tầm khu vực và thế giới”.

Chính vì vậy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực KTNN vừa là nhu cầu vừa là một đòi hỏi tự thân và là một trong ba nội dung trọng tâm của Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ KTNN lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025. Kế hoạch hoạt động giai đoạn 2022-2024 của Trường cũng đã xác định: “Xây dựng Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán trở thành cơ sở đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước có chất lượng cao, chuyên nghiệp, hiện đại; cung cấp các dịch vụ chất lượng, uy tín cho các tổ chức, cá nhân ngoài Kiểm toán nhà nước có nhu cầu; chuẩn bị các điều kiện cơ bản để nâng cấp thành Học viện Kiểm toán”.

Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, Trường cần tập trung mọi nguồn lực hiện có nhằm thực hiện tốt một số nhiệm vụ chính sau đây:

Thứ nhất, tiếp tục xác định việc đào tạo và bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ là yêu cầu cấp bách, sống còn, quyết định chất lượng đào tạo, uy tín đơn vị và sự tín nhiệm của xã hội đối với sản phẩm của Trường.

Chất lượng đào tạo và bồi dưỡng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, song trước hết phụ thuộc vào năng lực chuyên môn của đội ngũ giảng viên. Xét một cách tổng quát, năng lực chuyên môn của giảng viên bao gồm: năng lực nhận thức, năng lực giảng dạy, truyền thụ tri thức, năng lực nghiên cứu khoa học. Tạo môi trường học thuật dân chủ, sáng tạo để thúc đẩy tính tích cực của mỗi giảng viên trong quá trình thực hành nghề nghiệp. Tôn trọng phản biện xã hội và các ý kiến từ phía giảng viên và người học.

Tạo điều kiện để giảng viên được trải nghiệm nghề nghiệp, tích luỹ kiến thức, kinh nghiệm, nâng cao năng lực từ chính quá trình trải nghiệm nghề nghiệp, giảng dạy trên lớp và nghiên cứu khoa học. Định kỳ kiểm tra, đánh giá, sàng lọc giảng viên. Có chế độ khuyến khích, đãi ngộ kịp thời cả về vật chất và tinh thần đối với các giảng viên có sáng kiến đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, nghiên cứu.

Thứ hai, coi việc đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất người học là một động lực thúc đẩy bản thân giảng viên mau tiến bộ. Thường xuyên tìm tòi, mạnh dạn áp dụng cách thức tổ chức dạy học, phương pháp đào tạo tích cực, chủ động, giúp người học tiếp cận, lĩnh hội tri thức cũng như khả năng ghi nhớ, vận dụng kiến thức trong thực tiễn. Sự say mê, lòng nhiệt tình và trách nhiệm nghề nghiệp là yếu tố không thể thiếu trong quá trình tự đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực giảng dạy, nghiên cứu của mỗi giảng viên.

Thứ ba, rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý, điều hành của Trường đảm bảo đầy đủ, đồng bộ và tránh chồng chéo hoặc tạo khoảng trống trong thực hiện nhiệm vụ; xây dựng Phương án tự chủ tài chính giai đoạn 2022-2025 phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn hoạt động của Trường, trong đó, từ năm 2022 thực hiện phương án tự chủ một phần kinh phí đối với một số đơn vị trực thuộc Trường.

Để tiến tới tự chủ, Trường cần chủ động nghiên cứu việc thành lập bộ phận tự đánh giá và kiểm định chất lượng (cấp phòng) giúp việc chủ động hướng đến chuẩn mực giá trị chung; đồng thời sẽ là cầu nối hữu hiệu giúp các cơ quan chức năng nhanh chóng tiếp cận thực trạng chất lượng đào tạo và bồi dưỡng công chức, kiểm toán viên nhà nước.

Thứ tư, xây dựng đội ngũ giảng viên kiêm chức, giảng viên cơ hữu theo hướng tăng số lượng giảng viên cơ hữu; đồng thời tăng cường năng lực cho đội ngũ giảng viên của KTNN, đảm bảo đủ số lượng và chất lượng nguồn nhân lực để thành lập Học viện Kiểm toán. Sử dụng tối đa lực lượng cán bộ, công chức của KTNN đã từng tham gia các khóa đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ ở nước ngoài để tham gia biên soạn giáo trình, tài liệu, giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Thứ năm, chuẩn bị các điều kiện cơ bản, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Đề án nâng cấp Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán thành Học viện Kiểm toán. Phối hợp với các đơn vị có liên quan để phấn đấu bổ sung Học viện Kiểm toán vào quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giai đoạn 2021-2030; hoàn tất các thủ tục để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thành lập Học viện Kiểm toán vào năm 2024.

Thực hiện quy định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức đẩy mạnh hoạt động xây dựng chương trình, tài liệu và tổ chức các khóa bồi dưỡng bắt buộc hằng năm đối với cán bộ, công chức. Nội dung bồi dưỡng tập trung vào việc bổ sung, cập nhật kiến thức, kỹ năng phương pháp làm việc theo vị trí việc làm cho cán bộ, công chức.

Thứ sáu, tiếp tục nâng cao năng lực quản lý, năng lực lãnh đạo, năng lực giảng dạy và nghiên cứu khoa học của đội ngũ công chức, viên chức, người lao động hiện có của Trường đảm bảo đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng để tiếp cận và vận hành bộ máy khi Trường được nâng cấp thành Học viện Kiểm toán. Tích cực đổi mới và áp dụng các phương pháp dạy và học hiện đại; vận hành hiệu quả hệ thống “Phòng học thông minh”, “Kho dữ liệu tri thức về đào tạo và nghiên cứu khoa học của Kiểm toán nhà nước”; gia tăng thời lượng trao đổi, giải quyết tình huống thực tiễn; cải tiến các phương pháp đánh giá kết quả học tập đảm bảo tính khách quan, chính xác.

Vai trò, vị thế của KTNN đang không ngừng tăng lên ở cả trong nước và trên trường quốc tế; đặc biệt là tính pháp lý đối với các kết luận, kiến nghị của KTNN ngày càng có độ tin cậy và giá trị sử dụng cao, đáp ứng mong mỏi của nhân dân về sự công khai và minh bạch của nền tài chính quốc gia. Điều đó đặt ra những yêu cầu và đòi hỏi vừa mang tính lý luận và thực tiễn xuyên suốt quá trình hoạt động của Trường. Vì vậy, tập thể Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán cần tiếp tục đồng lòng, đồng sức xây dựng Trường trở thành cơ sở đào tạo chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức, người lao động và nghiên cứu khoa học của KTNN; bên cạnh đó, phấn đấu trở thành cơ sở cung cấp các dịch vụ về đào tạo chất lượng cho các tổ chức, cá nhân ngoài KTNN có nhu cầu./.

TS. Hà Thị Mỹ Dung – Phó Tổng Kiểm toán nhà nước
(Báo Kiểm toán số 46/2021)

 
 

Xem thêm »