Nâng cao hiệu quả kiểm tra, đối chiếu thuế trong kiểm toán ngân sách địa phương

19/11/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

 Từ thực tiễn kiểm tra, đối chiếu số liệu báo cáo người nộp thuế trong kiểm toán ngân sách địa phương, KTNN khu vực XII nói riêng và các KTNN khu vực nói chung đã có nhiều kiến nghị nhằm chấn chỉnh công tác quản lý thu thuế đối với các địa phương được kiểm toán. Từ đây, nhiều giải pháp đã được đề xuất để nâng cao hiệu quả kiểm tra, đối chiếu thuế.

Các kiến nghị kiểm toán đã góp phần giúp các địa phương, cơ quan thuế tăng cường quản lý thu, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thu thuế

Kiến nghị tăng thu hàng trăm tỷ đồng qua kiểm tra, đối chiếu thuế

Những năm qua, qua kiểm toán, KTNN khu vực XII nói riêng và các KTNN khu vực nói chung đã phát hiện hành vi vi phạm chính sách thuế diễn ra ở hầu hết các địa phương, các loại hình DN; công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế còn bỏ sót nhiều vi phạm của DN… Mặc dù số DN được kiểm tra, đối chiếu không nhiều và các DN trên địa bàn các tỉnh do KTNN khu vực XII thực hiện kiểm toán đều có quy mô tương đối nhỏ nhưng qua kiểm toán, KTNN khu vực II đã kiến nghị tăng thu nhiều tỷ đồng. Từ năm 2015 đến đầu tháng 6/2021, KTNN khu vực XII đã thực hiện đối chiếu 767 DN, kiến nghị truy thu nộp NSNN 215,5 tỷ đồng.

Các kiến nghị kiểm toán đã góp phần giúp các địa phương, cơ quan thuế tăng cường quản lý thu, nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả của công tác tổ chức thu thuế, giúp các DN khắc phục được các sai sót trong quá trình thực hiện nghĩa vụ thuế với NSNN và nhận thức được trách nhiệm trong việc chấp hành pháp luật thuế.

Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra, đối chiếu số liệu báo cáo của người nộp thuế, các đoàn kiểm toán cũng gặp phải một số vướng mắc. Cụ thể, các quy định liên quan đến công tác kiểm tra, đối chiếu số liệu báo cáo của người nộp thuế chưa cụ thể, chưa có các chế định đủ mạnh để xử lý các tình huống phát sinh gây ảnh hưởng hoạt động kiểm toán của KTNN. Trong quá trình kiểm tra, đối chiếu, kiểm toán viên (KTV) yêu cầu phải có cán bộ thuế tham gia tổ kiểm toán nhưng nhiều cơ quan thuế không cử người tham gia đối chiếu cùng tổ kiểm toán. Một số DN không hợp tác, không cung cấp hồ sơ tài liệu và bố trí nhân sự, thời gian làm việc với đoàn kiểm toán. Mặt khác, việc kiểm tra, đối chiếu số liệu báo cáo của người nộp thuế chủ yếu thực hiện tại cơ quan thuế; trong khi đó, tại các DN có quy mô lớn, việc cung cấp hồ sơ tài liệu cho đoàn kiểm toán gặp khó khăn do số lượng hồ sơ, chứng từ kế toán nhiều, điều này làm ảnh hưởng đến hiệu quả, hiệu lực của việc kiểm tra, đối chiếu thuế…

Các giải pháp nâng cao hiệu quả kiểm tra, đối chiếu thuế

Để tháo gỡ các vướng mắc trên, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, đối chiếu số liệu báo cáo người nộp thuế trong kiểm toán ngân sách địa phương, KTNN cần ban hành văn bản hướng dẫn Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN về quyền và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán; quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN; hướng dẫn cụ thể phương pháp phối hợp với đơn vị được kiểm toán trong việc truy cập cơ sở dữ liệu quốc gia và dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán để khai thác, thu thập thông tin, tài liệu; bổ sung, làm rõ trách nhiệm của người nộp thuế trong việc cung cấp thông tin theo yêu cầu của KTNN; xây dựng Hướng dẫn đối chiếu thuế đối với các sai sót thường gặp.

KTNN cần xây dựng quy chế phối hợp với UBND, HĐND các địa phương trong hoạt động kiểm toán và cơ chế phối hợp với cơ quan thuế trong việc cung cấp dữ liệu, thông tin người nộp thuế, quy định rõ trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan trong việc thông báo, yêu cầu và đôn đốc người nộp thuế chấp hành thông báo đối chiếu thuế. Tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin về kế hoạch thanh tra, kiểm tra việc kê khai quyết toán thuế... của người nộp thuế với cơ quan thuế và tình hình thanh tra, kiểm tra tài chính, chấp hành pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của người nộp thuế với cơ quan thanh tra, kiểm tra khác để tránh trùng lặp, chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra.

Việc lập kế hoạch kiểm tra, đối chiếu dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu sẽ giúp phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực kiểm tra, đối chiếu; nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác kiểm tra, đối chiếu; khuyến khích sự tuân thủ tự nguyện của đối tượng nộp thuế. Các KTNN khu vực phải lựa chọn phương pháp quản lý để đảm bảo hiệu quả kiểm tra, đối chiếu thuế cao nhất, tối đa số thuế thu được cho NSNN, đảm bảo tuân thủ pháp luật thuế một cách tốt nhất.

Khi phân tích, đánh giá rủi ro dựa trên báo cáo tài chính và hồ sơ khai thuế của người nộp thuế để lựa chọn DN cần đối chiếu, kiểm tra, KTV căn cứ danh bạ người nộp thuế do cơ quan thuế cung cấp để rà soát, phân tích các chỉ tiêu về doanh thu, chi phí, lợi nhuận trước thuế, thuế thu nhập DN phải nộp. Đoàn kiểm toán có thể xây dựng các tiêu chí để lựa chọn DN cần kiểm tra, đối chiếu.

Nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý cho kiến nghị kiểm toán, KTV cần nghiên cứu kỹ các văn bản, quy định để kiến nghị khả thi, phù hợp; thường xuyên trao đổi, phối hợp với cơ quan thuế trong quá trình kiểm tra, đối chiếu thuế, kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc; thảo luận và giải quyết triệt để đối với các vấn đề chưa thống nhất, phức tạp, nhạy cảm…

Trách nhiệm của KTV, tổ trưởng tổ kiểm toán trong thực hiện kiểm tra, đối chiếu cũng như trách nhiệm của trưởng đoàn kiểm toán và các đơn vị tham mưu có liên quan cần được quy định rõ. Đồng thời, KTNN cần tăng cường tổ chức các lớp tập huấn và hội thảo, tọa đàm để trao đổi kinh nghiệm cũng như giúp KTV cập nhật, nắm bắt kịp thời các văn bản, chế độ mới... Trong đó, cần đào tạo để KTV am hiểu hệ thống dữ liệu báo cáo về quản lý thuế trên hệ thống ứng dụng quản lý thuế tập trung (chương trình TMS); bồi dưỡng kỹ năng kiểm toán thu ngân sách, kỹ năng phân tích thông tin của người nộp thuế cho KTV. Bên cạnh đó, việc tiếp tục xây dựng và đưa vào ứng dụng các phần mềm sẽ góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng kiểm toán…./.

Ths. Trần Doãn Phúc và Ks. Trần Ngọc Hoàng – KTNN khu vực XII
(Báo Kiểm toán số 46/2021)


 
 

Xem thêm »