Hoạt động quét, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bình Dương: Kiểm toán để góp phần bảo vệ môi trường của địa phương

18/11/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Cuộc kiểm toán hoạt động quét, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017-2019 được KTNN đánh giá là cần thiết, nhất là trong bối cảnh sự phát triển kinh tế trong những năm gần đây đặt lên một áp lực rất lớn đối với môi trường, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm môi trường tại các đô thị và ngày càng vượt quá tầm kiểm soát của các cơ quan quản lý.

KTNN đã phát hiện nhiều bất cập trong việc xây dựng và ban hành các văn bản quản lý hoạt động gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn Bình Dương

Tỉnh Bình Dương tiềm ẩn nguy cơ cao về ô nhiễm môi trường

Trong số các tỉnh, thành trên cả nước, tỉnh Bình Dương có sự gia tăng nhanh về dân số, làm gia tăng khối lượng chất thải rắn, tiềm ẩn rủi ro cao về ô nhiễm môi trường. Ước tính, tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh tại tỉnh Bình Dương khoảng 1.600 tấn/ngày. Trong thời gian qua, hoạt động thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh liên tục được cải thiện. Các công ty, xí nghiệp công trình công cộng được tăng cường thêm nhân lực và trang thiết bị; hệ thống thu gom rác dân lập ngày càng phát triển đã nâng tỷ lệ rác thải đô thị được thu gom, xử lý liên tục tăng qua các năm. Nếu như năm 2016, tỷ lệ này đạt 91% thì hiện nay đã đạt gần 96%.
Số lượng rác thải sinh hoạt chưa được thu gom, xử lý trên địa bàn tỉnh Bình Dương vào khoảng 64 tấn/ngày, nhưng chủ yếu từ các khu vực xa trung tâm thị trấn, thị tứ, khu dân cư thưa, đất đai còn rộng nên người dân tự xử lý trong khu đất của gia đình. Ngoài ra, một bộ phận dân cư có ý thức còn hạn chế, có tình trạng vứt rác vào các khu đất trống hoặc xả trực tiếp ra kênh, rạch thoát nước, đây cũng là một trong các nguyên nhân góp phần gây ô nhiễm kênh, rạch trên địa bàn.

Rác thải sinh hoạt sau khi thu gom được vận chuyển đến Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương để xử lý. Trước đây, rác thải sinh hoạt chủ yếu được xử lý bằng phương pháp chôn lấp nhưng từ cuối năm 2013, dây chuyền sản xuất phân Compost tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn đã được đưa vào hoạt động. Đến năm 2019, ước tính 43% rác thải đã được phân loại, tái chế và dùng để sản xuất phân hữu cơ, còn 57% rác thải còn lại xử lý chôn lấp. Rác thải sinh hoạt ngày càng gia tăng trong khi hạ tầng cơ sở liên quan đến công tác thu gom, vận chuyển và xử lý tại Bình Dương chưa đáp ứng được. Nếu không được quản lý theo đúng quy trình sẽ dẫn đến các tác động xấu đến môi trường, xã hội và con người, ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế của địa phương.

Qua kiểm toán, KTNN đánh giá, hoạt động quét, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017-2019 cơ bản phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đã phân cấp quản lý toàn diện về công tác thu gom rác thải cho UBND các huyện, thị nhằm tạo sự chủ động, tăng cường kiểm tra, giám sát và nâng cao trách nhiệm của các đơn vị trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Đơn vị được giao nhiệm vụ, nhận đặt hàng, đấu thầu cũng đã tổ chức cung ứng dịch vụ công ích cơ bản đảm bảo vệ sinh môi trường.
 
Chính sách có nhưng chưa chuẩn để làm cơ sở thực thi hiệu quả

Tuy nhiên, từ thực tế kiểm toán, KTNN đã phát hiện nhiều hạn chế, bất cập, trong đó có việc xây dựng và ban hành các văn bản quản lý hoạt động quét, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn.

Thực hiện theo quy định của Chính phủ và Bộ Xây dựng, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định số 23/2016/QĐ-UBND quy định về quản lý chất thải rắn và được sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 29/2017/QĐ-UBND, cũng như ban hành Quyết định số 1636/QĐ-UBND ngày 26/6/2016 về đơn giá dịch vụ công ích đô thị tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, việc ban hành các văn bản của UBND tỉnh và các huyện, thị còn chậm, chưa có hướng dẫn phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Đáng phải kể đến là UBND tỉnh Bình Dương chưa xây dựng và ban hành các quy định về quản lý sản phẩm, dịch vụ công ích; chưa hướng dẫn chi tiết về quy trình, thủ tục, hồ sơ thực hiện đấu thầu, đặt hàng, giao kế hoạch đối với từng loại hình sản phẩm, dịch vụ công ích. Từ năm 2014-2018, tỉnh chưa ban hành các văn bản quyết định phương thức cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích đối với các sản phẩm, dịch vụ công ích thuộc dự toán chi của ngân sách địa phương theo Nghị định số 130/2013/NĐ-CP (nay được thay thế bằng Nghị định số 32/2019/NĐ-CP). Bên cạnh đó, trong Quyết định số 23/2016/QĐ-UBND đã quy định chưa đúng rác thải sinh hoạt và rác thải công nghiệp thông thường, chưa phù hợp với quy định tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP.

Đối với các huyện, thị được KTNN chọn mẫu để đối chiếu, việc tổ chức triển khai các quy định về quản lý chất thải rắn trên địa bàn chưa kịp thời. Từ năm 2014-2018, các huyện, thị thực hiện phương thức cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích trên địa bàn theo hình thức giao nhiệm vụ và từ năm 2019 thực hiện theo hình thức đặt hàng. UBND huyện đã giao nhiệm vụ cho các Phòng chức năng chịu trách nhiệm quản lý, giám sát việc thực hiện cung ứng dịch vụ công ích từ khâu lập dự toán đối với khối lượng thực hiện đến khâu giám sát, nghiệm thu khối lượng, thanh toán và quyết toán hằng năm. Tuy nhiên, các cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý chưa tham mưu, đề xuất UBND cấp huyện ban hành các quy trình giám sát, nghiệm thu, phương thức quản lý chất lượng, khối lượng dịch vụ công ích làm cơ sở tổ chức thực hiện.

Liên quan đến mức giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định số 64/2016/QĐ-UBND, trong đó quy định mức giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Các đơn vị thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt phải ký hợp đồng với các tổ chức, hộ gia đình theo mức giá dịch vụ mà tỉnh đã quy định.

Thế nhưng, qua thực tế kiểm toán, KTNN đã phát hiện mức giá dịch vụ của tỉnh ban hành còn một số bất cập. Thứ nhất, theo quy định của tỉnh thì chất thải rắn phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ tại các cơ sở sản xuất kinh doanh là chất thải rắn sinh hoạt chưa phù hợp với Điều 3 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP. Do bất cập trong phân loại này dẫn đến ngân sách phải thanh toán bù đắp chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý đối với rác thải công nghiệp thông thường từ các DN. Điều này không phù hợp quy định “Chi phí thu gom, vận chuyển, lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ các cá nhân, hộ gia đình, nơi công cộng được bù đắp thông qua ngân sách địa phương” như khoản 1, Điều 25 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP.

Mặt khác, việc tỉnh xác định mức thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt đối với các DN giảm 20% so với mức thu phí vệ sinh và thấp hơn mức thu hộ gia đình là không có cơ sở và chưa hợp lý. Cùng với đó, mức thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt đã được ban hành và áp dụng từ năm 2017, đến nay, sau 4 năm vẫn chưa được điều chỉnh mức thu theo lộ trình mà tỉnh Bình Dương quy định tại Quyết định số 23/2016/QĐ-UBND.

Thứ hai, tỉnh Bình Dương đã ban hành định mức, đơn giá thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt, tuy nhiên, một số nội dung còn chưa đầy đủ, bất hợp lý dẫn đến việc áp dụng đơn giá để thanh toán chưa chính xác, chưa tiết kiệm cho ngân sách. Trong đó, tỉnh chưa ban hành đơn giá xử lý nước rỉ rác theo Thông tư số 06/2008/TT-BXD của Bộ Xây dựng. Do đó, chi phí quản lý vận hành và xử lý nước rỉ rác tại các trạm trung chuyển chưa có cơ sở thực hiện hoặc thực hiện không thống nhất. Thực tế, tại Trạm trung chuyển thị xã Tân Uyên, ngân sách bố trí kinh phí thanh toán chi phí xử lý nước rỉ rác, còn tại Trạm trung chuyển TP. Thuận An, chi phí này lại được tính vào khối lượng đấu thầu, nhưng tại Trạm trung chuyển TP. Dĩ An lại chưa được Sở Tài chính chấp nhận thanh toán chi phí xử lý nước rỉ rác…/.

Phúc Khang
(Báo Kiểm toán sô 46/2021)

 
 
 

Xem thêm »