Tham dự tọa đàm có các nhà khoa học, chuyên gia đến từ các Ban Đảng, Bộ, Ban, ngành, các trường Đại học, Học viện, Viện nghiên cứu, Hiệp hội nghề nghiệp; Lãnh đạo KTNN, lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc KTNN và các thành viên Ban chủ nhiệm đề tài.
Phát biểu khai mạc Toạ đàm, Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh cho biết: Tham nhũng, lãng phí là hiện tượng tồn tại ở hầu hết các quốc gia và được thừa nhận là một trở ngại lớn đối với tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững. Tham nhũng, lãng phí làm tổn hại đến uy tín của Nhà nước, giảm niềm tin của người dân vào hệ thống chính trị, các cơ quan Nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức và những người làm việc tại khu vực Nhà nước. PCTNLP là nhiệm vụ cấp bách và được giao cho nhiều cơ quan Nhà nước thực hiện trong mối quan hệ chặt chẽ với nhau.
KTNN Việt Nam ngoài việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công đã ngày càng chú trọng đến việc tham gia, phát huy vai trò đối với PCTNLP thông qua việc không ngừng hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, phương pháp nghiệp vụ kiểm toán, nâng cao năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp của Kiểm toán viên nhà nước. Thực tiễn cho thấy, mặc dù KTNN đã có những đóng góp nhất định trong PCTNLP, song kết quả còn nhiều hạn chế, vai trò của KTNN đối với PCTNLP còn chưa tương xứng với địa vị pháp lý của KTNN trong hệ thống các cơ quan kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Trước yêu cầu ngày càng cao của Đảng, Nhà nước trong công cuộc PCTNLP, đòi hỏi KTNN phải tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện một cách toàn diện cả về lý luận và thực tiễn về: Vai trò, vị trí, chức năng của KTNN; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của KTNN; tổ chức hoạt động và phương pháp, công nghệ kiểm toán… đối với PCTNLP; đổi mới tổ chức, hoạt động kiểm toán của KTNN; phát huy vai trò của KTNN đối với PCTNLP. “Trên tinh thần khoa học, thẳng thắn, cởi mở, tôi đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận làm rõ các vấn đề về lý luận và tìm kiếm các giải pháp để nâng cao vị trí, vai trò của KTNN trong PCTNLP” – Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh.
Sau phát biểu chỉ đạo, định hướng nội dung cuộc tọa đàm của Tổng Kiểm toán nhà nước, các đại biểu đã tham luận, thảo luận, trao đổi, đóng góp ý kiến về những vấn đề liên quan đến chủ đề của tọa đàm.
Theo PGS, TS. Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, cho đến nay KTNN đã xác lập và khẳng định vị trí trong nền kinh tế thị trường, mở cửa và hội nhập, trong hệ thống kiểm tra, kiểm soát và là một định chế độc lập trong Nhà nước pháp quyền của Việt Nam. Hiến pháp 2013 của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã chế định KTNN là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân thủ pháp luật có chức năng kiểm toán tình hình quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công. KTNN được đánh giá là công cụ trọng yếu, hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. PGS, TS. Đặng Văn Thanh chỉ ra 8 yếu tố tác động đến tính hiệu quả, hiệu lực của KTNN trong việc tham gia phòng chống tham nhũng, trong đó nhấn mạnh vai trò quan trọng của yếu tố pháp lý. “Đấu tranh PCTNLP là hoạt động sử dụng nhiều công cụ khác nhau, nhưng pháp luật là công cụ hữu hiệu nhất. Nếu không có hệ thống các quy định của pháp luật về PCTNLP thì không thể có cơ sở pháp lý để tiến hành các hoạt động phòng ngừa và xử lý tham nhũng. Cần có sự nhận dạng và đánh giá đúng mức các nhân tố, kể cả nhân tố khách quan và chủ quan, phát huy vai trò tích cực, hạn chế những tác động tiêu cực của từng nhân tố đến kết quả PCTNLP” – Ông Đặng Văn Thanh nhấn mạnh.
Cùng quan điểm với PGS, TS. Đặng Văn Thanh, GS, TS. Thái Vĩnh Thắng - Đại học Luật Hà Nội nhấn mạnh, để phát huy vai trò PCTNLP, Cơ quan Kiểm toán tối cao phải có cơ sở pháp lý vững chắc về việc kiểm toán PCTNLP phù hợp với điều kiện thể chế chính trị, trình độ phát triển của quốc gia. Cơ sở pháp lý phải đủ mạnh, bao quát toàn diện các lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng, lãng phí. Địa vị pháp lý cao được pháp luật quy định, hoạt động độc lập và cơ chế phối hợp có hiệu quả với các cơ quan chức năng là nền tảng quan trọng cho Cơ quan Kiểm toán tối cao tham gia PCTNLP.
Trước những yêu cầu ngày càng cao của Đảng, Nhà nước đối với KTNN trong công cuộc PCTNLP, đòi hỏi KTNN phải tiếp tục xem xét một cách hệ thống, toàn diện cả về mặt pháp luật và hoạt động thực tiễn về vị trí, chức năng của KTNN, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của KTNN đối với PCTNLP. Từ đó tiếp tục đổi mới, phát triển tổ chức, hoạt động kiểm toán của KTNN để phát huy ngày càng đầy đủ, hiệu lực, hiệu quả đối với PCTNLP.
Qua phân tích các quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài về tổ chức và hoạt động của KTNN, TS. Thái Vĩnh Thắng đã đưa ra một số kiến nghị về hoàn thiện pháp luật về KTNN đó là: Bổ sung vào Điều 10, Luật KTNN nhiệm vụ kiểm toán thuế nhằm hạn chế tình trạng trốn thuế, hoặc tình trạng nộp thuế không đúng định mức mà pháp luật quy định, làm thiệt hại đến ngân sách Nhà nước; bổ sung thêm kiểm toán nợ công, nợ chính phủ, nợ quốc gia; bổ sung vào Điều 7- Giá trị pháp lý của Báo cáo kiểm toán là giá trị làm chứng cứ tin cậy buộc tội hoặc gỡ tội trong các phiên tòa hình sự khi liên quan đến tội pham tham nhũng và là cơ sở pháp lý để ra quyết định trong các phiên tòa dân sự khi liên quan việc xác định lỗi của các bên tranh chấp
.
Liên quan đến vấn đề hoàn thiện pháp luật về KTNN, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II Lê Đình Thăng cho rằng đây là giải pháp quan trọng góp phần hạn chế sự chồng chéo trong hoạt động kiểm toán, thanh tra, kiểm tra; là cơ sở để KTNN có thể chủ động, đổi mới hoạt động kiểm toán và đảm bảo tính độc lập liêm chính trong hoạt động kiểm toán.
Tại tọa đàm, qua các bài tham luận và ý kiến phát biểu thảo luận trực tiếp, các đại biểu cũng đã đưa ra nhiều kinh nghiệm quốc tế về PCTNLP nhất là kinh nghiệm của các Cơ quan Kiểm toán tối cao trong hoạt động PCTNLP.
Kết thúc tọa đàm, Ban tổ chức tọa đàm cảm ơn và đánh giá cao các bài tham luận, các ý kiến đóng góp chất lượng trong phần thảo luận của các đại biểu, đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến đóng góp bằng văn bản để Ban đề tài tổng hợp và hoàn thiện. Các ý kiến trao đổi, thảo luận tại Tọa đàm sẽ được Ban đề tài nghiên cứu, tiếp thu tối đa để hoàn thiện công trình nghiên cứu cấp quốc gia./.
Hà Linh