Tọa đàm “Hoạt động kiểm toán nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí - Thực trạng và giải pháp”

01/12/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Ngày 30/11/2021, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN), Ban chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học cấp Quốc gia “Hoàn thiện pháp luật KTNN nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam” tổ chức toạ đàm với chủ đề “Hoạt động kiểm toán nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí - Thực trạng và giải pháp”. Tham dự tọa đàm có Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam Đặng Văn Thanh; Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội Lê Minh Nam và đại diện lãnh đạo các đơn vị chuyên môn của KTNN. Nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III Lê Đình Thăng, Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán Trần Kim Lộc đồng chủ trì buổi Tọa đàm.

Quang cảnh Tọa đàm

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên nhấn mạnh: Cơ quan Kiểm toán tối cao có vai trò quan trọng trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí (PCTNLP). Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN phát hiện và phối hợp với các cơ quan Nhà nước có liên quan xử lý các hành vi TNLP; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật góp phần PCTNLP; nâng cao nhận thức của công chúng về PCTNLP.

Phát huy vai trò của cơ quan tham gia PCTNLP, giai đoạn 2009-2020, KTNN kiến nghị xử lý tài chính hơn 493.891 tỷ đồng; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 1.426 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý sai quy định hoặc không phù hợp với quy định chung của nhà nước và thực tiễn, kịp thời khắc phục “lỗ hổng” về cơ chế, chính sách, tránh thất thoát, lãng phí, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, góp phần làm lành mạnh nền tài chính quốc gia.

Đồng thời, KTNN đã chuyển nhiều vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán sang cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật; báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công án điều tra xử lý nhiều vụ việc theo quy định của pháp luật; cung cấp hàng trăm bộ hồ sơ, báo cáo kiểm toán  và các tài liệu liên quan cho cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát.

Tuy nhiên, thời gian qua, số lượng các vụ việc tham nhũng được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán còn hạn chế. KTNN chưa xây dựng chuẩn mực, quy định, hướng dẫn Kiểm toán viên nhà nước (KTVNN) thực hiện kiểm toán các vụ việc tham nhũng, lãng phí. Sự phối hợp giữa KTNN với các cơ quan hữu quan trong PCTNLP đôi khi chưa kịp thời, hiệu quả. Trình độ chuyên môn và ý thức về PCTNLP của nhiều KTVNN chưa cao. Một số quy định pháp lý về nhiệm vụ PCTNLP của KTNN chưa rõ ràng… “Trên tinh thần khoa học, thẳng thắn, cởi mở, tôi đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận  để làm rõ các vấn đề về lý luận và tìm kiếm các giải pháp để khẳng định, nâng cao vị trí, vai trò của KTNN trong PCTNLP” - GS.TS Đoàn Xuân Tiên nhấn mạnh.
 
 
Các đại biểu trao đổi ý kiến

Tại Tọa đàm, các nhà quản lý, khoa học đã tập trung phân tích và nhận định những nhân tố chủ yếu tác động đến hiệu lực, hiệu quả PCTNLP của KTNN, từ đó luận giải về những đổi mới cần thiết trong tổ chức thực hiện kiểm toán của KTNN đối với PCTNLP. Các đại biểu cũng đánh giá thực trạng pháp luật KTNN trong PCTNLP; luận giải những bất cập của những quy định pháp luật KTNN làm hạn chế vai trò PCTNLP của KTNN và đề xuất hướng khắc phục; luận giải về mối quan hệ pháp lý giữa KTNN với các cơ quan kiểm tra, kiểm soát việc quản lý tài chính, tài sản công trong PCTNLP; vấn đề đảm bảo pháp luật và các phương pháp PCTNLP; đề xuất KTNN xây dựng và hoàn thiện các văn bản để cụ thể hóa Luật KTNN và các Luật khác có liên quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi phát huy vai trò, quyền hạn của KTNN trong PCTNLP.

Qua 22 bài viết đăng trong Kỷ yếu, 06 bài tham luận được trình bày và 05 ý kiến trao đổi trực tiếp, Tọa đàm đã đề cập một cách toàn diện về thực trạng quy định pháp luật và thực hiện quy định pháp luật về PCTNLP; thực trạng hoạt động kiểm toán (tổ chức và kỹ thuật kiểm toán) để thực hiện nhiệm vụ PCTNLP theo Luật PCTNLP, Luật KTNN và các Luật liên quan khác. Trên cơ sở phân tích thực trạng, nguyên nhân, nội hàm về PCTNLP, chức năng, nhiệm vụ của KTNN trong PCTNLP, các ý kiến tập trung đề xuất tiếp tục tăng cường kiểm toán đối với các vụ việc, lĩnh vực “nóng”, nhạy cảm có dấu hiệu TNLP; tăng cường công tác kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; hoàn thiện cơ chế chính sách, chế tài xử lý các hành vi tham nhũng, lãng phí.

Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng KTNN cần tiến hành kiểm toán đánh giá cơ chế chính sách; hoàn thiện pháp luật KTNN theo hướng đảm bảo bao quát chức năng đối tượng phạm vi kiểm toán; tiếp tục xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn Luật, Luật KTNN và các Luật khác liên quan đến nhiệm vụ PCTNLP; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa KTNN với các cơ quan liên quan đặc biệt là mối quan hệ phối hợp giữa KTNN với các cơ quan trực thuộc Quốc hội trong vấn đề xử dụng thông tin, kết quả kiểm toán và mối quan hệ phối hợp giữa KTNN với các cơ quan cảnh sát, điều tra, tòa án, thanh tra trong PCTNLP…

Kết thúc tọa đàm, Ban tổ chức tọa đàm cảm ơn và đánh giá cao các bài tham luận, các ý kiến đóng góp chất lượng trong phần thảo luận của các đại biểu, đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến đóng góp bằng văn bản để Ban đề tài tổng hợp và hoàn thiện. Các ý kiến trao đổi, thảo luận tại Tọa đàm sẽ được Ban đề tài nghiên cứu, tiếp thu tối đa để hoàn thiện công trình nghiên cứu cấp quốc gia./.

Hà Linh

Xem thêm »