Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ chỉ đạo Hội nghị.
Báo cáo tổng kết nhiệm vụ năm 2021 và phương hướng hoạt động năm 2022, Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VI Nguyễn Thu Giang cho biết, năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, song với sự quan tâm, chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo KTNN, sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị trong Ngành và sự nỗ lực, quyết tâm cao của đội ngũ cán bộ công chức, Kiểm toán viên, KTNN chuyên ngành VI đã hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ theo kế hoạch công tác được giao.
Năm 2021, KTNN chuyên ngành VI được giao nhiệm vụ thực hiện 9 cuộc kiểm toán, nhưng do tình hình dịch Covid-19 nên đã điều chỉnh giảm 01 cuộc, 8 cuộc là kiểm toán báo cáo tài chính (BCTC) và các hoạt động có liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước năm 2020 của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước. Đến nay, đơn vị đã hoàn thành 8/8 cuộc kiểm toán.
Ngoài ra, KTNN chuyên ngành VI còn được giao nhiệm vụ tham mưu cho Lãnh đạo KTNN cho ý kiến về Phương án xử lý tài chính cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam; cho ý kiến tham gia với Đảng, Chính phủ và các Bộ, ngành về việc xử lý 12 dự án yếu kém ngành Công Thương, các đề án, phương án sắp xếp, tái cơ cấu, xử lý tài chính của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước.
Tổng hợp sơ bộ kết quả kiểm toán năm 2021 (chưa bao gồm số liệu kiến nghị của Đoàn kiểm toán Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam), KTNN chuyên ngành VI đã kiến nghị: Xử lý tài chính 2.814,7 tỷ đồng, trong đó, tăng thu NSNN 2.552,8 tỷ đồng. Ngoài ra, đơn vị cũng đã có 12 kiến nghị gửi tới các cơ quan có thẩm quyền về các phát hiện quan trọng, trong đó có 03 kiến nghị đối với Bộ Tài chính, Bộ Thông tin & Truyền thông về việc xem xét, bổ sung cơ chế chính sách; kiến nghị tổ chức kiểm điểm, xem xét trách nhiệm nhiều tập thể và cá nhân có liên quan.
Quá trình triển khai phương án kiểm toán, tập thể lãnh đạo KTNN chuyên ngành VI đã bám sát các chỉ đạo của Ngành để điều hành hoạt động các đoàn kiểm toán, đặc biệt trước tình hình phức tạp của dịch Covid-19, thực hiện các chỉ đạo của Lãnh đạo KTNN về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid 19, KTNN chuyên ngành VI đã tham mưu Lãnh đạo KTNN ban hành văn bản tạm dừng hoạt động kiểm toán tại 03 Đoàn kiểm toán đang triển khai đợt 2 kể từ ngày 19/7/2021. Sau khi tình hình dịch Covid - 19 tại nhiều tỉnh, thành phố được kiểm soát, KTNN chuyên ngành VI đã rà soát, đề xuất Tổng Kiểm toán nhà nước phương án thực hiện đối với các Đoàn kiểm toán đợt 2 đang tạm dừng và 03 Đoàn kiểm toán đợt 3 theo hướng giảm số đầu mối kiểm toán đối với các Đoàn kiểm toán đợt 2 phải tạm dừng; không thực hiện kiểm toán một số cuộc kiểm toán đợt 3 tại các địa phương ảnh hưởng lớn của dịch, rút ngắn thời gian kiểm toán tại các Đoàn kiểm toán khác.
Đơn vị đã tổ chức triển khai kế hoạch kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của các cuộc kiểm toán năm 2020 với các giải pháp, hình thức phù hợp với tình hình dịch Covid-19. Kết quả đến thời điểm báo cáo, các đơn vị được kiểm toán năm 2020 đã thực hiện 1.253 tỷ đồng (đạt 89,69 %) số kiến nghị tài chính đủ bằng chứng của 10 cuộc kiểm toán năm 2020.
Trong năm 2021, đơn vị đã chủ trì xây dựng và trình Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành 03 văn bản hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ sử dụng cho toàn Ngành trong lĩnh vực kiểm toán doanh nghiệp; phối hợp với Vụ Pháp chế, Vụ CĐ & KSCLKT, Vụ Tổng hợp, các KTNN chuyên ngành... tham gia, đóng góp ý kiến sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ của KTNN và các văn bản pháp luật do Chính phủ và các bộ ngành ban hành.
KTNN chuyên ngành VI đã tích cực phối hợp với Vụ Tổ chức thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức của đơn vị như: Công tác quy hoạch, đánh giá công chức. Việc đánh giá, phân loại công chức và người lao động được thực hiện định kỳ, kết quả đánh giá là cơ sở quan trọng để thực hiện công tác bố trí, sắp xếp sử dụng cán bộ tại đơn vị.
Lãnh đạo KTNN chuyên ngành VI cũng luôn khuyến khích công chức tham gia vào các lớp đào tạo chuyên sâu của KTNN nhằm nâng cao trình độ chuyên môn. Từ đầu năm 2021 đến nay, đơn vị đã bố trí, cử nhiều lượt cán bộ, công chức tham gia đầy đủ các lớp đào tạo của Ngành; phối hợp với Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán trong việc biên soạn tài liệu và tham gia giảng dạy các lớp về kiểm toán doanh nghiệp... Đơn vị cũng tự tổ chức các chương đào tạo nội bộ, các buổi tọa đàm, thảo luận, cập nhật văn bản mới, trao đổi kinh nghiệm kiểm toán...
Kế hoạch tự kiểm tra năm 2021 của đơn vị tập trung vào việc chấp hành các quy định, quy chế của Nhà nước, của KTNN trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, qua đó, đã góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công vụ của công chức, viên chức và người lao động, nâng cao chất lượng kiểm toán, năng lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ của đơn vị.
Công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán (KSCLKT) được thực hiện theo cách thức Kiểm toán trưởng thành lập các Tổ KSCLKT đối với từng cuộc kiểm toán để thực hiện kiểm soát hoạt động các Đoàn kiểm toán từ khi bắt đầu tổ chức khảo sát, xây dựng KHKT, thực hiện kiểm toán đến giai đoạn lập, xét duyệt, phát hành BCKT theo Quy chế KSCLKT.
Trong năm 2021, Lãnh đạo KTNN chuyên ngành VI thường xuyên chỉ đạo các Đoàn kiểm toán triển khai ứng dụng các phần mềm hỗ trợ hoạt động kiểm toán đã ban hành, thực hiện số hóa hồ sơ kiểm toán, tuân thủ việc ghi nhật ký điện tử cũng như bảo mật thông tin, chỉ sử dụng hộp thư điện tử của ngành khi trao đổi công việc. Trong năm, đơn vị đã phối hợp với Trung tâm tin học tổ chức hướng dẫn cũng như giải đáp các vướng mắc của cán bộ, công chức trong việc sử dụng các phần mềm của KTNN, đồng thời cũng là một kênh thông tin để các cán bộ, công chức có thể phản ánh các bất cập đến Trung tâm tin học để nghiên cứu, hoàn thiện ứng dụng cho phù hợp hơn. Đơn vị cũng đã cử nhiều lượt công chức có kinh nghiệm tham gia phối với Trung tâm tin học, Ban QLDA CNTT trong việc kiểm thử và đóng góp ý kiến đối với các dự án ứng dụng CNTT.
Một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng được đơn vị xác định trong năm 2021 là việc thí điểm kiểm toán từ xa đối với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT). KTNN chuyên ngành VI đã tích cực, chủ động tham gia vào công tác chuẩn bị triển khai thí điểm kiểm toán từ xa tại VNPT. Đến thời điểm hiện tại, các nội dung công việc chuẩn bị cần thiết cho công tác kiểm toán từ xa tập đoàn VNPT đã được triển khai đúng tiến độ để đáp ứng mục tiêu thực hiện kiểm toán thử hai đợt trong quý I, II/2022; sau đó tổng kết, rút kinh nghiệm trước khi tiến tới kiểm toán từ xa chính thức vào quý III/2022.
Toàn cảnh Hội nghị
Về các nhiệm vụ trọng tâm năm 2022, KTNN chuyên ngành VI xác định:
Bám sát diễn biến của dịch Covid-19, triển khai đồng bộ các giải pháp, chủ động trong hoạt động điều hành, phấn đầu hoàn thành toàn diện, có chất lượng, đúng tiến độ các cuộc kiểm toán thuộc Kế hoạch kiểm toán năm 2022 được phê duyệt.
Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả, chất lượng những nội dung liên quan trong Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, góp phần phát triển KTNN là công cụ trọng yếu, hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
Tăng cường ứng dụng CNTT trong hoạt động kiểm toán cũng như hoạt động điều hành của đơn vị; tham mưu cho Ban Chỉ đạo tổ chức thực hiện đảm bảo chất lượng, hiệu quả, tiến độ việc thí điểm kiểm toán từ xa tại Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm làm tiền đề, triển khai đối với các đơn vị khác.
Tổ chức theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2021 và các năm trước, đôn đốc kịp thời việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của các đơn vị đã được kiểm toán và các tổ chức, cá nhân có liên quan. Xử lý kịp thời, dứt điểm những kiến nghị, khiếu nại và những vướng mắc của đơn vị được kiểm toán trong và sau khi đã phát hành hành báo cáo kiểm toán, không để xảy ra tình trạng dây dưa, kéo dài...
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ biểu dương những thành tích đã đạt được trong năm 2021 của KTNN chuyên ngành VI. “Trong năm 2021, bám sát định hướng, chỉ đạo của Ban cán sự Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước, tập thể lãnh đạo, công chức KTNN chuyên ngành VI đã không ngừng nỗ lực, vượt qua khó khăn, nhất là ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 để triển khai đồng bộ các giải pháp hữu hiệu, hoàn thành kế hoạch công tác năm 2021 đảm bảo chất lượng, hiệu quả“ - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước phát biểu.
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước đồng tình cơ bản với các nội dung của báo cáo tổng kết, đồng thời yêu cầu KTNN chuyên ngành VI tiếp thu các ý kiến đóng góp tại Hội nghị để hoàn thiện báo cáo của đơn vị; đồng thời yêu cầu đơn vị tiếp tục cố gắng, nỗ lực khắc phục những tồn tại của năm 2021 để hoàn thành kế hoạch năm 2022. Tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng phân tích chuyên sâu, kỹ năng tổng hợp để nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán.
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh việc thí điểm triển khai kiểm toán từ xa tại Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam là nhiệm vụ quan trọng của đơn vị. Vì vậy, đơn vị cần tập trung nguồn lực nhằm đảm bảo tham mưu cho Ban Chỉ đạo cách thức tổ chức thực hiện đảm bảo chất lượng, hiệu quả, tiến độ công việc; tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm làm tiền đề, triển khai đối với các đơn vị khác.
Thay mặt đơn vị, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VI Nguyễn Anh Tuấn cảm ơn những ý kiến chỉ đạo của Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, đồng thời cam kết cùng với tập thể cán bộ công chức, Kiểm toán viên KTNN chuyên ngành VI nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, đoàn kết, chung sức, đồng lòng, phát huy những thành tích đã đạt được, khắc phục những tồn tại hạn chế, vượt qua mọi khó khăn, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao./.
Ngọc Bích