Nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Đổi mới công tác lập kế hoạch kiểm toán năm của Kiểm toán nhà nước”

07/01/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.n) – Sáng 07/01/2022, tại Trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) - 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội, Hội đồng nghiệm thu KTNN tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Đổi mới công tác lập kế hoạch kiểm toán năm của Kiểm toán nhà nước” do Ths. Nguyễn Giang Sơn - KTNN chuyên ngành VI và TS. Lê Hoài Nam - Vụ Tổng hợp đồng chủ nhiệm. Ts. Vũ Văn Họa, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước làm Chủ tịch Hội đồng.

Hội đồng nghiệm thu

Theo Ban chủ nhiệm đề tài, xây dựng kế hoạch kiểm toán (KHKT) là một bước quan trọng nhằm đạt được các mục tiêu kiểm toán của KTNN trong một cuộc kiểm toán. Xác định tầm quan trọng của KHKT, trong Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược phát triển KTNN đến 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 1876/QĐ-KTNN ngày 06/12/2010, KTNN đã xác định hoạt động “Xây dựng các quy định, quy trình, hướng dẫn xây dựng KHKT năm và KHKT trung hạn cho tất cả các loại hình kiểm toán” là một trong các một trong các hoạt động được ưu tiên cao.
 
Qua hơn 08 năm triển khai thực hiện kế hoạch chiến lược này, công tác xây dựng KHKT hàng năm của KTNN đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, trước yêu cầu đổi mới hoạt động kiểm toán hiện nay, đặc biệt là sau khi KTNN được hiến định trong Hiến pháp năm 2013 và Luật KTNN có hiệu lực từ 01/01/2016, công tác lập KHKT hàng năm của KTNN cũng phát sinh nhiều tồn tại, bất cập làm hạn chế vai trò, chức năng của KTNN như: Thiếu tính định hướng và gắn kết giữa các nội dung, chủ đề và loại hình kiểm toán trong KHKT năm; Tiêu chí lựa chọn đơn vị, đầu mối, chủ đề kiểm chưa có giải thích chi tiết, rõ ràng cách thức thực hiện; Phần lớn việc lựa chọn đầu mối dự kiến đưa vào KHKT đều theo phương pháp xoay vòng; Việc sử dụng các phương pháp đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu trong lập KHKT năm còn rất hạn chế do các quy định hiện hành về vấn đề này còn chưa cụ thể...
 
Thực tế trên cho thấy việc nghiên cứu Đề tài “Đổi mới công tác lập kế hoạch kiểm toán năm của Kiểm toán nhà nước” có vai trò đặc biệt quan trọng với KTNN trong giai đoạn hiện nay. Đề tài không chỉ góp phần hoàn thiện quy trình, nghiệp vụ của KTNN, nâng cao vai trò, vị trí, chất lượng kết luận, đánh giá của KTNN mà còn góp phần hoàn thiện hệ thống lý luận, thúc đẩy việc vận dụng Hệ thống chuẩn mực kiểm toán theo thông lệ quốc tế vào thực tiễn hoạt động kiểm toán. 
 
Đề tài được nghiên cứu với mục tiêu: Tăng cường năng lực lập KHKT năm nói chung, hoàn thiện hệ thống tiêu chí lập KHKT năm nói riêng để hiện thực hóa chiến lược “tăng cường năng lực của KTNN Việt Nam trong việc xây dựng KHKT” trong Kế hoạch chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020; Hệ thống hóa các vấn đề lý luận về lập KHKT năm của KTNN, đặc biệt là làm rõ các vấn đề lý luận về phương pháp, quy trình đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong hoàn thiện tiêu chí lựa chọn đơn vị, đầu mối, chủ đề được kiểm toán hàng năm, phù hợp với hệ thống chuẩn mực kiểm toán theo thông lệ quốc tế; Đánh giá, phân tích thực trạng lập KHKT năm của KTNN trong các năm gần đây; Đưa ra các giải pháp nhằm hoàn thiện công tác lập KHKT năm của KTNN.
 
Phạm vi nghiên cứu của đề tài là từ khi KTNN triển khai lập kế hoạch kiểm toán năm đến hết năm 2021 và các thời kỳ trước, sau có liên quan.
 
Đề tài có kết cấu 03 chương: Tổng quan về lập KHKT và KHKT năm của KTNN; Thực trạng lập kế hoạch kiểm toán năm của KTNN; Hoàn thiện công tác lập kế hoạch kiểm toán năm của KTNN.
 
Ban chủ nhiệm đề tài
 
Đánh giá về đề tài, các thành viên Hội đồng thống nhất cho rằng, đề tài góp phần hoàn thiện quy trình, nghiệp vụ của KTNN, nâng cao vai trò, vị trí, chất lượng kết luận, đánh giá của KTNN và góp phần hoàn thiện hệ thống lý luận, thúc đẩy vận dụng Hệ thống chuẩn mực kiểm toán theo thông lệ quốc tế và thực tiễn hoạt động kiểm toán. Vì vậy, việc lựa chọn Đề tài “Đổi mới công tác lập kế hoạch kiểm toán năm của Kiểm toán nhà nước” của Ban Chủ nhiệm có ý nghĩa với thực tế, phù hợp với định hướng phát triển của KTNN.
 
Để đề tài hoàn thiện, các ý kiến cho rằng, Ban chủ nhiệm đề tài nên: Tập trung vào đánh giá việc lập KHKT năm, chứ không chỉ KHKT trung hạn của KTNN trong phần đánh giá thực trạng lập KHKT; Làm rõ hơn việc ứng dụng kinh nghiệm lập KHKT từ các Cơ quan Kiểm toán thuộc các nước EU dành cho KTNN Việt Nam; Tập trung đề xuất việc sử dụng các phương pháp “Khuyến khích sự tham gia của các cá nhân - Thảo luận nhóm; Thu thập ý tưởng mới, tham vấn ” để đổi mới phương pháp lập KHKT năm của KTNN; Xem xét bổ sung giải pháp thu thập thông tin từ Quốc hội, Hội đồng nhân dân và các nguồn thông tin khác trong quá trình lập KHKT năm của KTNN…
 
Phát biểu kết luận, Chủ tịch Hội đồng, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa yêu cầu Ban chủ nhiệm đề tài tiếp thu các ý kiến của các thành viên Hội đồng để hoàn thiện đề tài. Chủ tịch Hội đồng yêu cầu Ban chủ nhiệm đề tài hoàn thiện đề tài theo hướng gắn chặt với hoạt động lập KHKT của KTNN, loại bỏ bớt các nội dung mang tính “hàn lâm”; Các giải pháp đưa ra cần gắn chặt với thực trạng công tác lập KHKT đưa ra trong đề tài.
 
Đề tài được xếp loại khá./.
 
Ngọc Bích
 
 

Xem thêm »