Hội nghị phổ biến các Nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV

15/02/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Chiều 14/2/2022, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) – 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội, KTNN đã tổ chức Hội nghị trực tuyến phổ biến các Nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV. Ủy viên Ban cán sự Đảng, Trưởng Ban Dân vận Đảng ủy, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung dự và phát biểu khai mạc Hội nghị.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung phát biểu khai mạc Hội nghị

Dự Hội nghị có Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ, lãnh đạo từ cấp Trưởng phòng trở lên gồm các đơn vị có trụ sở tại Hà Nội và 12 điểm cầu các KTNN khu vực.

Báo cáo viên trao đổi tại Hội nghị có Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung cho biết: Bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, tại Kỳ họp bất thường của Quốc hội khóa XV được tổ chức tháng 1/2022, Quốc hội đã ban hành các Nghị quyết số 43/2022/QH15, 44/2022/QH15 và 46/2022/NQ15 nhằm kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, qua đó kịp thời có những quyết sách quan trọng, giải quyết hiệu quả các vấn đề thực tiễn đặt ra, khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài, cũng như gắn kết chặt chẽ với Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025.

Tại các Nghị quyết, KTNN được giao nhiệm vụ tổ chức kiểm toán hàng năm đối với việc tổ chức thực hiện Chương trình, các Nghị quyết theo chức năng, quyền hạn của mình. “Với quyết tâm cao và tinh thần trách nhiệm của Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo KTNN đã tổ chức chỉ đạo việc thực hiện các Nghị quyết trên thông qua việc ban hành Chương trình hành động số 17-CTr/BCSĐ ngay sau kỳ nghỉ tết nguyên đán 2022, đồng thời xác định các nhiệm vụ, giải pháp, kế hoạch và phân công các đơn vị thực hiện cụ thể, trong đó nhiều nhiệm vụ cần được triển khai ngay từ đầu năm 2022. KTNN cũng kịp thời phổ biến đến toàn thể cán bộ, công chức, người lao động về tinh thần và nội dung của các Nghị quyết, qua đó các đơn vị trực thuộc KTNN xác định các nhiệm vụ cụ thể để triển khai nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ của KTNN, đáp ứng được kỳ vọng của Quốc hội và công chúng.” – Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung nhấn mạnh.

Tại Hội nghị, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu đã có những trao đổi, lãm rõ về quan điểm, muc tiêu, vai trò, ý nghĩa và nội dung của các Nghị quyết; một số cơ chế đặc thù; nhiệm vụ của Chính phủ, các Bộ, ngành có liên quan, trong đó làm rõ vai trò của KTNN.
 

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu trao đổi tại Hội nghị

Nghị quyết số 43/2022/QH15 gồm 8 Điều, đưa ra các chính sách hỗ trợ với quy mô, nguồn lực đủ lớn, có mục tiêu trọng tâm, trọng điểm, xác định đúng và trúng đối tượng cần hỗ trợ; thời gian thực hiện chủ yếu trong 2 năm 2022 và 2023 với lộ trình thích hợp để nâng cao năng lực phòng chống dịch Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của giai đoạn 5 năm với những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, tạo tiền đề phát triển cho giai đoạn sau.

Theo đó, về chính sách tài khóa bao gồm chính sách miễn, giảm thuế; tăng chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Nhà nước tối đa 176 nghìn tỷ đồng cho lĩnh vực y tế, phòng, chống dịch bệnh, an sinh xã hội, lao động, việc làm, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động; tăng hạn mức bảo lãnh Chính phủ đối với trái phiếu phát hành trong nước cho Ngân hàng Chính sách xã hội. Cho phép tăng bội chi ngân sách Nhà nước khoảng 1% - 1,2% GDP/năm, không vượt quá 240 nghìn tỷ đồng trong 2 năm 2022 và 2023.

Về chính sách tiền tệ bao gồm điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ; phấn đấu giảm lãi suất cho vay tối thiểu 0,5% - 1%; tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch; sử dụng các nguồn tài chính hợp pháp để nhập khẩu vaccine, thuốc điều trị và thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch trong trường hợp cần thiết; tiếp tục tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội để cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động, bảo đảm tính khả thi và tổ chức triển khai nhanh trong thực tế,...

Ngoài ra, cho phép áp dụng các chính sách khác, gồm sử dụng khoảng 5 nghìn tỷ đồng từ Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam để phát triển hạ tầng viễn thông, internet, trong đó có 1 nghìn tỷ đồng trang bị máy tính bảng thực hiện Chương trình “Sóng và máy tính cho em”; khoảng 5 nghìn tỷ đồng để đổi mới công nghệ, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học công nghệ,... và cho phép áp dụng một số cơ chế đặc thù để thực hiện.

Nghị quyết số 44/2022/QH15 về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 gồm 4 điều, quyết định chủ trương đầu tư Dự án gồm các đoạn từ Bãi Vọt (Hà Tĩnh) đến Cam Lộ (Quảng Trị), từ Quảng Ngãi đến Nha Trang (Khánh Hòa) và từ Cần Thơ đến Cà Mau. Dự án đầu tư khoảng 729 km, chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập theo hình thức đầu tư công. Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của Dự án khoảng 5.481 ha, trong đó đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên khoảng 1.532 ha, đất rừng phòng hộ khoảng 110 ha, đất rừng sản xuất khoảng 1.436 ha. Sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án là 146.990 tỷ đồng.

Quốc hội giao Chính phủ triển khai tổ chức thực hiện, quản lý và khai thác, vận hành Dự án theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình; quản lý, sử dụng vốn và các nguồn lực tiết kiệm, hiệu quả, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Hoàn chỉnh hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng và đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên của Dự án, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương trước khi quyết định đầu tư dự án.
 
Quang cảnh Hội nghị

Nghị quyết số 46/2022/QH15 yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương cần tiếp tục triển khai thi hành các Luật, Nghị quyết đã được Quốc hội thông qua; khẩn trương ban hành và triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm các giải pháp khả thi, hiệu quả; tiếp tục cụ thể hóa và thực hiện tốt, hiệu quả các chính sách, nhiệm vụ, giải pháp để kịp thời đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch đã được quyết định tại các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Khẩn trương ban hành, chủ động chỉ đạo quyết liệt tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 (2022-2023); tiếp tục theo dõi sát sao, chủ động nắm chắc, dự báo diễn biến của dịch; tuyệt đối không chủ quan, không để bị động, bất ngờ trong ứng phó với biến thể Omicron và các biến thể mới.

Nghị quyết cũng nhấn mạnh đến việc tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc mua sắm công và thanh tra, kiểm tra, giám định, kiểm định chất lượng thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế. Đồng thời, chủ động phát hiện sớm các vi phạm, hành vi lợi dụng dịch bệnh để trục lợi; tập trung khẩn trương, quyết liệt mở rộng điều tra, làm rõ việc giao nhiệm vụ, nghiên cứu, nghiệm thu, chuyển giao, cấp phép lưu hành, hiệp thương giá, tổ chức sản xuất, chất lượng sản phẩm, mua bán kit xét nghiệm Covid-19 và các vi phạm pháp luật khác (nếu có) liên quan đến Công ty Việt Á; xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu bất kỳ sức ép và sự can thiệp nào trái pháp luật.

Về vai trò của KTNN, ông Phan Đức Hiếu cho biết, tại Nghị quyết số 43 Quốc hội giao KTNN tổ chức thực hiện kiểm toán hằng năm việc tổ chức thực hiện Chương trình, bảo đảm thực hiện nhanh, hiệu quả, công khai, minh bạch, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối các năm 2022, 2023 và kỳ họp giữa năm 2024.

Tại Nghị quyết số 44, Quốc hội giao KTNN, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, kiểm toán việc thực hiện Nghị quyết này.

Đối với Nghị quyết số 46, Quốc hội giao KTNN xây dựng kế hoạch, thực hiện kiểm toán định kỳ và khi kết thúc chương trình, dự án đối với việc huy động, sử dụng các nguồn lực trong thực hiện nhiệm vụ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống dịch bệnh; đánh giá việc thực hiện các cơ chế, chính sách, giải pháp và kịp thời báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Kết thúc bài trao đổi, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu cho rằng việc Ban cán sự Đảng KTNN ban hành Chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất đã xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm hoàn thành các nhiệm vụ được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của KTNN; đảm bảo công khai, minh bạch, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm trong việc tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội../.

Phương Ngọc
 

Xem thêm »