Nghiệm thu Đề tài Nghiên cứu khoa học cấp cơ sở “Quản lý công chức theo vị trí việc làm tại Kiểm toán nhà nước - những vấn đề đặt ra và giải pháp”.

25/02/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) – Sáng 25/02/2022, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) - 111 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội, Hội đồng nghiệm thu KTNN tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở “Quản lý công chức theo vị trí việc làm tại KTNN - những vấn đề đặt ra và giải pháp” do Ths. Đỗ Thu Hằng và Nguyễn Hoàng Chúng đồng chủ nhiệm; Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng Nghiệp vụ Kiểm toán - ThS. Trần Kim Lộc làm Chủ tịch Hội đồng.

Ban Chủ nhiệm đề tài cho biết, Quản lý nguồn nhân lực công là hoạt động quan trọng của nền hành chính Nhà nước. Hiện nay, trên thế giới có 2 mô hình quản lý cơ bản: Theo ngạch, bậc; nguồn nhân lực theo vị trí việc làm. Trong đó, mô hình quản lý nguồn nhân lực công theo vị trí việc làm được xem là xu thế phát triển của nền công vụ. Tại Việt Nam, mô hình này đang bước đầu được áp dụng và được xem là giải pháp nhằm đẩy mạnh công cuộc cải cách hành chính.

Thực hiện Nghị quyết 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ về việc ban hành chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2020, trong đó đề ra nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2020, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có số lượng, cơ cấu hợp lý, đủ trình độ và năng lực thi hành công vụ, phục vụ nhân dân và phục vụ sự nghiệp phát triển của đất nước; 100% các cơ quan hành chính Nhà nước có cơ cấu cán bộ, công chức theo vị trí việc làm.

Việt Nam nói chung và KTNN nói riêng đang thực hiện mô hình công vụ chức nghiệp lâu năm chuyển sang mô hình công vụ việc làm. Do đó, cần coi trọng quy trình, chất lượng, làm từng bước vững chắc, lộ trình phù hợp và có hướng dẫn khung, đề cương chi tiết để xác định cho những vị trí việc làm ở nhiều cơ quan, địa phương mà tính chất, đặc điểm, yêu cầu công việc, mức độ phức tạp, quy mô công việc tương đương nhau để tránh tình trạng cùng một vị trí việc làm như nhau nhưng mỗi nơi xác định một cách khác nhau.

Bên cạnh đó, KTNN chưa có đề tài nghiên cứu khoa học nào về vấn đề này. Vì vậy, việc nghiên cứu đề tài “Quản lý công chức theo vị trí việc làm tại KTNN - những vấn đề đặt ra và giải pháp” là rất cần thiết.

Theo Ban Chủ nhiệm Đề tài, với mục tiêu trên cơ sở làm rõ cơ sở lý luận về quản lý công chức theo vị trí việc làm, đánh giá thực trạng của KTNN và kinh nghiệm của một số quốc gia, từ đó đưa ra những quan điểm, định hướng và đề xuất những giải pháp có tính khả thi nhằm hoàn thiện quản lý công chức theo vị trí việc làm và nâng cao việc thực hiện cải cách chế độ công vụ, công chức tại KTNN.

Ngoài phần mở đầu và kết luận, Đề tài được kết cấu thành 03 chương: Chương 1 - Những vấn đề tổng quan về vị trí việc làm và quản lý công chức theo vị trí việc làm; Chương 2 - Thực trạng quản lý công chức theo vị trí việc làm ở KTNN hiện nay. Kinh nghiệm quản lý công chức theo vị trí việc làm tại một số quốc gia; Chương 3 - Định hướng và giải pháp hoàn thiện công tác quản lý công chức theo vị trí việc làm tại KTNN.


Tại buổi nghệm thu, các thành viên trong Hội đồng đã đóng góp nhiều ý kiến về nội dung, kết cấu, ý nghĩa lý luận và thực tiễn của đề tài, giúp Ban đề tài chỉnh sửa để nâng cao chất lượng đề tài.

 

Kết luận tại buổi nghiệm thu, ThS. Trần Kim Lộc - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao kết quả của Đề tài “Quản  lý  công  chức  theo  vị  trí  việc  làm  tại  KTNN  - những vấn đề đặt ra và giải pháp”, đồng thời cho rằng Ban Đề tài đã có sự đầu tư nghiên cứu dày công, nghiêm túc và trách nhiệm. Ban Đề tài đã nghiên cứu được 02 nội dung rất ý nghĩa: “Việc quản lý công chức và vị trí việc làm; việc xác định ngạch công chức theo vị trí việc làm”, từ đó chỉ ra được những vấn đề đặt ra và những tồn tại hạn chế đối với KTNN trong giai đoạn hiện nay.

Tuy nhiên, Hội đồng đề nghị Ban đề tài tiếp thu tối đa ý kiến của các thành viên, trong đó cần chỉnh sửa một số nội dung để đảm bảo chất lượng cũng như tính khoa học của đề tài, cụ thể: Trích lược và biên tập lại về kết cấu của đề tài từ 03 Chương xuống 02 Chương để phù hợp với đề cương nghiên cứu.

Đề tài đã được Hội đồng thông qua và xếp loại: Xuất sắc; đạt 85,5 điểm./.

Đinh Trang

Xem thêm »