(sav.gov.vn) - Ngày 10/3/2022, tại Hà Nội, Kiểm toán nhà nước (KTNN) chuyên ngành II phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức triển khai cuộc kiểm toán hoạt động Chương trình mục tiêu Tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư.
![](/noidung/tintuc/PublishingImages/2022/Thang%203/ktt%20ktnn%20chuyen%20ngah%20ii%20le%20dinh%20thang%20phat%20bieu%20tai%20hn_20220311135823.jpg)
Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II Lê Đình Thăng phát biểu ý kiến tại hội nghị
Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II Lê Đình Thăng; Vụ trưởng Vụ Tài chính Bộ NN&PTNT Nguyễn Văn Hà; Vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp Bộ Tài chính Nguyễn Trường Giang và Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế quốc dân Bộ KH@ ĐT tư Đỗ Thanh Trung chủ trì Hội nghị.
Cùng dự còn có Trưởng Đoàn kiểm toán Nông Thị Lịch, Trưởng phòng KTNN chuyên ngành II, các Tổ trưởng, thành viên Đoàn kiểm toán và đại diện lãnh đạo, chuyên viên một số đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính và Bộ KH&ĐT.
Công bố Quyết định số 276/QĐ-KTNN ngày 08/3/2022 của Tổng Kiểm toán nhà nước, bà Nông Thị Lịch, Trưởng Đoàn kiểm toán nêu rõ: Cuộc kiểm toán hoạt động Chương trình mục tiêu Tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư nhằm mục tiêu đánh giá việc thực hiện mục tiêu của Chương trình; tính hiệu lực, hiệu quả trong việc quản lý, sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn vay ưu đãi của Chương trình; xác nhận tính đúng đắn, trung thực của Báo cáo tài chính (nguồn vốn đầu tư, chi phí đầu tư thực hiện) của các dự án; phát hiện những tồn tại, hạn chế, bất cập để kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách, đề xuất giải pháp khắc và xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật.
Theo Kế hoạch kiểm toán được KTNN chuyên ngành II gửi các đơn vị, Chương trình mục tiêu Tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư được phê duyệt tại Quyết định số 923/QĐ-TTg ngày 28/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Cơ quan chủ trì là Bộ NN&PTNT, cơ quan phối hợp là Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính và các địa phương liên quan.Thời gian thực hiện Chương trình từ năm 2016 đến hết năm 2020.
Đối tượng của Chương trình bao gồm: Hạ tầng thiết yếu của các vùng sản xuất tập trung thực hiện chính sách khuyến khích phát triển liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; hạ tầng thiết yếu của các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các vùng trồng trọt và chăn nuôi tập trung quy mô lớn, các vùng sản xuất theo quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm; hạ tầng thiết yếu của các trung tâm giống cây trồng và vật nuôi từ cấp tỉnh trở lên nằm trong quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đầu tư phát triển giống phục vụ mục tiêu nâng cao khả năng cạnh tranh, hiệu quả xuất khẩu...
Chương trình gồm 3 hợp phần, trong đó hợp phần hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp được triển khai ở tất cả các địa phương trong cả nước; hợp phần hỗ trợ phòng chống giảm nhẹ thiên tai và hợp phần hỗ trợ ổn định đời sống dân cư.
Nội dung kiểm toán là việc đánh giá công tác lập, thẩm định, tham mưu phê duyệt Chương trình; công tác tham mưu phân bổ và sử dụng vốn NSNN, vốn ODA có phù hợp với quy định; việc huy động, theo dõi và tổng hợp nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện Chương trình, việc tổ chức, triển khai thực hiện các hợp phần của Chương trình. Kết quả thực hiện các mục tiêu của chương trình và công tác chỉ đạo, quản lý thực hiện Chương trình; đánh giá công tác tham mưu ban hành văn bản, công tác chủ trì, phối hợp giữa Bộ, ngành và địa phương trong việc tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình và đánh giá việc chấp hành quy định của pháp luật về đầu tư đối với các dự án kiểm toán chi tiết.
Cuộc kiểm toán được thực hiện tại 3 Bộ và 9 tỉnh, Thành phố: Cần Thơ, Bến Tre, Tiền Giang, Kiên Giang, Trà Vinh, Lâm Đồng, Phú Yên, Tuyên Quang và Hải Dương, trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày công bố Quyết định kiểm toán.
Đại diện đơn vị được kiểm toán phát biểu ý kiến
Phát biểu tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Tài chính Bộ NN&PTNT Nguyễn Văn Hà bày tỏ sự thống nhất cao với các nội dung của Quyết định kiểm toán cũng như Kế hoạch kiểm toán đã được gửi đến các đơn vị cũng như được đại diện KTNN báo cáo tại Hội nghị. “Cuộc kiểm toán là cơ hội để Bộ NN&PTNT cũng như các đơn vị có liên quan có thể đánh giá được về việc thực hiện nhiệm vụ được giao của mỗi đơn vị trong triển khai Chương trình trên thực tế. Qua kết quả kiểm toán rút ra được những mặt làm được hay những hạn chế để thực hiện tốt hơn các chương trình mục tiêu khác”- Vụ trưởng Nguyễn Văn Hà nhấn mạnh.
Đại diện các đơn vị cũng có những ý kiến trao đổi về công tác phối hợp, công tác chuẩn bị hồ sơ, tài liệu phục vụ hoạt động kiểm toán cũng như cam kết sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với Đoàn kiểm toán để thực hiện có chất lượng cuộc kiểm toán.
Về phía KTNN chuyên ngành II, Kiểm toán trưởng Lê Đình Thăng khẳng định về sự cần thiết của việc triển khai cuộc kiểm toán để có cơ sở đánh giá về công tác quản lý Nhà nước, công tác chỉ đạo điều hành của Chương trình, từ đó có đưa ra được các kết luận, đánh giá về tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực của chính sách.
Đồng chí Kiểm toán trưởng giao Đoàn kiểm toán trên cơ sở Kế hoạch kiểm toán đã được duyệt, cần chi tiết các nội dung và lịch trình làm việc cụ thể; quá trình kiểm toán cần phối hợp chặt chẽ, có trách nhiệm đối với vấn đề, kết luận kiểm toán đưa ra và đảm bảo thực hiện tốt các công tác phòng chống dịch./.
Phương Ngọc