Cân đối ngân sách Nhà nước 2 tháng đầu năm 2022 có thặng dư

12/03/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Theo tin từ Bộ Tài chính, thu ngân sách Nhà nước (NSNN) tháng 2/2022 ước đạt 138,5 nghìn tỷ đồng, trong đó thu nội địa ước đạt 114,6 nghìn tỷ đồng, thu từ dầu thô ước đạt 4,9 nghìn tỷ đồng, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 19 nghìn tỷ đồng.

Thu NSNN 2 tháng đầu năm 2022 tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2021

Thu NSNN 2 tháng đầu năm 2022 tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2021

Lũy kế thu NSNN 2 tháng đầu năm 2022 ước đạt 323,8 nghìn tỷ đồng, bằng 22,9% dự toán, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó: Thu nội địa ước đạt 270,8 nghìn tỷ đồng, bằng 23% dự toán và tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2021; thu từ dầu thô ước đạt xấp xỉ 8,1 nghìn tỷ đồng, bằng 28,6% dự toán, tăng 57,2% so với cùng kỳ năm 2021; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 45 nghìn tỷ đồng, bằng 22,6% dự toán, tăng 29,4% so với cùng kỳ năm 2021.
 
Có 60/63 địa phương thực hiện thu nội địa 2 tháng đầu năm đảm bảo tiến độ dự toán, trong đó 44 địa phương thu đạt trên 20% dự toán; 35/63 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ, 28 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ. Có 8/12 khoản thu đảm bảo tiến độ dự toán, đạt trên 17%, trong đó các khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất - kinh doanh mặc dù đạt khá so dự toán, nhưng thấp hơn so cùng kỳ năm 2021: Thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước đạt 20,4% dự toán, giảm 0,2%; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 22,7% dự toán, giảm 12,8%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 25,8% dự toán, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2021...
 
Tính đến hết tháng 2/2022, toàn ngành Thuế đã thực hiện 3.774 cuộc thanh tra, kiểm tra và kiểm tra 25.767 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế, số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 3.484,65 tỷ đồng, trong đó: Tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 848,58 tỷ đồng; giảm khấu trừ là 129,75 tỷ đồng; giảm lỗ là 2.506,32 tỷ đồng. Tổng số tiền thuế nộp vào NSNN là 505,54 tỷ đồng.
 
Đến 28/2/2022, Cơ quan Hải quan đã thực hiện 11 cuộc thanh tra, kiểm tra gồm 10 cuộc thanh tra chuyên ngành và 1 cuộc kiểm tra nội bộ. Tổng số tiền thuế kiến nghị truy thu là 7,107 tỷ đồng, trong đó số thuế truy thu 6,756 tỷ đồng, xử phạt vi phạm hành chính 351 triệu đồng. Đã nộp NSNN 10,959 tỷ đồng, bao gồm số thu qua công tác thanh tra, kiểm tra năm 2021.
 
Cơ quan Hải quan đã thực hiện 103 cuộc kiểm tra tại trụ sở người khai hải quan; tại trụ sở cơ quan hải quan. Tổng số tiền ấn định thuế và xử phạt vi phạm hành chính là 30,913 tỉ đồng, đã thực thu vào NSNN số tiền là 49,052 tỉ đồng. Đồng thời, chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ, tổng số 896 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 661 tỷ đồng, số thu ngân sách đạt 16,815 tỷ đồng; khởi tố 02 vụ; chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 10 vụ.
  
Bộ Tài chính nhận định, dù hai tháng đầu năm 2022 thu NSNN đạt khá, nhưng đã xuất hiện một số vấn đề tiềm ẩn trong điều kiện tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp; chiến sự Nga – Ukraina leo thang; áp lực giá cả tăng cao, đặc biệt là giá nhiên liệu do Việt Nam vẫn là nước nhập khẩu dầu, ảnh hưởng đến giá thành, chuỗi cung ứng của doanh nghiệp. Bên cạnh đó việc triển khai các giải pháp miễn, giảm, gia hạn thuế để hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội và Nghị định 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ dự kiến sẽ ảnh hưởng lớn đến số thu NSNN trong tháng 3/2022.
 
Tiến độ chi thấp hơn tiến độ thu NSNN

Tổng chi NSNN tháng 2/2022 ước đạt 106,3 nghìn tỷ đồng, lũy kế 2 tháng đầu năm 2022 đạt 228,2 nghìn tỷ đồng, bằng 12,8% dự toán, trong đó: Chi đầu tư phát triển đạt 44,6 nghìn tỷ đồng, mặc dù tăng 89,9% so với cùng kỳ năm 2021, nhưng chỉ đạt 8,5% dự toán Quốc hội quyết định. Nguyên nhân do 02 tháng đầu năm 2022 các Bộ, ngành, địa phương chủ yếu tập trung triển khai phân bổ kế hoạch vốn được giao, kết hợp với thời gian nghỉ Tết Nguyên đán dài, ảnh hưởng đến công tác thực hiện và giải ngân vốn đầu tư.

Chi trả nợ lãi ước đạt gần 30,3 nghìn tỷ đồng 19,6% dự toán; chi thường xuyên ước đạt 163,3 nghìn tỷ đồng, bằng 14,7% dự toán, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2021.
 
Theo Bộ Tài chính, các nhiệm vụ chi NSNN 2 tháng đầu năm 2022 được thực hiện theo dự toán, đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn, chi cho phòng, chống dịch Covid-19, chi trả kịp thời các khoản an sinh xã hội, tạo điều kiện cho nhân dân vui đón Tết cổ truyền. Ngân sách trung ương đã chi từ dự phòng năm 2022 bổ sung cho các địa phương 767 tỷ đồng kinh phí phòng, chống dịch Covid-19, kinh phí hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 và hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh theo quy định. Bên cạnh đó, đã thực hiện xuất cấp 21,48 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để khắc phục hậu quả thiên tai, cứu trợ, cứu đói cho nhân dân cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt đầu năm.
 
Do tiến độ chi thấp hơn tiến độ thu NSNN, nên về tổng thể cân đối NSNN 2 tháng có thặng dư. Bộ Tài chính đã chủ động điều hành việc phát hành trái phiếu Chính phủ để vừa sử dụng có hiệu quả ngân quỹ Nhà nước, vừa đảm bảo nguồn thanh toán, chi trả kịp thời các khoản nợ gốc đến hạn và góp phần định hướng sự phát triển của thị trường, cơ cấu lại nợ công. Lũy kế 2 tháng đã thực hiện phát hành trái phiếu Chính phủ được 32,46 nghìn tỷ đồng.
 
Về rút vốn, trong tháng 2/2022 đã thực hiện rút vốn vay nước ngoài của Chính phủ khoảng 14,3 triệu USD, tương đương 326,97 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm đến 20/2/2022, rút vốn ước đạt khoảng 182,7 triệu USD, tương đương khoảng 4.220,1 tỷ đồng, trong đó cấp phát khoảng 133,6 triệu USD, cho vay lại khoảng 49,2 triệu USD.

Về trả nợ của Chính phủ trong thàng 2/2022 đạt khoảng 10.467 tỷ đồng, trong đó trả nợ trong nước khoảng 8.973 tỷ đồng, trả nợ nước ngoài khoảng 1.495 tỷ đồng. Lũy kế 2 tháng đầu năm trả nợ Chính phủ khoảng 43.821 tỷ đồng, trong đó trả nợ trong nước khoảng 36.139 tỷ đồng; trả nợ nước ngoài 7.681 tỷ đồng; trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 40.470 tỷ đồng, trả nợ cho vay lại khoảng 3.351 tỷ đồng.
 
Quyết liệt các biện pháp để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công

Trong 2 tháng đầu năm 2022, cả nước giải ngân được trên 44.612 tỷ đồng, đạt 8,61% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tỷ lệ này cao hơn so với cùng kỳ năm 2021 (5,09%). Trong đó, vốn trong nước đạt 9,22% (cùng kỳ năm 2021 đạt 5,68%), vốn nước ngoài đạt 0,20% (thấp hơn cùng kỳ năm 2021 là 0,38%).
 

Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện phân bổ vốn chi tiết cho các dự án theo đúng quy định của Thủ tướng Chính phủ

Hiện có 7 Bộ và 20 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 15%. Trong đó, có một số Bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (32,65%), Thái Bình (31,7%), Lai Châu (27,3%).

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, Bộ Tài chính đang tiếp tục đề nghị các Bộ, ngành, địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn năm 2022 khẩn trương thực hiện phân bổ vốn chi tiết cho các dự án theo đúng quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với các dự án chưa đủ điều kiện giao kế hoạch vốn năm 2022 do chưa được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, ngành, địa phương hoàn thiện thủ tục đầu tư, báo cáo cấp có thẩm quyền giao danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho các dự án; thực hiện phân bổ kế hoạch vốn năm 2022 sau khi các dự án đã đủ điều kiện giao vốn theo quy định của pháp luật về đầu tư công và kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ.

Mặt khác thực hiện quyết liệt các biện pháp để thúc đẩy phát triển, tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công và giám sát chặt chẽ, tránh việc dòng vốn này chảy vào các lĩnh vực khác không đúng mục tiêu
 
Trong tháng 3/2022, Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện Đề án đổi mới cơ chế phân cấp, quản lý, phân bổ NSNN để đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương và chủ động của ngân sách địa phương, các cơ quan, đơn vị có liên quan, trình các cấp có thẩm quyền.

Bộ sẽ tiến hành kế hoạch thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh thương mại, điện tử; tiếp tục đẩy mạnh công tác chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản; thực hiện các giải pháp đồng bộ để triển khai giai đoạn 2 thực hiện hóa đơn điện tử cho 57 tỉnh, thành phố kể từ tháng 4/2022, nhằm đảm bảo đến hết 01/07/2022 toàn bộ người nộp thuế sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định của Luật Quản lý thuế, nhằm đẩy nhanh công tác điều hành thu chi ngân sách, thông quan hàng hóa; điều hành, quản lý giá; chống thất thu trong thu thuế bất động sản; chứng khoán; tài chính ngân hàng; quản lý nợ...
 
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ các giải pháp để giữ vững kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát, giữ được bội chi NSNN, nợ công, giữ được các cân đối lớn, đặc biệt là thu - chi NSNN./.
 
Khánh Vy
 

Xem thêm »