Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Trưởng Đoàn giám sát chủ trì buổi làm việc
Tham dự cuộc làm việc có: Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh - Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh – Phó Trưởng Đoàn giám sát cùng các thành viên Đoàn giám sát; Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng và một số chuyên gia. Đại diện KTNN, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh tham dự buổi làm việc. Về phía cơ quan báo cáo tham dự từ các điểm cầu có đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân, Hội đồng nhân dân, Đoàn ĐBQH của 6 địa phương ở các tỉnh phía Bắc và miền Trung.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, Đoàn giám sát đánh giá cao việc gửi báo giám sát đầy đủ, đúng hạn của UBND, Hội đồng nhân dân, Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố. Theo các báo cáo, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy và Thường trực HĐND các địa phương đã chỉ đạo sâu sát công tác quy hoạch nhờ đó đã kịp thời tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc. Mặc dù tiến độ lập các quy hoạch chậm nhưng đến nay nhiều địa phương đã đến bước báo cáo hoặc chuẩn bị báo cáo Hội đồng nhân dân xem xét để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; riêng Bắc Giang và Hà Tĩnh đã trình Thủ tướng Chính phủ. Các địa phương cũng đang lập hoặc đã phê duyệt các đồ án quy hoạch xây dựng vùng tỉnh; đồ án quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù và đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn…
Các địa phương cũng đang thực hiện rà soát, tổ chức lập điều chỉnh quy hoạch đô thị, phân khu đô thị, lập điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng xã và Quy hoạch chi tiết xây dựng trung tâm xã trên địa bàn quận, huyện, thị xã. Tích cực triển khai lập Quy hoạch sử dụng đất 2021 - 2030, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2025; rà soát bãi bỏ các quy hoạch theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch. Tại cuộc làm việc, các thành viên tham dự đã thảo luận, trao đổi với các địa phương về: Căn cứ, tiến độ lập quy hoạch, chất lượng quy hoạch; Việc tích hợp quy hoạch ngành Quốc gia, quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành, chiến lược phát triển của ngành, lĩnh vực để lập quy hoạch Thành phố (tỉnh); Việc lựa chọn nhà đầu tư, tư vấn trong điều chỉnh quy hoạch; Một số vướng mắc trong việc triển khai quy hoạch ở các địa phương; Cách thức xử lý của các địa phương nếu quy hoạch sản phẩm, chuyên ngành có sự chồng chéo...
Toàn cảnh buổi làm việc
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho biết, UBND TP Đà Nẵng đang tích cực triển khai công tác lập quy hoạch thành phố Đà Nẵng, nhằm đảm bảo báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng vào đầu tháng 4/2022 trước khi trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định; Hoàn chỉnh trình Hội đồng nhân dân thành phố thông qua vào kỳ họp giữa năm 2022 và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho rằng, việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư với nội dung của Quy hoạch được xin ý kiến đã phát huy được tính phản biện, vai trò và sự tham gia của cộng đồng trong thực hiện và quản lý Quy hoạch đô thị cùng với chính quyền. Tuy nhiên, trong quy định của pháp luật, các cụm từ “cá nhân có liên quan”, “đại diện cộng đồng dân cư” và “cộng đồng dân cư” cần phải xác định rõ, có khảo sát để xác định phạm vi cần lấy ý kiến cộng đồng phù hợp với tính chất từng đồ án quy hoạch, bảo đảm công khai, minh bạch, lợi ích hài hòa giữa quy hoạch và cộng đồng.
Đánh giá, làm rõ những kết quả làm được, kinh nghiệm trong quá trình tổ chức lập quy hoạch, tiến độ lập quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn cho biết, Hà Tĩnh triển khai lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 từ đầu năm 2018. Mặc dù quá trình lập quy hoạch gặp nhiều khó khăn do nội dung, phương pháp lập quy hoạch tỉnh khác nhiều so với quy hoạch tổng thể trước đây, đồng thời là một trong những tỉnh đầu tiên thực hiện nên chưa có địa phương nào đi trước để học hỏi, tham khảo. Nhưng với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành, Hội đồng nhân dân, sự tập trung cao của các sở, ban, ngành, địa phương và đơn vị tư vấn nên đến nay Hà Tĩnh đã hoàn thành lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, thời gian qua, tại Hà Tĩnh còn có sự chồng chéo giữa quy hoạch ngành với quy hoạch xây dựng, nhất là giữa quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch xây dựng. Để góp phần khắc phục tình trạng này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Xây dựng rà soát các quy định pháp luật về đất đai và pháp luật về xây dựng để tham mưu, điều chỉnh thống nhất tên gọi và quy cách thể hiện các loại đất và thời kỳ lập quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch.
Cũng tại cuộc làm việc, Tp.Hải Phòng, các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Quảng Bình cũng đã có trả lời các đại biểu Quốc hội, đoàn giám sát xung quanh mối liên hệ, phối hợp giữa quy hoạch tỉnh, vùng và quy hoạch quốc gia; những vướng mắc trong việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở địa phương; tác động của việc bãi bỏ các quy hoạch hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện sau khi khu vực biển đã được đưa vào quy hoạch tỉnh...
Phát biểu kết luận tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Trưởng Đoàn giám sát ghi nhận nỗ lực của các địa phương trong việc tổ chức thực hiện lập quy hoạch. “Trước những khó khăn, thách thức lớn như dịch Covid-19 bùng phát và tiếp tục kéo dài, nhiều hoạt động bị đình trệ; Phương pháp và cách thức tiếp cận quy hoạch mới; Chính sách pháp luật về quy hoạch cũng còn những hạn chế nhất định… Nhưng các địa phương đã có nhiều cố gắng để thực hiện nhiệm vụ với khối lượng công việc đã thực hiện tương đối nhiều ” - Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, qua làm việc với các địa phương là nơi trực tiếp tổ chức thực thi chính sách cho thấy thêm những bất cập của hệ thống chính sách, pháp luật về quy hoạch như một số quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu thống nhất; các văn bản hướng dẫn luật hoặc chậm ban hành hoặc thiếu; nhiều nội dung cần hướng dẫn cụ thể hơn.
Đoàn giám sát ghi nhận và sẽ nghiên cứu: Các kiến nghị của các địa phương, trong đó kiến nghị chung là đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương khẩn trương xây dựng các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, tránh tình trạng mâu thuẫn, không phù hợp giữa các quy hoạch dẫn đến việc quy hoạch tỉnh phải điều chỉnh sau khi quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng được phê duyệt; Sửa đổi, bổ sung hoặc dừng thi hành những nội dung quy định trong các văn bản hướng dẫn không phù hợp với quy định của pháp luật về Quy hoạch và các các quy định còn chưa thống nhất, đầy đủ giữa pháp luật về đất đai, quy hoạch đô thị, xây dựng; Quy trình và nguồn vốn bố trí cho công tác quy hoạch nhất là quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành cấp tỉnh chưa rõ; Cơ sở dữ liệu thông tin chưa hoàn thiện; quy hoạch phân khu, điều chỉnh cục bộ đối với quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết trong quy hoạch nông thôn còn bất cập; Nhiều nội dung quy hoạch ngành còn chồng chéo với quy hoạch xây dựng nhất là quy hoạch sử dụng đất của ngành tài nguyên; Chưa có quy hoạch dự án nông nghiệp, một số dự án khác ngoài đô thị; Thời kỳ, tầm nhìn giữa các quy hoạch chưa thống nhất.
Đoàn Giám sát ghi nhận các kiến nghị về các nội dung của Luật Quy hoạch như: Phương pháp tích hợp, mức độ tích hợp của quy hoạch tỉnh; Vấn đề bảo đảm bí mật khi xác định khu quân sự, khu vực an ninh trong quy hoạch tỉnh; Tính hợp lý của việc bãi bỏ quy hoạch sản phẩm; Cách lập “quy hoạch đúng dần”; Cách thức phối hợp trong việc lập các quy hoạch; Cách điều chỉnh giữa các quy hoạch cũng cấp; Việc phân cấp, phân quyền và thẩm quyền phê duyệt các quy hoạch… Các nội dung trên Đoàn sẽ tổng hợp, làm việc trao đổi cụ thể với lãnh đạo Chính phủ trong cuộc họp dự kiến vào 30/3/2022.
Đoàn giám sát đề nghị các địa phương: Bổ sung đầy đủ các nội dung còn thiếu trong báo cáo theo ý kiến các thành viên Đoàn giám sát đã nêu; Quá trình lập quy hoạch cần ứng dụng công nghệ hiện đại, số hóa, thông tin, cơ sở dữ liệu trong quá trình lập quy hoạch; Đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật và phù hợp với yêu cầu phát triển, phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế; Tập hợp đầy đủ các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị cụ thể giải pháp để tháo gỡ. Lưu ý các kiến nghị để hoàn thiện các Luật, các văn bản hướng dẫn, việc tích hợp quy hoạch, các quy định liên quan đến lựa chọn tư vấn lập quy hoạch…
Đoàn giám sát đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu các báo cáo của địa phương, các ý kiến tham gia hôm nay để trao đổi làm việc cụ thể với các địa phương và các Bộ, ngành liên quan, xem xét các vướng mắc của các địa phương; giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết nếu vượt thẩm quyền./.
Ngọc Bích
