Tháo gỡ vướng mắc trong kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương

31/03/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Năm 2022, KTNN khu vực IX được Tổng Kiểm toán nhà nước giao thực hiện 10 cuộc kiểm toán, trong đó có 4 cuộc kiểm toán NSĐP và báo cáo quyết toán NSĐP năm 2021 của tỉnh An Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Trà Vinh và 1 cuộc kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP năm 2021 của tỉnh Vĩnh Long.

Thực tế cho thấy, với tính chất phức tạp do liên quan đến nhiều lĩnh vực và nhiều đối tượng được kiểm toán, các cuộc kiểm toán ngân sách địa phương (NSĐP) và báo cáo quyết toán NSĐP vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc khi thực hiện, rất cần các giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
 
Khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện kiểm toán

Qua nghiên cứu Đề cương và kinh nghiệm kiểm toán đối với cuộc kiểm toán NSĐP, KTNN khu vực IX nhận thấy, các cuộc kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc khi thực hiện. Cụ thể, theo quy định tại Nghị định số 163/2016/NĐ-CP của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật NSNN, UBND cấp tỉnh gửi Bộ Tài chính, KTNN báo cáo quyết toán NSĐP trước ngày 01/10 năm sau. Do đó, việc cung cấp số liệu quyết toán trước thời điểm ngày 01/10 của năm kiểm toán thường phải thay đổi nhiều lần làm ảnh hưởng đến tiến độ kiểm toán. Mặt khác, việc kiểm toán sau thời điểm ngày 01/10 gây khó khăn cho công tác phát hành báo cáo kiểm toán để đảm bảo phục vụ HĐND cấp tỉnh phê chuẩn báo cáo quyết toán NSĐP (trước ngày 31/12 năm sau).

Công tác tổng hợp báo cáo quyết toán của 3 cấp ngân sách (tỉnh, huyện, xã) được triển khai với rất nhiều đơn vị thực hiện khác nhau, dẫn đến việc thu thập thông tin về hệ thống kiểm soát, đánh giá rủi ro, chọn mẫu kiểm toán gặp nhiều khó khăn, khác với việc kiểm toán báo cáo quyết toán tại 1 đơn vị.

Việc tổng hợp sai sót của một đơn vị được kiểm toán khó có thể nhân rộng ra cho các đơn vị còn lại do việc quản lý, sử dụng, quyết toán ngân sách được điều hành và thực hiện bởi những người có thẩm quyền khác nhau trong hệ thống kiểm soát nội bộ khác nhau. Từ đó, việc ý kiến về tính đúng đắn, trung thực của báo cáo quyết toán NSĐP của một tỉnh rất khó thực hiện.

Cuộc kiểm toán NSĐP và cuộc kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP chưa có sự phân định rõ về mục tiêu. Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS) cung cấp thông tin nhanh, chính xác về tình hình thực hiện NSNN ở mọi thời điểm; đảm bảo sự đồng bộ về dữ liệu thu, chi NSNN giữa Kho bạc Nhà nước và các cơ quan tài chính, thuế, hải quan... Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, KTNN chưa tập huấn và hướng dẫn việc khai thác sử dụng phần mềm TABMIS để phục vụ công tác kiểm toán được hiệu quả hơn.

Công tác phối hợp giữa các phòng, ban trong nội bộ sở, ngành, giữa các cơ quan tổng hợp (Thuế, Tài chính, Kho bạc Nhà nước, Sở Kế hoạch và Đầu tư...) chưa chặt chẽ làm ảnh hưởng đến việc tổng hợp, đối chiếu số liệu kiểm toán. Các đơn vị được kiểm toán chậm cung cấp hồ sơ tài liệu gây khó khăn cho việc nghiên cứu, tiếp cận hồ sơ kiểm toán.
 
Các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, các vụ tham mưu sớm rà soát và tham mưu cho lãnh đạo KTNN ban hành Đề cương hướng dẫn thực hiện kiểm toán tổng hợp báo cáo quyết toán NSĐP; đồng thời, nghiên cứu hướng dẫn việc xác định mục tiêu của cuộc kiểm toán NSĐP và cuộc kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP nhằm giảm rủi ro kiểm toán.

Công tác tham mưu xây dựng phương án tổ chức kiểm toán hằng năm cần ưu tiên sắp xếp các cuộc kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP vào đợt cuối, thời điểm các địa phương đã cơ bản hoàn thành xong báo cáo quyết toán NSĐP, bố trí thời gian kiểm toán ngắn ngày hơn so với cuộc kiểm toán NSĐP; ưu tiên lựa chọn các kiểm toán viên có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng kiểm toán lĩnh vực NSĐP và tổng hợp số liệu.

KTNN cần tổ chức tốt công tác tập huấn, trao đổi kinh nghiệm về hướng dẫn phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro, giúp kiểm toán viên nắm bắt, áp dụng vào thực tiễn một cách hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, kiểm toán viên cần được đào tạo, tập huấn về kỹ năng khai thác phần mềm TABMIS tại các cơ quan tài chính tổng hợp cũng như kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, truy cập dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán và các đơn vị có liên quan đến hoạt động quản lý điều hành, thu chi NSNN.

Lãnh đạo KTNN khu vực tăng cường mối quan hệ trao đổi với HĐND và UBND tỉnh; trong đó đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo cơ quan chuyên môn lập báo cáo quyết toán NSĐP chính thức sớm hơn so với quy định của Luật NSNN hiện hành gửi về KTNN khu vực. Từ đó, các đoàn kiểm toán có cơ sở đánh giá và xác nhận số liệu báo cáo quyết toán NSĐP hỗ trợ HĐND tỉnh trong việc phê chuẩn báo cáo quyết toán NSĐP, giúp UBND tỉnh nâng cao chất lượng quản lý điều hành ngân sách ngày càng tốt hơn.

Lãnh đạo KTNN cần đề xuất Bộ Tài chính tăng cường Quy chế phối hợp khai thác và quản lý sử dụng thông tin, dữ liệu giữa KTNN khu vực với Sở Tài chính, Cục Thuế và Kho bạc Nhà nước tỉnh để phục vụ công tác khảo sát thu thập thông tin lập dự thảo kế hoạch kiểm toán tổng quát và thực hiện kiểm toán được thuận lợi, hiệu quả và chất lượng hơn.

KTNN khu vực IX
(Báo Kiểm toán số 13/2022)

Xem thêm »