Kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương (NSĐP) có rất nhiều nội dung, các nội dung này gắn liền với việc lập, phân bổ, giao dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách. Trong điều kiện thời gian kiểm toán không nhiều, nhân sự hạn chế, đoàn kiểm toán phải lựa chọn những nội dung trọng tâm để đạt được mục tiêu và hiệu quả kiểm toán.

Đoàn kiểm toán lựa chọn những nội dung trọng tâm khi kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP
Nội dung kiểm toán trọng tâm
Qua thực tiễn kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP hằng năm của các địa phương, KTNN khu vực XII nhận thấy, khi kiểm toán, đoàn kiểm toán cần lưu ý đến việc địa phương ban hành các chế độ, chính sách trái hoặc cao hơn so với quy định của Nhà nước, làm giảm nguồn thu hoặc ban hành các chính sách chi nhưng không có nguồn đảm bảo…
Kiểm toán thu NSNN cần chú trọng: Việc kê khai thuế của DN; công tác thanh tra, kiểm tra thuế của cơ quan thuế đối với người nộp thuế; công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế của cơ quan thuế; công tác quản lý các khoản thu từ đất và các khoản thu liên quan đến tài nguyên, trong đó lưu ý việc miễn giảm tiền thuê đất trong thời gian chậm làm thủ tục miễn giảm tiền thuê đất và khai thác tài nguyên vượt công suất, sai giấy phép khai thác khoáng sản nhưng không bị xử phạt vi phạm hành chính và kê khai thiếu thuế phải nộp…
Khi kiểm toán tại cơ quan đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Tài chính - Kế hoạch) và các chủ đầu tư, đoàn kiểm toán cần tập trung đánh giá: Việc lập, phê duyệt, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm; việc điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án; công tác ứng trước dự toán và thu hồi vốn ứng trước; việc bố trí tiền sử dụng đất, nguồn thu xổ số kiến thiết để xây dựng nông thôn mới, các công trình kết cấu hạ tầng; quản lý và sử dụng các khoản vay bù đắp bội chi NSĐP; công tác đấu thầu, quản lý chi phí đầu tư, chất lượng công trình, gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng, tạm ứng, thanh toán vốn đầu tư của các chủ đầu tư.
Kiểm toán tại cơ quan tài chính (Sở Tài chính, Phòng Tài chính - Kế hoạch), đoàn kiểm toán cần làm rõ một số nội dung: Việc phân bổ và giao dự toán cho ngân sách cấp dưới nhất là năm đầu tiên của thời kỳ ổn định và các đơn vị dự toán cấp 1 có vượt định mức được HĐND cấp tỉnh, cấp huyện ban hành; có tình trạng giao kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ do kinh phí tự chủ đảm nhận thành kinh phí không tự chủ hay không. Hằng năm, ngân sách cấp trên có đảm bảo nguồn để tăng nguồn bổ sung cân đối cho ngân sách cấp dưới. Việc bổ sung mục tiêu cho ngân sách cấp dưới có đảm bảo quy định tại Điều 40 Luật NSNN, ngân sách cấp dưới sử dụng và nộp trả kinh phí thừa như thế nào. Các khoản chi chuyển nguồn sang năm sau có đảm bảo điều kiện theo quy định, có hay không tình trạng “chạy nguồn” để giảm kết dư ngân sách cấp tỉnh nhằm tránh việc trả nợ chính quyền địa phương và trích lập Quỹ dự trữ tài chính theo quy định tại khoản 1, Điều 72 Luật NSNN. Việc cấp kinh phí chi thường xuyên để duy tu, bảo dưỡng, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp tài sản có đảm bảo theo quy định của Bộ Tài chính. Việc trích lập và sử dụng nguồn cải cách tiền lương của địa phương như thế nào. Công tác điều hành ngân sách trong điều kiện tăng hoặc hụt thu NSĐP. Sử dụng dự phòng ngân sách có đảm bảo theo quy định, nhất là để hỗ trợ ngân sách cấp dưới trong khi ngân sách cấp dưới chưa sử dụng hết dự phòng của ngân sách cấp mình. Việc hoàn trả các khoản tạm ứng, ứng trước dự toán năm sau từ ngân sách cấp trên được thực hiện ra sao.
Một nội dung quan trọng nữa là thông qua kiểm toán việc lập báo cáo tài chính, KTNN cần làm rõ khả năng đảm bảo lành mạnh, bền vững, cân đối giữa nguồn hiện có với nợ phải trả của nền tài chính địa phương, tránh tình trạng NSĐP mất khả năng cân đối nguồn.
Các KTNN khu vực cũng cần tăng cường kiểm toán các đơn vị dự toán cấp 1 của ngân sách tỉnh có quản lý, sử dụng nguồn kinh phí không tự chủ lớn để phát hiện các sai phạm như: Sử dụng sai nguồn, sai chế độ, định mức…
Một số vấn đề đặt ra
Từ những nội dung kiểm toán trọng tâm trên, theo KTNN khu vực XII, một số vấn đề cần được đặt ra đối với kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP. Theo đó, trong quá trình kiểm toán, KTNN khu vực cần tổng hợp và lưu ý các hạn chế, bất cập của đơn vị được kiểm toán đã được phát hiện trong các năm trước, bởi đây thường là các trọng yếu mà các địa phương thường mắc phải trong quá trình lập, chấp hành và quyết toán ngân sách.
Việc xử lý sai phạm phải căn cứ vào quy định của Luật NSNN và các văn bản pháp luật có liên quan. Các kết luận, kiến nghị của KTNN cần phải có sự thống nhất, mang tính xây dựng, phù hợp với thực tiễn của địa phương, có tính khả thi cao.
Nâng cao hơn nữa tính hiệu lực của các kiến nghị kiểm toán, nhất là các kiến nghị “chấn chỉnh, kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong quản lý, điều hành NSĐP”, tránh tình trạng các hạn chế này liên tục xảy ra hằng năm nhưng không được địa phương khắc phục. Nếu địa phương tiếp tục lặp lại hạn chế này thì đoàn kiểm toán cần kiến nghị “kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong quản lý, điều hành NSĐP” thay vì kiến nghị chấn chỉnh, rút kinh nghiệm.
Các KTNN khu vực cần tăng cường hơn nữa mối quan hệ với các cơ quan của Đảng (Thường trực Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy…), HĐND cấp tỉnh để phối hợp xử lý các hạn chế mà KTNN đã phát hiện và kiến nghị, góp phần khắc phục những hạn chế xảy ra liên tục tại các địa phương qua các năm./.
KTNN khu vực XII
(Báo Kiểm toán số 13/2022)