Những điểm khác biệt giữa kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP và kiểm toán NSĐP

31/03/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Việc hoàn thiện và ban hành Hướng dẫn kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương (NSĐP) sẽ tạo sự thống nhất trong tổ chức thực hiện cuộc kiểm toán này đối với toàn Ngành. Trong đó, Hướng dẫn phải giúp kiểm toán viên nhận diện rõ những điểm khác biệt của kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP so với các cuộc kiểm toán NSĐP.

Hướng dẫn phải giúp Kiểm toán viên thấy được những điểm khác biệt của kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP so với các cuộc kiểm toán NSĐP

Thực tiễn cho thấy, việc xác nhận báo cáo quyết toán NSĐP trong cuộc kiểm toán NSĐP vẫn còn nhiều khó khăn, chưa thống nhất. Trong khi đó, yêu cầu đặt ra đối với KTNN là cần có cách tiếp cận mới để xác nhận quyết toán NSNN, tiến tới kiểm toán thường niên đối với các báo cáo quyết toán NSĐP. Do đó, việc xây dựng các hướng dẫn kiểm toán để tập trung xác nhận báo cáo quyết toán NSNN là cấp thiết nhằm: Rút ngắn thời gian kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN, đáp ứng yêu cầu của Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 và Luật NSNN; làm rõ khuôn khổ pháp lý để xác nhận báo cáo quyết toán NSĐP, tạo sự thống nhất trong thực hiện đối với các đoàn kiểm toán.

Năm 2021, KTNN đã ban hành Hướng dẫn kiểm toán tổng hợp báo cáo quyết toán NSĐP và thực hiện thí điểm 2 cuộc kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP. Đây là cơ sở để KTNN hoàn thiện Hướng dẫn kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP và mở rộng thực hiện trong năm 2022. Trong đó, Hướng dẫn này phải giúp kiểm toán viên thấy được những điểm khác biệt của kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP so với các cuộc kiểm toán NSĐP.
 
Mục tiêu kiểm toán

Kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP không phải là một loại hình kiểm toán mới so với kiểm toán NSĐP. Trong đó, kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP có mục tiêu chính là xác nhận tính trung thực, hợp lý của số liệu báo cáo quyết toán NSĐP niên độ được kiểm toán của tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư. Ngoài ra, qua kiểm toán, KTNN đánh giá việc tuân thủ Luật NSNN, nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, HĐND, văn bản pháp luật trong quản lý và điều hành ngân sách của địa phương; hiệu lực quản lý, điều hành NSĐP của UBND tỉnh đối với năm được kiểm toán. Đồng thời, qua kiểm toán, KTNN phát hiện những hạn chế trong quản lý, điều hành NSNN để kiến nghị biện pháp khắc phục, hoàn thiện từ cơ chế, chính sách đến tổ chức quản lý, thực hiện; cung cấp thông tin, số liệu tin cậy cho HĐND làm căn cứ phê chuẩn quyết toán NSĐP và các cơ quan có thẩm quyền thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát quá trình quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Việc đặt ra mục tiêu xác nhận báo cáo quyết toán NSĐP trong điều kiện không đặt mục tiêu “đánh giá việc tuân thủ pháp luật, tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công” là việc vận dụng linh hoạt Chuẩn mực KTNN trong điều kiện đặc thù của quản lý ngân sách. Trong đó, Chuẩn mực KTNN số 1700 quy định việc xác nhận báo cáo tài chính được thực hiện thông qua: Kết quả đánh giá các quy định về lập và trình bày báo cáo tài chính; sự đảm bảo hợp lý về việc báo cáo tài chính, xét trên phương diện tổng thể, không có các sai sót trọng yếu do gian lận hoặc nhầm lẫn. Song, do đặc thù báo cáo quyết toán NSĐP về bản chất là báo cáo tổng hợp số liệu quản lý và sử dụng ngân sách tại các đơn vị nên yếu tố tác động lớn đến tính trung thực, hợp lý của báo cáo quyết toán NSĐP là công tác tổng hợp, lập báo cáo từ các đơn vị dự toán, các cấp ngân sách trực thuộc NSĐP.

Bên cạnh đó, thực tiễn kiểm toán cho thấy, các phát hiện kiểm toán trọng yếu trong kiểm toán NSĐP chủ yếu từ kiểm toán tổng hợp tại các cơ quan quản lý tài chính tổng hợp của địa phương; các phát hiện kiểm toán đối với công tác quản lý, sử dụng ngân sách chủ yếu được phát hiện thông qua các cuộc kiểm toán chuyên đề, kiểm toán dự án, chương trình theo các lĩnh vực hẹp. Do đó, để giảm thời gian kiểm toán, các đoàn kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP nên chỉ tập trung vào việc xác nhận báo cáo quyết toán; việc đánh giá tính tuân thủ pháp luật, tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công mục tiêu sẽ được thực hiện trong các cuộc kiểm toán chuyên đề, dự án, kiểm toán hoạt động độc lập với cuộc kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP.
 
Phạm vi và giới hạn cuộc kiểm toán

Với mục tiêu kiểm toán trên, phạm vi cuộc kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP được xác định như sau: Đối với đơn vị được kiểm toán, chỉ kiểm toán công tác quản lý và điều hành ngân sách của địa phương tại các cơ quan quản lý thu, chi ngân sách (Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế, Cục Hải quan) và cơ quan có chức năng kế toán ngân sách (Kho bạc Nhà nước); chỉ kiểm tra, đối chiếu số liệu báo cáo quyết toán NSĐP của một số huyện (thị xã, thành phố), các đơn vị dự toán cấp tỉnh để so sánh, đối chiếu với báo cáo quyết toán NSĐP của tỉnh.

Về giới hạn kiểm toán, KTNN không thực hiện: Đánh giá công tác quản lý và điều hành của các cấp chính quyền huyện, xã và các đơn vị dự toán; kiểm toán chi tiết dự án; kiểm toán công tác quản lý tài sản công của địa phương; kiểm toán báo cáo quyết toán của cấp huyện, xã, các đơn vị dự toán và các ban quản lý dự án, các DN có vốn nhà nước.
 
Nội dung kiểm toán

Để phù hợp với tình hình thực tiễn, nội dung kiểm toán được chia làm 2 trường hợp. Trường hợp thứ nhất, trong năm, KTNN đã thực hiện riêng cuộc kiểm toán NSĐP, tuy nhiên, kết thúc thời gian kiểm toán, địa phương chưa lập được báo cáo quyết toán nên đoàn kiểm toán chưa xác nhận được báo cáo quyết toán NSĐP. Trường hợp thứ hai, trong năm, KTNN chưa thực hiện riêng cuộc kiểm toán NSĐP. Đối với mỗi trường hợp, KTNN sẽ có hướng dẫn cụ thể, chi tiết về nội dung kiểm toán để thống nhất thực hiện trong toàn Ngành./.

Lê Hoài Nam – Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp
(Báo Kiểm toán số 13/2022)

 
 

Xem thêm »