Tổng thu ngân sách Nhà nước quý I/2022 đạt 460,6 nghìn tỷ đồng, tăng 7,7% so cùng kỳ năm 2021

07/04/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Bộ Tài chính cho biết, tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) tháng 3/2022 ước đạt 132,58 nghìn tỷ đồng, lũy kế thu quý I/2022 đạt 460,6 nghìn tỷ đồng, bằng 32,6% dự toán, tăng 7,7% so cùng kỳ năm 2021.

Thu NSNN quý I/2022 tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2021

Thu từ nội địa, dầu thô và hoạt động xuất nhập khẩu đều tăng

Cụ thể: Thu nội địa tháng 3/2022 ước đạt 105 nghìn tỷ đồng, bằng 92,5% số thu tháng2/2022. Lũy kế thu nội địa quý I ước đạt 375,2 nghìn tỷ đồng, bằng 31,9% dự toán, tăng 4% so cùng kỳ năm 2021, trong đó có 9/12 khoản thu nội địa tiến độ đạt khá, trên 25% dự toán.

Thu từ dầu thô tháng 3/2022 ước đạt 5,2 nghìn tỷ đồng; luỹ kế thu từ dầu thô quý I/2022 đạt 14,7 nghìn tỷ đồng, bằng 52,3% dự toán, tăng 67,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Thu cân đối từ hoạt động xuất - nhập khẩu tháng 3 ước đạt 22,38 nghìn tỷ đồng; luỹ kế thu từ hoạt động xuất nhập khẩu quý I/2022 đạt 70,6 nghìn tỷ đồng, bằng 35,5% dự toán, tăng 23,3% so cùng kỳ năm 2021.

Tuy nhiên, các khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất - kinh doanh, mặc dù đạt khá so dự toán, nhưng vẫn thấp hơn so cùng kỳ năm 2021: Thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước đạt 27,5% dự toán, giảm 2%; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 30% dự toán, giảm 10,5%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 34% dự toán, giảm 4,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Một số khoản thu có tăng trưởng so cùng kỳ năm 2021 như: Thuế thu nhập cá nhân tăng 20,7%, chủ yếu nhờ tăng thu từ các hoạt động chuyển nhượng bất động sản, chứng khoán...; thuế bảo vệ môi trường tăng 7,1% do lượng tiêu thụ xăng dầu trong quý I/2022 tăng; lệ phí tăng 4,7% nhờ tăng thu lệ phí trước bạ ô tô sản xuất lắp ráp trong nước, lệ phí trước bạ chuyển nhượng nhà đất; thu tiền cho thuê đất tăng 26,9%; thu tiền sử dụng đất tăng 21% so cùng kỳ năm 2021...

Có 3 khoản thu tiến độ đạt thấp là: Thu cấp quyền khai thác khoáng sản đạt 17,4% dự toán; thu quỹ đất công ích và hoa lợi công sản khác đạt 22,5%; thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước đạt 22,8% dự toán, chủ yếu do chưa phát sinh thu tiền bán vốn NSNN đầu tư tại các doanh nghiệp.

Ước tính cả nước có 59/63 địa phương thực hiện thu nội địa quý I/2022 đảm bảo tiến độ dự toán trên 25%; 33/63 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ năm 2021, 30 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ.

Hoạt động xuất - nhập khẩu tháng 3 tiếp tục tăng trưởng tích cực; luỹ kế kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hoá quý I đạt khoảng 176,35 tỷ USD, tăng 14,4% so cùng kỳ năm 2021, trong đó các mặt hàng chủ yếu đóng góp số thu lớn cho ngân sách tăng mạnh như: Dầu thô xuất khẩu, dầu thô nhập khẩu, xăng dầu nhập khẩu và các mặt hàng nguyên liệu dệt, may, da giày, điện thoạt, linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử nhập khẩu...

Theo nhận định của Bộ Tài chính, dù có nhiều khoản thu đạt tiến độ khá, nhưng diễn biến số thu nội địa đã phản ánh sát tình hình kinh tế - xã hội 3 tháng đầu năm vẫn còn khó khăn; dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca mắc Covid-19 tăng trở lại ở nhiều địa phương; kết hợp với ảnh hưởng tiêu cực của cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine đẩy giá dầu và giá một số nguyên liệu đầu vào tăng cao.

Đồng thời, việc triển khai các giải pháp miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất hỗ trợ doanh nghiệp và người dân đã ảnh hưởng đến số thu ngân sách trong quý I/2022 và những tháng tới. Ước tính đến hết quý I/2022, tổng số thuế được miễn, giảm để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân theo quy định khoảng 9 nghìn tỷ đồng.
 
Quý I/2022, Ngành Thuế thu 389.320 tỷ đồng, bằng 105% so với cùng kỳ năm 2021

Trong quý I/2022, tổng thu NSNN do cơ quan thuế quản lý ước đạt 389.320 tỷ đồng, bằng 33,1% so với dự toán pháp lệnh, bằng 105,3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó thu nội địa ước đạt 374.581 tỷ đồng, bằng 32,7% so với dự toán, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2021. Thu từ dầu thô ước đạt 14.739 tỷ đồng, bằng 52,3% so với dự toán, tăng 67,6% so với cùng kỳ.
 

Ngành Thuế chú trọng đẩy nhanh thời gian giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính thuế

Tổng cục Thuế nhận định, thu ngân sách quý I/2022 đạt khá về tiến độ thực hiện dự toán và tăng so cùng kỳ là do tình hình dịch bệnh trên cả nước tiếp tục được kiểm soát, hoạt động sản xuất kinh doanh hồi phục. Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã và đang phát huy tác dụng tốt, các doanh nghiệp đã có sự tăng tốc hoạt động sản xuất kinh doanh. Số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong quý I/2022 tăng 36,7% so với cùng kỳ năm trước, bình quân một tháng có 20 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động; tổng vốn đăng ký vào nền kinh tế tăng 21%, trong đó vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động tăng 34,5%.

Khu vực dịch vụ trong quý I/2022 tăng trưởng khởi sắc khi nhiều hoạt động dịch vụ sôi động trở lại. Đóng góp của một số ngành dịch vụ thị trường có tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của quý I/2022: Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,75% so với cùng kỳ năm trước; ngành vận tải, kho bãi tăng 7,06%; ngành bán buôn và bán lẻ tăng 2,98%.

Bên cạnh việc các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh và đóng góp lớn cho NSNN thì có được kết quả trên là do ngành thuế đã triển khai đồng bộ các giải pháp tăng cường công tác quản lý thu NSNN; kiểm tra, rà soát số lượng doanh nghiệp đăng ký kinh doanh trên địa bàn để đưa vào quản lý thuế; kiểm soát chặt chẽ hoàn thuế giá trị gia tăng.

Tính đến ngày 14/03/2022, toàn ngành Thuế đã thực hiện được 4.890 cuộc thanh, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế và kiểm tra được 90.503 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế, bằng 113,32% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 4.255 tỷ đồng trong đó: tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 1.050,2 tỷ đồng; giảm khấu trừ là 237,8 tỷ đồng; giảm lỗ là 2.967,1 tỷ đồng.

Trong 3 tháng năm 2022, toàn ngành Thuế đã thu được 7.250 tỷ đồng tiền nợ thuế. Cơ quan thuế các cấp đã thực hiện xử lý khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền chậm nộp không còn khả năng nộp NSNN theo Nghị quyết 94/2019/QH14 ước đạt 150 tỷ đồng.

Kể từ tháng 4/2022, Tổng cục Thuế tiếp tục rà soát để nắm bắt từng nguồn thu, sắc thuế chi tiết đến từng tháng, từng khu vực, sắc thuế để đánh giá dự báo sát diễn biến, tình hình thu, lên phương án điều hành ngân sách cho phù hợp. Đặc biệt trong bối cảnh từ 1/4/2022, thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn giảm 50% và giảm 70% đối với mặt hàng dầu hỏa sẽ làm nguồn thu ngân sách giảm trên 20.000 tỷ đồng.

Đối với công tác quản lý nợ, Tổng cục Thuế yêu cầu cơ quan Thuế các cấp chủ động phân tích nguyên nhân từng khoản nợ thuế, tính chất nợ tại các địa phương để Tổng cục Thuế có giải pháp xử lý, thu hồi nợ thuế hiệu quả; tận dụng tối đa các ứng dụng công nghệ thông tin sẵn có, đẩy nhanh tiến độ xử nợ và chủ động đề xuất phương án tháo gỡ kịp thời; sớm tổ chức sơ kết đánh giá tình hình, kết quả triển khai thực hiện xử lý khoanh nợ, xóa nợ theo Nghị quyết số 94 của Quốc hội; các Cục Thuế khẩn trương hoàn thành các cuộc thanh kiểm tra còn tồn từ năm 2021 chuyển sang và triển khai thực hiện thanh kiểm tra theo kế hoạch năm 2022 đã được phê duyệt, đồng thời tổ chức triển khai thực hiện thanh, kiểm tra theo chuyên đề hoàn thuế giá trị gia tăng đối với các doanh nghiệp rủi ro cao về thuế.

Tổng cục Thuế hiện đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ cấp bách để triển khai Đề án hóa đơn điện tử (HĐĐT) giai đoạn 2 trên phạm vi cả nước dự kiến sẽ khai trương và áp dụng vào giữa tháng 4/2022.

Quý I/2022, toàn ngành Hải quan đã thu nộp NSNN đạt 108.790 tỷ đồng, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2021

Trong quý I/2022, toàn ngành Hải quan đã thu nộp NSNN đạt 108.790 tỷ đồng, bằng 30,9% dự toán, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2021. Theo số liệu sơ bộ, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đến ngày 31/3/2022 đạt 176,83 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, trị giá xuất khẩu đạt 89,06 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2021 và trị giá nhập khẩu đạt 87,77 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu có thuế đến ngày 31/3 đạt 36 tỷ USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu đạt 2,17 tỷ USD, tăng 42,8% và kim ngạch nhập khẩu đạt 33,8 tỷ USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2021. Với diễn biến tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tăng nên trong quý I/2022, toàn ngành Hải quan đã thu nộp ngân sách nhà nước đạt 108.790 tỷ đồng, bằng 30,9% dự toán, 29,4% phấn đấu, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2021.
 
Ngành Hải quan đẩy mạnh công tác phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại, tăng nguồn thu cho NSNN

Theo đánh giá của Tổng cục Hải Quan, trong quý I/2022 các doanh nghiệp đã thực hiện thủ tục nhập khẩu mặt hàng xăng dầu đạt 2,03 triệu tấn, trị giá 1.873 triệu USD tăng 27,5% về lượng, 130,5% về trị giá làm tăng thu 5.977 tỷ đồng; dầu thô nhập khẩu đạt 1,9 triệu tấn, trị giá 1.219 triệu USD tăng 2,6% về lượng, 49,8% về trị giá làm tăng thu 1.066 tỷ đồng. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đã làm thủ tục nhập khẩu 6,3 triệu tấn than, trị giá đạt 1.439 triệu USD, tăng 102% so với cùng kỳ, làm tăng thu 1.573 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo tính toán loại trừ các yếu tố tăng thu đột biến thì số phải thu NSNN trong quý I/2022 của ngành Hải quan cũng tăng 1% so với cùng kỳ năm 2021.

Quý I/2022 cũng ghi nhận nhiều nhóm hàng nhập khẩu có mức tăng mạnh như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 21,72 tỷ USD, tăng 31%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 15,2%, đạt 5,5 tỷ USD; chất dẻo nguyên liệu tăng 18,9%, cao su các loại tăng 33%, bông các loại tăng 40%, nguyên phụ liệu thuốc lá tăng 138%, sản phẩm từ dầu mỏ tăng 42,8%, hóa chất tăng 31,8%, phân bón tăng gần 56%... do các doanh nghiệp tăng cường nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu để đẩy mạnh phục hồi sản xuất hàng hóa trong nước và phục vụ xuất khẩu. Ngoài ra, do giá nhiều loại nguyên vật liệu tăng cao cũng góp thêm yếu tố khiến kim ngạch xuất nhập khẩu quý I/2022 gia tăng mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, các lực lượng Hải quan đã đẩy mạnh chống buôn lậu, gian lận thương mại, trong đó, tập trung vào những mặt hàng cấm, thiết bị y tế, buôn lậu xăng dầu, hàng nhập khẩu có điều kiện… Tính đến ngày 15/3/2022, Cơ quan Hải quan đã thực hiện 168 cuộc thanh tra, kiểm tra, trong đó kiểm tra sau thông quan là 147 cuộc, xử lý thu vào NSNN 44,7 tỷ đồng; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bắt giữ 3,7 nghìn vụ vi phạm với giá trị hàng hóa 1,28 nghìn tỷ đồng, xử lý thu vào NSNN 69 tỷ đồng.

Trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Thuế và các cơ quan chức năng ngăn chặn gian lận hoàn thuế VAT; đồng thời tập trung thực hiện một số chuyên án liên quan đến thiết bị y tế, buôn lậu trên biển; tăng cường công tác đấu tranh, bắt giữ các vụ liên quan đến buôn bán ma túy…/.

Khánh Vy
 

Xem thêm »