(sav.gov.vn) - Chiều 04/5/2022, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) - 116 Nguyễn Chánh, Cầu Giấy, Hà Nội, Hội đồng khoa học của KTNN đã tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở "Hoàn thiện công tác kiểm toán hoạt động bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp, khu kinh tế" do Cn. Đỗ Anh Duy và Ths. Lê Hoài Phương - KTNN chuyên ngành III đồng chủ nhiệm.
Ban Đề tài báo cáo trước Hội đồng
TS. Vũ Thanh Hải - Vụ trưởng Vụ Pháp chế là Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu.
Theo Ban Đề tài, thời gian qua, các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh thành trên cả nước, đã và đang là nhân tố quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp; tăng khả năng thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước vào phát triển công nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp tích cực, quá trình phát triển các KCN, KKT cũng đã và đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn về vấn đề môi trường như việc xử lý nước thải, rác thải, khí thải công nghiệp... Nếu không được giải quyết kịp thời thì có thể gây ra tác động tiêu cực đến môi trường sống cũng như sức khỏe của cộng đồng.
Thời gian qua, KTNN cũng đã đóng góp trong công tác bảo vệ môi trường qua các hoạt động hợp tác quốc tế và kiểm toán, trong đó có việc triển khai thực hiện cuộc kiểm toán chuyên đề môi trường về “Hoạt động quản lý môi trường tại các KKT và KCN”. Cuộc kiểm toán có ý nghĩa quan trọng, giúp Quốc hội và Chính phủ kiểm tra, kiểm soát và giám sát công tác quản lý và bảo vệ môi trường của các cơ quan quản lý chức năng, phát hiện ra những bất cập, hạn chế trong cơ chế chính sách và đưa ra những kiến nghị, biện pháp khắc phục phù hợp để chấn chỉnh, đảm bảo kỷ luật, kỷ cương, minh bạch hóa, góp phần nâng cao tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả và trách nhiệm giải trình trong công tác quản lý và bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững.
Qua thực tế thực hiện kiểm toán môi trường trong những năm gần đây cho thấy có rất nhiều khó khăn trong việc tìm ra phương pháp tiếp cận, xác định được nội dung, trọng tâm kiểm toán và đánh giá được các tiêu chí kiểm toán dựa trên quy trình kiểm toán môi trường đã được ban hành. Chính vì vậy, việc nghiên cứu đề tài “Hoàn thiện công tác kiểm toán hoạt động bảo vệ môi trường tại các KCN và KKT” là yêu cầu rất cấp thiết, có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn nhằm mục đích bước đầu xây dựng tài liệu hướng dẫn kiểm toán môi trường tại KCN, KKT của KTNN theo thông lệ quốc tế, phù hợp với bối cảnh Việt Nam để thực hiện chức năng nhiệm vụ một cách hiệu quả. Đồng thời cung cấp thêm tư liệu cho các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách, các nhà khoa học, và các đơn vị được kiểm toán tham khảo, từ đó triển khai thực hiện công tác bảo vệ môi trường tại các KCN, KKT hiệu quả hơn.
Ngoài phần Mở đầu, Mục lục, Kết luận, Tài liệu tham khảo, nội dung chính của đề tài thể hiện ở 2 chương: Chương I - Tổng quan về kiểm toán môi trường và thực trạng công tác kiểm toán môi trường tại Việt Nam; Chương II - Hoàn thiện công tác kiểm toán hoạt động bảo vệ môi trường tại các KCN, KKT.
Nhận xét về đề tài, Hội đồng nghiệm thu đánh giá, Đề tài đã đưa ra được vấn đề mới, có tính thực tiễn cao. Thông qua nghiên cứu, Ban Đề tài đã hệ thống hóa được những khái niệm chung về môi trường, kiểm toán môi trường, đánh giá tổng quan tình hình thực hiện công tác kiểm toán môi trường của KTNN, những hạn chế và bài học kinh nghiệm, từ đó đưa ra hướng hoàn thiện công tác kiểm toán hoạt động bảo vệ môi trường tại các KCN và KKT.
Bên cạnh nội dung nghiên cứu chính, sản phẩm của Đề tài còn bao gồm phụ lục hướng dẫn kiểm toán hoạt động quản lý môi trường tại các KCN, KKT với mục tiêu tổng quát, nội dung kiểm toán, tiêu chí kiểm toán và các thủ tục kiểm toán bao gồm thu thập tài liệu, hướng dẫn kiểm toán và các vấn đề cần lưu ý. Đây là tài liệu rất hữu ích cho KTNN trong việc nghiên cứu, ban hành các quy trình, hướng dẫn về kiểm toán môi trường và là nguồn tài liệu để Kiểm toán viên nhà nước nghiên cứu khi thực hiện kiểm toán môi trường.
Để hoàn thiện Đề tài, Hội đồng nghiệm thu đề nghị, Ban Đề tài cần cân nhắc bổ sung thêm một số nội dung liên quan đến Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 về kiểm toán môi trường, đồng thời, nghiên cứu phân nhóm các tồn tại trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường theo từng nhóm như: Công tác ban hành văn bản pháp luật, thanh tra, kiểm tra, báo cáo, cấp phép, vận hành xây dựng các công trình bảo vệ môi trường… để thuận lợi cho công tác theo dõi, đánh giá, so sánh; phân tích các tác động của kết quả, kiến nghị kiểm toán; bổ sung thêm mục kinh nghiệm quốc tế để làm phong phú thêm cho đề tài và là tiền đề cho các giải pháp, kiến nghị ở Chương II...
Phát biểu kết luận, TS. Vũ Thanh Hải – Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao nỗ lực nghiên cứu của Ban Chủ nhiệm đề tài. Theo Chủ tịch Hội đồng, kiểm toán lĩnh vực môi trường là lĩnh vực mới và khó, yêu cầu kỹ năng chuyên môn nghề nghiệp và tính định hướng vĩ mô rất cao. Đơn vị kiểm toán ngoài những kỹ năng kiểm toán còn cần hiểu biết sâu sắc các vấn đề môi trường từ chính sách, chiến lược của quốc gia cho đến các điều ước và công ước quốc tế về môi trường mà quốc gia đã tham gia và các vấn đề liên quan đến kỹ thuật trong lĩnh vực môi trường. Do đó việc lựa chọn đề tài nghiên cứu là cấn thiết trước yêu cầu thực tiễn của KTNN.
Chủ tịch Hội đồng đề nghị Ban Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các thành viên Hội đồng, hoàn thiện đề tài, gửi về Văn phòng Hội đồng trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nghiệm thu.
Đề tài được Hội đồng thống nhất xếp loại Khá./.
M. Thúy