Kiểm soát, ngăn chặn lạm quyền trong quản lý tài chính, tài sản công

19/05/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Bám sát các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Ban cán sự đảng, Đảng ủy KTNN đã và đang quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo toàn Ngành thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị trong nhiệm kỳ 2021-2026, qua đó góp phần tích cực vào công tác giám sát, kiểm soát quyền lực, ngăn chặn tình trạng lạm quyền trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

KTNN đã phát huy vai trò trong công tác kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công

Kịp thời phát hiện các sai phạm, hành vi lạm quyền

Đảng ủy KTNN cho biết, hằng năm, Ban Thường vụ Đảng ủy đều ban hành chỉ thị về việc lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị trọng tâm ngay từ đầu năm để triển khai các nghị quyết chuyên đề, Chương trình hành động toàn khóa. Đồng thời, Ban cán sự đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước cũng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo sát sao, quyết liệt trong hoạt động kiểm toán. Nhờ vậy, hoạt động kiểm toán đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Cụ thể, giai đoạn 2011-2020, thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 467.000 tỷ đồng, riêng giai đoạn 2016-2020, kiến nghị xử lý tài chính 365.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, qua đánh giá tính tuân thủ pháp luật và chấp hành các quy định về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của các đơn vị được kiểm toán, KTNN đã kịp thời phát hiện các sai phạm, hành vi lạm quyền, lãng phí, tiêu cực như: Chi tiêu vượt thẩm quyền, vượt tiêu chuẩn, định mức; quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư vượt thẩm quyền; lạm quyền trong chỉ định thầu; cấp phép khai thác tài nguyên khoáng sản sai thẩm quyền...

Qua đó, KTNN kiến nghị cơ quan, đơn vị được kiểm toán chấn chỉnh công tác quản lý và hoạt động của đơn vị, khắc phục những hạn chế trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Đáng lưu ý, thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã kiến nghị cơ quan chức năng sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ nhiều văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực, không còn phù hợp với thực tiễn… Chỉ tính riêng giai đoạn 2016-2020, KTNN đã kiến nghị các cơ quan chức năng sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 869 văn bản quy phạm pháp luật, từ đó kịp thời khắc phục lỗ hổng về cơ chế, chính sách, tránh thất thoát, lãng phí; góp phần ngăn chặn các hành vi lợi dụng quyền lực, lạm quyền trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Ngoài ra, KTNN còn chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân và cơ quan khác của Nhà nước có thẩm quyền xem xét, xử lý những vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật thông qua hoạt động kiểm toán, qua đó góp phần răn đe, ngăn chặn tình trạng lạm quyền trong quản lý tài chính công, tài sản công. Đơn cử, giai đoạn 2016-2020, KTNN đã cung cấp 498 bộ hồ sơ, báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan cho các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra T.Ư, cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát; chuyển 20 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện qua kiểm toán sang cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định; báo cáo 2 vụ việc với Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo Bộ Công an điều tra, xử lý.
 
Tiếp tục phát huy vai trò giám sát việc sử dụng tài chính, tài sản công

Như vậy, có thể thấy, thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã phát huy tốt vai trò trong công tác kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; phát hiện, ngăn chặn và kiến nghị kịp thời các hành vi lạm quyền của cá nhân, tổ chức được kiểm toán.

Để phát huy hơn nữa vai trò là công cụ hữu hiệu của Đảng, Nhà nước trong giám sát, kiểm soát quyền lực, ngăn chặn tình trạng lạm quyền trong quản lý tài chính công, tài sản công, thời gian tới, Đảng ủy KTNN sẽ tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng phát triển các hoạt động của Ngành, trong đó chú trọng đến việc nâng cao vai trò của KTNN đối với hoạt động kiểm tra, giám sát công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Ngoài ra, Đảng ủy KTNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các đảng bộ, chi bộ trực thuộc đẩy mạnh kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách, giúp Quốc hội, các Bộ, ngành, địa phương có nguồn thông tin tin cậy, độc lập, khách quan để quyết định dự toán NSNN, phân bổ ngân sách T.Ư, quyết định đầu tư các công trình, dự án quan trọng quốc gia và phê chuẩn quyết toán NSNN. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2025, kiểm toán hằng năm khoảng 80%, còn lại 20% kiểm toán tối thiểu 2 năm/lần và đến năm 2030 phấn đấu kiểm toán hằng năm đạt 100% đối với quyết toán NSNN các Bộ, cơ quan T.Ư và quyết toán ngân sách các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư. 

Cùng với đó, Đảng ủy cũng chỉ đạo tập trung kiểm toán đánh giá hiệu lực, hiệu quả của cơ chế, chính sách; chú trọng phát hiện các kẽ hở trong cơ chế, chính sách làm ảnh hưởng đến động lực phát triển kinh tế nhanh và bền vững để kiến nghị với Đảng, Nhà nước hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm chặt chẽ, đồng bộ. Đồng thời, Đảng ủy cũng sẽ chỉ đạo việc tăng cường kiểm tra thực hiện kiến nghị kiểm toán; tiếp tục thực hiện công khai rộng rãi kết quả kiểm toán; tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật do KTNN phát hiện và kiến nghị xử lý.../.

Lê Hòa
(Báo Kiểm toán số 20/2022)

 
 

Xem thêm »