Xây dựng hướng dẫn vận dụng trọng yếu trong kiểm toán tuân thủ việc chấp hành pháp luật về đầu tư xây dựng

21/05/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Chiều ngày 20/5/2022, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) - 111 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội, Hội đồng Khoa học KTNN tổ chức nghiệm thu đề tài khoa học cấp cơ sở: “Xây dựng hướng dẫn vận dụng trọng yếu trong kiểm toán tuân thủ việc chấp hành pháp luật về đầu tư xây dựng” do KS. Nguyễn Thành Trung và Ths. Phạm Trung Hiếu đồng chủ nhiệm. TS. Nguyễn Mạnh Cường, Chánh Văn phòng Đảng - Đoàn thể KTNN là Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu.

Toàn cảnh buổi nghiệm thu

Trình bày báo cáo tại buổi nghiệm thu, Ban chủ nhiệm đề tài cho biết, trong khu vực công, các chuẩn mực kế toán quốc tế do Ủy ban Chuẩn mực quốc tế về Kế toán khu vực công ban hành (IPSASB) được gọi là các IPSAS, Chuẩn mực quốc tế của INTOSAI ban hành được gọi là các ISSAI. Đặc điểm chung của hai hệ thống chuẩn mực này đều tiếp cận dựa trên nguyên tắc thay vì quy tắc và kế thừa toàn bộ hoặc một phần các chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS) và kiểm toán quốc tế (ISA) thuộc khu vực tư. Các ISSAI kiểm toán báo cáo tài chính (BCTC) do INTOSAI ban hành đều sử dụng lại các ISA, chỉ bổ sung những lưu ý cần thiết khi thực hiện kiểm toán trong các đơn vị công. Mặc dù kế thừa gần như toàn bộ nội dung ISSAI khi xây dựng và ban hành các Chuẩn mực Kiểm toán nhà nước (CMKTNN), nhưng CMKTNN không cấu trúc như ISSAI đã thực hiện mà biên soạn lại toàn bộ, không tham chiếu tới các chuẩn mực kiểm toán báo cáo tài chính (BCTC) tương ứng do Bộ Tài chính ban hành như cách tiếp cận của INTOSAI. Phương pháp tiếp cận xây dựng các chuẩn mực này của KTNN nhằm tăng tính nhất quán, dễ tham chiếu và vận dụng nhưng cũng đòi hỏi các chuẩn mực phải có thêm những hướng dẫn chi tiết và phải được cập nhật thường xuyên.

KTNN đã ban hành Hệ thống CMKTNN mới tại Quyết định số 02/2016/QĐ-KTNN gồm 39 CMKTNN cho cả ba lĩnh vực kiểm toán. Hệ thống CMKTNN mới này được nhiều chuyên gia đánh giá là đã tiệm cận và phù hợp với thông lệ quốc tế và kế thừa gần như toàn bộ Hệ thống chuẩn mực kiểm toán trong khu vực công do INTOSAI ban hành. Trong đó, đã giới thiệu được khái niệm trọng yếu, các nguyên tắc áp dụng và khuôn mẫu khái niệm trọng yếu cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện trong các quy trình kiểm toán hoặc hướng dẫn kiểm toán trong từng lĩnh vực và loại hình cụ thể.

Hiện nay, KTNN đã ban hành 03 Hướng dẫn phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong kiểm toán báo cáo tài chính gồm: Báo cáo quyết toán DADT; Báo cáo tài chính doanh nghiệp; Báo cáo quyết toán ngân sách địa phương. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa ban hành hướng dẫn vận dụng trọng yếu đối với loại hình kiểm toán tuân thủ chung và kiểm toán tuân thủ cho từng lĩnh vực nói riêng. Trong khi đó, nhiều SAI như Kiểm toán Vương quốc Anh, Kiểm toán Nhà nước Ấn Độ, Toà thẩm Kế Châu Âu… đã xây dựng, hướng dẫn, vận dụng trọng yếu áp dụng cho các loại hình kiểm toán khác nhau.

Vì vậy, nghiên cứu “Xây dựng hướng dẫn vận dụng trọng yếu trong kiểm toán tuân thủ việc chấp hành pháp luật về đầu tư xây dựng” là cần thiết nhằm đáp ứng được một phần yêu cầu nhiệm vụ quy định tại khoản 2, CMKTNN số 1320 - quy định và hướng dẫn trách nhiệm của KTNN trong việc xây dựng Chính sách xác định trọng yếu kiểm toán…; Khoản 11, 12, 13, CMKTNN số 1320 - xây dựng và ban hành Chính sách xác định trọng yếu kiểm toán nhằm quy định, hướng dẫn Kiểm toán viên (KTV) nhà nước trong việc xác định, vận dụng trọng yếu kiểm toán một cách thống nhất; đồng thời, góp phần hoàn thiện Hệ thống các hướng dẫn kiểm toán dựa trên tiếp cận rủi ro và trọng yếu hữu ích cho SAV.

Ngoài phần mở đầu, kết luận, Đề tài được kết cấu thành 02 chương: Chương 1 - Cơ sở lý luận trọng yếu kiểm toán và thực trạng xác định trọng yếu trong các cuộc kiểm toán tuân thủ việc chấp hành pháp luật về đầu tư xây dựng; Chương 2 - Hướng dẫn vận dụng trọng yếu trong kiểm toán tuân thủ việc chấp hành pháp luật về đầu tư xây dựng.
 

Ban Đề tài báo cáo trước Hội đồng

Theo đánh giá của Hội đồng nghiệm thu, Đề tài có ý nghĩa thiết thực cả về lý luận và thực tiễn, góp phần hoàn thiện hệ thống các hướng dẫn kiểm toán dựa trên phương pháp tiếp cận rủi ro, trọng yếu, nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động kiểm toán. Đề tài có dung lượng tương đối phù hợp, kèm theo các tài liệu như quy định, hình thức và văn phong trình bày phù hợp với một đề tài nghiên cứu khoa học. Đây là tài liệu rất hữu ích cho KTNN trong việc nghiên cứu, ban hành các quy trình, hướng dẫn về trọng yếu kiểm toán trong từng loại hình kiểm toán, từng lĩnh vực kiểm toán, là nguồn tài liệu tốt cho việc xây dựng các chương trình, tài liệu bồi dưỡng của KTNN và cho các KTV tham khảo trong quá trình kiểm toán.

Tuy nhiên, tiêu chí lựa chọn trọng yếu kiểm toán còn sơ sài, chưa nêu cụ thể định lượng xác định trọng yếu kiểm toán dự án đầu tư vì trong kiểm toán đầu tư dự án có nhiều nội dung kiểm toán khác nhau; chưa phân tích rõ sự khác nhau khi tiến hành kiểm toán các nội dung được xác định trọng yếu và các nội dung kiểm toán khác; chưa xác định phương pháp, thời gian và cách thức tiến hành kiểm toán như thế nào so với việc xác định các nội dung kiểm toán khác.

Để nâng cao chất lượng đề tài, Hội đồng nghiệm thu đề nghị Ban soạn thảo cần hoạch định cụ thể các bước tiếp theo phải thực hiện để phát triển từ kết quả nghiên cứu thành hướng dẫn vận dụng trọng yếu trong kiểm toán tuân thủ việc chấp hành pháp luật về đầu tư xây dựng; phân tích cụ thể về cơ sở đề xuất điều kiện và lộ trình thực hiện để đảm bảo tính khả thi; rà soát, cân nhắc bổ sung một số nội dung: Cơ sở thiết lập mức trọng yếu; vận dụng trong giai đoạn lập kế hoạch kiểm toán; giai đoạn thực hiện kiểm toán...

Ngoài ra, các thành viên trong Hội đồng cũng đóng góp nhiều ý kiến về kết cấu, nội dung và thể thức báo cáo kết quả nghiên cứu, giúp Ban đề tài chỉnh sửa hoàn thiện đề tài đầy đủ hơn.

Kết luận buổi nghiệm thu, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu Nguyễn Mạnh Cường đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Ban Chủ nhiệm đề tài trong quá trình tổ chức nghiên cứu. Mặc dù vậy, Ban Chủ nhiệm đề tài cần tiếp thu tối đa các ý kiến thành viên Hội đồng để chỉnh sửa hoàn thiện đề tài đảm bảo tính logic giữa thực trạng và hướng dẫn.

Đề tài được Hội đồng nghiệm thu thông qua và xếp loại khá./.

Thanh Trang
 

Xem thêm »