Kết quả kiểm toán những năm qua đã chứng minh vai trò quan trọng của KTNN trong việc phát hiện, ngăn chặn các hành vi tham nhũng, lãng phí. Tuy nhiên, phòng, chống tham nhũng (PCTN) là cuộc chiến lâu dài, bền bỉ. Vì vậy, PGS,TS. Trương Thị Hồng Hà - Ban Nội chính T.Ư - cho rằng: KTNN cần nghiên cứu, hoàn thiện cơ cấu tổ chức, nguồn lực, cơ sở pháp lý và học hỏi kinh nghiệm quốc tế để nâng cao hiệu lực, hiệu quả PCTN qua hoạt động kiểm toán.
Theo PGS,TS. Trương Thị Hồng Hà, thực tế đấu tranh PCTN cho thấy, hoạt động kiểm toán đã tạo nên một cơ chế đặc thù có hiệu quả thiết thực, đồng thời cũng nâng cao vị thế và giúp KTNN tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong phương thức đấu tranh, rèn luyện bản lĩnh cho đội ngũ kiểm toán viên ngày càng vươn lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của cơ quan.
Để nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả PCTN, KTNN cần xác định rõ những nhân tố chủ yếu tác động đến công tác PCTN, bao gồm: Yếu tố chính trị, kinh tế, pháp lý, văn hóa - xã hội, sự phối hợp của KTNN với các cơ quan quản lý tài chính công và các cơ quan chức năng khác. Thông qua việc xác định các nhân tố trên, KTNN sẽ tập trung vào từng nhóm giải pháp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả PCTN, lãng phí.
Giải bài toán về nguồn nhân lực
Theo đó, nhóm giải pháp đầu tiên là phải đảm bảo tất cả các cấp, ngành, cơ quan quản lý, các nhà làm luật… nhận thức một cách đầy đủ, thống nhất về vị trí, vai trò của KTNN đối với công tác PCTN, lãng phí.
Cùng với đó, KTNN cần xây dựng cơ cấu tổ chức bộ máy phù hợp với nhiệm vụ PCTN và thiết lập được một đầu mối độc lập, chuyên sâu thực hiện nhiệm vụ PCTN thông qua hoạt động kiểm toán. Cơ cấu tổ chức bộ máy của KTNN phải đảm bảo tính khoa học và đầy đủ về biên chế. Với cùng một khối lượng công việc lớn, triển khai tất cả các loại hình kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động, nhiều cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới có số lượng biên chế lên tới 6.000 - 8.000 KTV, còn KTNN của Việt Nam chỉ có 1.974 kiểm toán viên (KTV).
Đây là bài toán khó nhưng KTNN phải giải quyết, bởi PCTN sẽ là nhiệm vụ xuyên suốt. Cùng với đó, KTNN sẽ phải chuyển hồ sơ và hỗ trợ các cơ quan điều tra trong việc cung cấp, thẩm định thông tin. Nếu phát hiện ra các vụ việc lớn, nghiêm trọng, có dấu hiệu bỏ trốn…, KTNN phải có phương án về nhân lực, phương pháp, cách thức tổ chức trong hoạt động kiểm toán để hỗ trợ quá trình điều tra. Như vậy, vấn đề về số lượng và chất lượng đội ngũ KTV là bài toán phải được giải quyết trong thời gian tới.
Rà soát, điều chỉnh hệ thống pháp luật
Mặt khác, hiệu lực, hiệu quả trong công tác PCTN của KTNN phụ thuộc nhiều vào sự tương tác qua lại giữa KTNN và hệ thống các quy định pháp luật. Đây là mối quan hệ nhân quả, tương tác hai chiều, trong đó, pháp luật là cơ sở để KTNN tiến hành kiểm toán, phát hiện kịp thời các sai phạm và PCTN. Ngược lại, các kết luận và kiến nghị của KTNN cũng góp phần nâng cao chất lượng pháp luật, bịt các kẽ hở về cơ chế, chính sách. Vì vậy, hệ thống pháp luật vẫn cần phải được rà soát, điều chỉnh và cụ thể hơn nữa để thực hiện chức năng PCTN. Đồng thời, KTNN cũng phải bám sát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật KTNN để đồng bộ với các bộ luật liên quan.
Cùng với đó, KTNN cần ban hành các văn bản để cụ thể hóa và đưa các luật đi vào thực tiễn hoạt động kiểm toán, bao gồm: Hoàn thiện hệ thống chuẩn mực kiểm toán, quy tắc ứng xử của KTV, tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn và tăng cường sự phối hợp với các cơ quan quản lý trong công tác PCTN. Đặc biệt, KTNN cần tập trung phát hiện kịp thời những kẽ hở về pháp lý để hoàn thiện, bổ sung cơ chế, chính sách.
Học hỏi kinh nghiệm quốc tế
Thực tế cho thấy, các nước trên thế giới đều đề cao việc PCTN, lãng phí và cơ quan kiểm toán tối cao đóng vai trò quan trọng trong công tác này. Đặc biệt, một số nước như Indonesia, Philippines, Trung Quốc rất đề cao tính độc lập của KTV và hoạt động kiểm toán trong việc thực hiện PCTN. Còn tại một số quốc gia khác như Hàn Quốc, KTV được quyền điều tra tham nhũng nhưng phạm vi lại hạn hẹp và chịu tác động từ nhiều yếu tố... Như vậy, từ kinh nghiệm của các nước, KTNN Việt Nam có thể nghiên cứu, học hỏi và kiến nghị để áp dụng phù hợp với tình hình thực tế trong nước.
Ngoài ra, để tăng cường tính hiệu quả, hiệu lực trong PCTN, KTNN có thể nghiên cứu và đề xuất các quy định về kiểm toán trách nhiệm kinh tế của cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan. Trung Quốc là quốc gia tiêu biểu để Việt Nam có thể học hỏi trong việc thực hiện kiểm toán trách nhiệm kinh tế của người đứng đầu cơ quan/đơn vị. Các quốc gia có nền kinh tế phát triển tại châu Âu cũng rất quan tâm đến hoạt động này, nhất là trong bối cảnh lực lượng điều tra viên, kiểm soát viên bị thu hẹp, vị thế của cơ quan kiểm toán ngày càng được nâng cao hơn nữa. Đây chính là mục tiêu mà KTNN cần đạt được nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả thật sự trong cuộc chiến PCTN.
Theo Báo Kiểm toán số 21/2022