Xem xét chủ trương đầu tư đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh

06/06/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, trong phiên họp toàn thể tại Hội trường sáng 6/6/2022, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra Chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình

Trình bày Tờ trình chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội và Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, hai dự án này có vai trò liên kết vùng, thúc đẩy phát triển đô thị hóa, có ý nghĩa rất lớn đối với việc phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, nhất là sự hạn chế nguồn lực nên giai đoạn 2011-2020 chưa triển khai được. Đến nay, các điều kiện về cơ sở pháp lý, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, nhu cầu thực tiễn và nguồn lực cơ bản đáp ứng yêu cầu, do vậy, việc triển khai thực hiện Dự án trong giai đoạn 2021- 2025 là hợp lý và cần thiết.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, việc đầu tư Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh sẽ góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; tăng khả năng kết nối giao thông giữa các tỉnh trong vùng, phù hợp với quy hoạch giao thông quốc gia; giúp mở rộng không gian phát triển, kéo giãn mật độ dân cư khu vực nội thị; giảm áp lực cho giao thông nội đô và các tuyến đường hiện hữu.

Theo đề xuất của Chính phủ, Dự án Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội có chiều dài 112,8 km, gồm 103,1 km đường Vành đai 4 và 9,7 km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài – Hạ Long, đi qua địa phận TP. Hà Nội (58,2km); Hưng Yên (19,3km); Bắc Ninh (dài 25,6km). Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM dài 76,34 km, đi qua địa phận TP.HCM (47,51km); Đồng Nai (11,26km); Bình Dương (10,76km); Long An (6,81km). Cả hai dự án đều tiến hành giải phòng mặt bằng (GPMB) các tuyến đường theo quy mô quy hoạch (6-8 làn xe cao tốc) và hệ thống đường đô thị song hành 2 bên. Riêng đường Vành đai 4 sẽ GPMB dự trữ cho tuyến đường sắt vành đai. Trên cơ sở kết quả dự báo nhu cầu vận tải, phù hợp các giải pháp đầu tư và nguồn lực, giai đoạn 1 đầu tư theo quy mô 4 làn xe cao tốc hạn chế, vận tốc thiết kế 80 km/h; đầu tư xây dựng đường song hành 2 bên.

Với quy mô đầu tư như trên, Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có diện tích đất chiếm dụng khoảng 1.341 ha; kinh phí GPMB, tái định cư khoảng 19.590 tỷ đồng; Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM là khoảng 642,7 ha, kinh phí GPMB, tái định cư khoảng 41.589 tỷ đồng, thực hiện GPMB một lần theo quy hoạc và GPMB theo quy mô hoàn chỉnh đối với các nút giao liên thông (đầu tư giai đoạn 1).

Tại Tờ trình, Chính phủ kiến nghị Dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô sẽ có hình thức đầu tư là đầu tư công kết hợp đầu tư theo phương thức PPP, được chia thành 7 dự án thành phần; tách riêng phần GPMB và xây dựng đường song hành triển khai độc lập theo địa giới hành chính giữa các địa phương, thực hiện theo hình thức đầu tư công; riêng Dự án thành phần 2 gồm hệ thống đường cao tốc toàn tuyến và tuyến nối 9,7 km do UBND TP. Hà Nội là cơ quan có thẩm quyền.
Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM được kiến nghị đầu tư theo hình thức đầu tư công, chia thành 8 dự án thành phần; tách riêng phần GPMB và phần xây dựng triển khai độc lập theo địa giới giữa các địa phương.

Đối với Dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô, sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 85.813 tỷ đồng, sử dụng vốn ngân sách Nhà nước và vốn BOT của nhà đầu tư, trong đó vốn BOT 29.447 tỷ đồng. Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 75.378 tỷ đồng, sử dụng toàn bộ vốn ngân sách Nhà nước, trong đó ngân sách Trung ương tham gia là 38.741 tỷ đồng.

Chính phủ dự kiến thời gian thực hiện 2 dự án là từ năm 2022 đến năm 2027. Để đàm bảo tiến độ đầu tư, Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép áp dụng các nhóm cơ chế, chính sách đặc biệt để triển khai đầu tư các dự án.
 

Quang cảnh phiên họp
 
Thẩm tra các Tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế nhất trí với Chính phủ về sự cần thiết đầu tư 2 dự án này. Theo Ủy ban Kinh tế, các Dự án được lập cơ bản phù hợp với Chiến lược, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thông qua; Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, phù hợp với quy hoạch của các ngành, các địa phương có liên quan và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Về phạm vi đầu tư và cơ chế bảo đảm, chia sẻ phần giảm doanh thu của Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, phạm vi đầu tư Dự án bao gồm: Đường Vành đai 4; Hai đường song hành; Thu hồi, bồi thường, tái định cư phục vụ Dự án, trong đó có dự trữ quỹ đất cho tuyến đường sắt vành đai. Một số ý kiến cho rằng việc thực hiện thu hồi, bồi thường, tái định cư dự trữ quỹ đất cho tuyến đường sắt trong khi tuyến đường sắt này không thuộc phạm vi đầu tư của Dự án và chưa rõ thời điểm đầu tư tuyến đường sắt là chưa hợp lý.

Chính phủ đã có Báo cáo số 218 giải trình làm rõ đối với ý kiến nêu trên. Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ báo cáo, làm rõ hơn tiến độ đầu tư của tuyến đường này và trong giai đoạn tổ chức thực hiện cần quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả, tránh việc tái lấn chiếm quỹ đất đã được thu hồi nhưng chưa xây dựng cơ sở hạ tầng của Dự án.

Với Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM, phạm vi đầu tư Dự án bao gồm: Đường Vành đai 3 (đường cao tốc); Hai đường song hành. Theo Báo cáo số 219, Chính phủ đã tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ thu phí phần đường cao tốc (Đường Vành đai 3) để thu hồi vốn đầu tư cho ngân sách trung ương và ngân sách địa phương tương ứng theo phần vốn góp đầu tư phần đường cao tốc của Dự án. Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ trong các bước nghiên cứu khả thi cần tiếp tục rà soát, chuẩn xác tổng mức đầu tư phần đường cao tốc (Đường Vành đai 3) theo quy định, để xác định chính xác tỷ lệ hoàn vốn cho ngân sách các cấp.

Bên cạnh đó, về sơ bộ phương án thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ có các giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan thực hiện để bảo đảm được tiến độ hoàn thành 2 Dự án và ban hành chính sách hợp lý và đền bù thỏa đáng đối với người dân chịu ảnh hưởng của các Dự án.

Về nguồn vốn, Ủy ban Kinh tế cho rằng việc Chính phủ dự kiến nguồn lực ngân sách Trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được phân bổ cho Bộ Giao thông vận tải và nguồn ngân sách chưa phân bổ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, nhằm cơ bản hoàn thành 2 dự án này là phù hợp với mục tiêu, định hướng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Về ngân sách địa phương, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết đến nay, HĐND các địa phương đã ban hành các nghị quyết cam kết bố trí vốn cho 2 dự án này. Tuy nhiên, để bảo đảm tiến độ, chất lượng cho các dự án, đề nghị các địa phương cam kết chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội về việc bố trí nguồn ngân sách địa phương cho 2 dự án.

Về cho phép điều chuyển số vốn Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã bố trí cho Bộ Giao thông vận tải về các địa phương, Ủy ban Kinh té nhận thấy việc phân cấp đầu tư 2 Dự án cho địa phương triển khai thực hiện cơ bản phù hợp với tình hình thực tiễn, do đó tán thành với đề xuất của Chính phủ.

Với Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, đa số ý kiến Ủy ban Kinh tế cũng tán thành với đề xuất cho phép phần vốn nhà nước tham gia tối đa 66% tổng mức đầu tư Dự án; cơ bản tán thành với đề xuất cho phép đầu tư hệ thống đường cao tốc toàn tuyến (dự án thành phần 3) và tuyến nối 9,7km đi trùng đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long, thực hiện theo phương thức PPP (loại hợp đồng BOT) do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội làm cơ quan có thẩm quyền và áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà đầu tư, không tính chi phí giải phóng mặt bằng trong tổng mức đầu tư dự án thành phần 3.

Đối với cơ chế, chính sách Dự án Vành đai 3 TP.HCM, Ủy ban Kinh tế nhất trí với chủ trương Dự án sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng cần tổ chức thực hiện thu phí để thu hồi vốn đầu tư cho ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ trong bước nghiên cứu khả thi cần xác định chính xác tỷ lệ góp vốn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đối với phần đường cao tốc để làm cơ sở xây dựng phương án thu hồi vốn đầu tư hoàn trả ngân sách.

Về tiến độ hoàn thành các Dự án, việc triển khai thực hiện nhiều dự án đường cao tốc cùng một thời gian, trong đó tập trung chủ yếu vào giai đoạn 2022 - 2025 sẽ cần một nguồn lực rất lớn, do đó sẽ khó bảo đảm tiến độ cơ bản hoàn thành trong năm 2025. Ủy ban Kinh tế đề nghị đánh giá bổ sung đầy đủ về khả năng giải ngân, hấp thụ vốn, sự cân đối và hiệu quả trong phân bổ nguồn lực, năng lực quản lý, nguồn nhân lực, khả năng gây ra tình trạng khan hiếm và tăng giá nguyên vật liệu... để có giải pháp kịp thời nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, tiến độ, chất lượng cho 2 Dự án này và các dự án quan trọng khác cùng được triển khai. Chính phủ và các địa phương cần cam kết trách nhiệm tổ chức thực hiện bảo đảm tiến độ, chất lượng cho 2 Dự án này và các dự án quan trọng khác cùng được triển khai./.

Phương Ngọc
 

Xem thêm »