(sav.gov.vn) - Từ 15h ngày 13/6/2022, giá xăng dầu chính thức lập đỉnh mới sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính. Đây là lần tăng giá thứ sáu liên tiếp từ ngày 21/4/2022 đến nay. Tổng cộng, xăng RON 95-III đắt thêm 5.060 đồng mỗi lít, còn E5 RON 92 thêm 4.640 đồng/lít.
Đề xuất giảm tối đa thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu để hạn chế vòng xoáy lạm phát
Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 là 31.110 đồng/lít; xăng RON 95-III là 32.370 đồng/lít; dầu diesel lên 29.020 đồng/lít; dầu mazut giảm xuống 20.350 đồng/lít. Như vậy, mỗi lít xăng tăng 800-880 đồng/lít và dầu tăng hơn 2.000 đồng/lít và thiết lập mức cao nhất từ trước đến nay.
Theo lý giải của liên Bộ Công Thương - Tài chính, thị trường xăng dầu thế giới giữa 2 kỳ điều hành vừa qua tiếp tục biến động mạnh. Nguồn cung xăng dầu khan hiếm do lệnh cấm dầu Nga của EU, tồn kho dầu tại Mỹ thấp; sản lượng gia tăng của OPEC+ không đủ bù đắp nguồn cung giảm từ Nga... Bình quân giá thành phẩm thế giới 10 ngày qua tăng 2-4% với xăng; 3-14% với các mặt hàng dầu. Tại kỳ điều hành lần này liên Bộ Công Thương - Tài chính vẫn sử dụng công cụ Quỹ bình ổn xăng dầu dù quỹ này đang âm, để hạn chế mức tăng giá trong nước.
Tại cuộc họp về điều hành giá vào chiều 13/6/2022, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá cho biết, với 13 đợt tăng giá xăng dầu trong 5 tháng đầu năm, giá đắt thêm 7.300-7.900 đồng một lít, tức là 59,49% trong 5 tháng. Mức này đã tác động tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chung tăng 1,8 điểm phần trăm. CPI tăng chủ yếu là do ảnh hưởng từ giá xăng dầu, khí hóa lỏng (LPG).
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhận định, thời gian tới, giá xăng dầu tiếp tục gia tang sẽ gây tác động tới giá một số dịch vụ, hàng hóa khác như: Giáo dục, y tế, vật liệu xây dựng, dịch vụ vận tải…, áp lực lạm phát còn cao hơn nữa. Đối với mặt hàng xăng dầu, cần phải điều hành hết sức linh hoạt, sử dụng Quỹ bình ổn giá hợp lý, triển khai các biện pháp đảm bảo nguồn cung và dự phòng phương án nhập khẩu khi cần thiết, không để bị động. Kiểm soát, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu xăng dầu qua biên giới. Gắn với đó là việc quản lý chặt giá cước vận tải, đảm bảo mức tăng phù hợp; không để nguồn cung vật liệu xây dựng bị đứt gãy, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng găm hàng, tăng giá, triển khai các biện pháp để công bố giá sớm, "công bố hàng tháng" để hỗ trợ doanh nghiệp.
Dự báo công tác điều hành giá của Chính phủ từ nay đến cuối năm sẽ còn nhiều khó khăn, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành theo chức năng quản lý Nhà nước tiếp tục theo dõi sát, đánh giá, phân tích kỹ lưỡng tình hình để triển khai các giải pháp, cũng như tham mưu cho cấp có thẩm quyền để kiểm soát giá theo mục tiêu Quốc hội giao.
Trong bối cảnh giá xăng dầu trong và ngoài nước liên tục tăng cao trong thời gian gần đây, Bộ Tài chính đang dự kiến tiếp tục trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm một số sắc thuế và các giải pháp điều hành giá liên quan đến xăng dầu, giảm tối đa thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu để hạn chế vòng xoáy lạm phát.
Bên cạnh đó, diễn biến tình hình gần đây đang cho thấy thị trường xăng dầu thế giới sẽ còn nhiều biến động khó lường, khó dự báo, tiềm ẩn các nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu của nước ta. Bộ Tài chính đã có công văn số 3662/BTC-CST gửi xin ý kiến các Bộ, ngành địa phương, Hiệp hội, doanh nghiệp có liên quan về dự thảo Nghị định Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, trong đó đề xuất điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi xăng từ 20% xuống 12%. Việc điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với mặt hàng xăng theo phương án dự kiến sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn cung xăng dầu (tránh bị động bởi phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ Hàn Quốc và ASEAN), đồng thời đảm bảo mức chênh lệch phù hợp với mức thuế suất theo các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết. Hiện nay, Bộ Tài chính đang tổng hợp ý kiến các đơn vị và trình Chính phủ trong thời gian tới.
Được biết, hiện cơ cấu tính giá xăng dầu có thuế bảo vệ môi trường, nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng. Trong số này, thuế bảo vệ môi trường đã giảm 50% từ 1/4 đến hết năm 2022, cụ thể đã giảm 2.000 đồng một lít xăng, dầu là 1.000 đồng mỗi lít. Các loại thuế có thể xem xét để giảm thêm trong cơ cấu giá bán lẻ xăng dầu là thuế nhập khẩu 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt (xăng là 10%), thuế giá trị gia tăng (VAT) hiện là 10%./.
Khánh Vy