Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

14/06/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, sáng 14/6/2022, tại hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp

Tại phiên họp, có 20 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu ý kiến, 03 ĐBQH phát biểu tranh luận. Các ĐBQH tán thành với sự cần thiết phải ban hành dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, thống nhất với nhiều nội dung cơ bản của dự án luật. Các đại biểu cho rằng đây là đạo luật rất quan trọng, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, của cán bộ, công chức, người lao động; phát huy quyền làm chủ và vai trò chủ thể của người dân với phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng phân tích, làm rõ thêm những nội dung còn có ý kiến khác nhau cần phải tiếp tục nghiên cứu, làm rõ hơn và tiếp tục hoàn thiện để nâng cao chất lượng, tính đồng bộ, bảo đảm tính thống nhất, khả thi của các quy định trong dự thảo Luật này nói riêng và các luật khác trong hệ thống pháp luật nói chung.

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Lương Văn Hùng (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi) cho rằng: Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh nhiệm vụ tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hóa, thực hiện tốt cơ chế Đảng lãnh đạo Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Trong đó có chủ trương dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát, dân thụ hưởng và nêu rõ quan điểm cụ thể về phát huy dân chủ. "Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, định hướng trên, xác định và bổ sung quy định về cơ chế dân giám sát, dân thụ hưởng, vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội và lấy kết quả công việc, sự hài lòng, tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức bộ máy nhà nước và chất lượng cán bộ, đảng viên" - đại biểu nêu ý kiến.

Ngoài ra, cần thể chế hóa đầy đủ nội dung, phương châm dân giám sát, dân thụ hưởng. Các nội dung quy định về chính quyền cấp xã phải thực hiện công khai, minh bạch trong việc thực hiện dịch vụ công, hạn chế tối đa người dân phải “xin, cho” khi giải quyết thủ tục hành chính, giải quyết công việc của nhân dân. Đảm bảo thực hiện đầy đủ, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội đối với nhân dân địa phương.

Luật cũng cần quy định người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã phải thực hiện nghiêm túc chế độ tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân để nắm bắt tình hình, xử lý trí ý kiến, kiến nghị của nhân dân. Ban hành quy chế, quy định rõ nghĩa vụ của cán bộ, công chức cấp xã về tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân, thực hiện nghiêm trách nhiệm công vụ đối với nhân dân.

Đồng thời phải quy định chế tài cụ thể để đảm bảo điều kiện thực thi dân giám sát, dân thụ hưởng. Theo đó, nếu không làm hoặc làm sai quy định pháp luật về dân chủ ở cơ sở thì phải chịu trách nhiệm hoặc bị xử lý trách nhiệm và bồi thường thỏa đáng. Xem xét quy định về tổ chức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của nhân dân đối với kết quả hoạt động của chính quyền, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức cấp xã.
 

Đại biểu Quốc hội Trương Thị Ngọc Ánh (Đoàn ĐBQH Thành phố Cần Thơ)

Phát biểu thảo luận, đại biểu Trần Kim Yến (Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh), đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh (Đoàn ĐBQH Thành phố Cần Thơ) đề nghị cần cân nhắc khi sử dụng thuật ngữ “cử tri” trong dự thảo Luật để đảm bảo thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Theo đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh, “cử tri” là từ để dùng chỉ quyền của công dân khi tham gia bầu cử và bầu cử chỉ là một quyền cơ bản của công dân. Trong khi đó, khi thực hiện các cuộc trưng cầu ý kiến, lấy ý kiến của người dân, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đều lấy ý kiến rộng rãi của người dân, chứ không chỉ giới hạn lấy ý kiến của cử tri.

Mặt khác, thực hiện Công ước quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên, trẻ em có quyền tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chính quyền xây dựng, góp ý với các cơ quan ban ngành thông qua hướng dẫn của Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ. Chính vì vậy, đại biểu cho rằng trong tất cả các khoản, điều của dự thảo Luật này nên thay từ “cử tri” bằng một từ bao trùm hơn là từ “người dân” để đảm bảo phát huy được đầy đủ quyền làm chủ của người dân, đúng như tinh thần của Đảng - nhấn mạnh phát huy rộng rãi dân chủ xã hội, chủ nghĩa quyền làm chủ và vai trò chủ thể của người dân.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị bổ sung nội dung người dân được quyền tham gia các cuộc họp, các hội nghị liên quan đến các nội dung dân được biết, dân được bàn dân, được quyết định để tránh trường hợp khi người dân không được mời họp nhưng các nội dung lấy ý kiến của người dân vẫn được thông qua.

Cùng quan điểm, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội) cho rằng, tất cả quyết định liên quan đến nguồn lực công, liên quan đến người dân đều phải thực hiện công khai, trừ trường hợp bí mật Nhà nước
 
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, những vụ án tham nhũng như: Việc mua bán, đấu thầu thiết bị y tế, việc mua bán tài sản công hoặc vụ mua bán Mobifone… đều có điểm chung là thực hiện các quy trình rất đúng, rất đầy đủ song lại không được công bố thông tin minh bạch, công khai để người dân biết. Vì vậy, đại biểu cho rằng, nếu chúng ta công khai dân chủ đến người dân thì tất cả những vụ án trên đều có thể được ngăn chặn trước. Nếu thực hiện tốt dân chủ cơ sở, công khai, minh bạch để người dân biết được thông tin, nắm được mọi hoạt động của cơ quan quản lý Nhà nước trong việc sử dụng các nguồn lực công trong các quyết định có liên quan đến người dân, đến cộng đồng thì chắc chắn cơ quan quản lý sẽ nhận được rất nhiều ý kiến tham gia đóng góp của người dân để mang lại kết quả quyết định đó tốt hơn. Đồng thời cũng sẽ tránh được những sai phạm như thời gian vừa qua.

Từ thực tế trên, đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất: Về nguyên lý, bất kể những gì liên quan đến quản lý các nguồn lực công, liên quan đến người dân đều cần phải công khai, trừ những gì thuộc về bí mật Nhà nước. Do đó, đại biểu đề nghị không nên quy định cứng trong luật này vì trên thực tế, cuộc sống sẽ thay đổi rất nhiều, phát sinh nhiều vấn đề mới. “Chỉ không công khai những gì thuộc về bí mật Nhà nước, thuộc về quy định cấm không được công khai, trường hợp còn lại như tất cả các quyết định có liên quan đến nguồn lực công, liên quan đến người dân đều phải thực hiện công khai”, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
 
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà giải trình tại phiên họp

Phát biểu giải trình tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cảm ơn các ý kiến sôi nổi, thẳng thắn, tâm huyết, phong phú, thực tiễn và khoa học của các đại biểu Quốc hội cho dự thảo Luật thực hiện dân chủ cơ sở. Bộ trưởng cho biết ban soạn thảo sẽ tiếp thu tối đa, nghiên cứu, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Pháp luật cũng như các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội, các chuyên gia, các nhà khoa học, đại diện các nhóm chủ thể tác động để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật thực hiện dân chủ đạt chất lượng cao./.

M. Thúy
 

Xem thêm »