Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nêu rõ, thực hiện chương trình Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, ngày 26/5, Tổng Thanh tra Chính phủ thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Tờ trình dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) trước Quốc hội. Quốc hội cũng đã thảo luận tại tổ với 140 lượt đại biểu Quốc hội tham gia ý kiến. Cơ quan chủ trì soạn thảo đã có Báo cáo tiếp thu giải trình bước đầu gửi tới các đại biểu Quốc hội. Tại phiên thảo luận tại hội trường, đã có 21 ý kiến thảo luận và tranh luận về dự án Luật.
Tiếp thu và giải trình làm rõ hơn một số nội dung mà nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, về hệ thống cơ quan thanh tra theo cấp hành chính, đa số các đại biểu Quốc hội tán thành việc giữ nguyên hệ thống cơ quan thanh tra theo cấp hành chính như hiện nay để đảm bảo nguyên tắc “
ở đâu có quản lý nhà nước ở đó có thanh tra”, ở đâu có quản lý nhà nước, ở đâu có phát sinh khiếu nại, tố cáo cần có cơ quan thanh tra để tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo trên; đồng thời nhấn mạnh tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý sai phạm từ sớm, từ xa ngay từ cơ sở, nhất là đối với Thanh tra cấp huyện. Bên cạnh đó cũng có ý kiến khác của một số đại biểu Quốc hội.
Tổng Thanh tra Chính phủ nêu rõ, về nội dung này, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban Pháp luật nghiên cứu hoàn thiện các quy định về tổ chức hoạt động của Thanh tra huyện, tham mưu trình Chính phủ các quy định cụ thể nhằm kiện toàn tổ chức nâng cao năng lực của cơ quan thanh tra cấp huyện đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước hiện nay.
Về hệ thống cơ quan thanh tra trong ngành, lĩnh vực, đa số các đại biểu Quốc hội tán thành việc thành lập Thanh tra Tổng cục thuộc Bộ, nhất là tại một số Tổng cục lớn như Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Đo lường chất lượng Tổng cục Đất đai. Tổng cục Thủy lợi, Tổng cục Đường bộ…Các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành việc thành lập cơ quan thanh tra tại cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan nhà nước khác đối với Thanh tra Sở, đồng thời, cơ bản tán thành giao cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập Thanh tra Sở trên cơ sở căn cứ vào pháp luật chuyên ngành quy định có tổ chức thanh tra nhu cầu thực tiễn khối lượng công việc và tổng biên chế được Trung ương giao cho địa phương.
Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, đối với nội dung này, cơ quan soạn thảo sẽ phối hợp với Ủy ban Pháp luật nghiên cứu bổ sung quy định tiêu chí nguyên tắc thành lập cơ quan thanh tra để tránh lạm dụng đảm bảo tính thống nhất, khả thi, tinh gọn, tránh chồng chéo. Tổng Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh tinh thần không phải Tổng cục thuộc Bộ nào cũng được thành lập cơ quan thanh tra mà cơ bản chỉ được thành lập cơ quan Thanh tra Tổng cục thuộc Bộ, Thanh tra Sở thuộc Sở mà pháp luật chuyên ngành có quy định có tổ chức thanh tra nhu cầu thực tiễn cần thiết và theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Về trình tự thủ tục thanh tra, qua thảo luận, đại biểu Quốc hội đề nghị cần nghiên cứu kế thừa các quy định của Luật Thanh tra hiện hành theo hướng có một số khâu về trình tự, thủ tục mang tính khung áp dụng chung cho cả hai loại hình thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành. Đồng thời có quy định riêng về trình tự, thủ tục tiến hành hoạt động thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành nhằm tạo điều kiện thuận lợi khi tiến hành thanh tra phù hợp với đặc điểm quản lý từng lĩnh vực.
Về nội dung này, Tổng Thanh tra Chính phủ cũng cho biết sẽ phối hợp với Ủy ban Pháp luật nghiên cứu tiếp thu, chỉnh sửa dự thảo Luật theo hướng khung quy định khung một số khâu về trình tự, thủ tục hoạt động thanh tra cho hoạt động thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành như việc ban hành quyết định thanh tra, xây dựng kế hoạch thanh tra, báo cáo kết quả thanh tra ban hành kết luận thanh tra đồng thời quy định riêng về trình tự, thủ tục cho thanh tra chuyên ngành và thanh tra hành chính phù hợp với đặc điểm quản lý nhà nước theo lĩnh vực và ngành.
Về quản lý, giám sát hoạt động Đoàn thanh tra, qua thảo luận, đại biểu Quốc hội đề nghị quy định cụ thể hơn về quy chế quản lý, giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thanh tra cơ giới, giám sát phải mang tính độc lập đối với hoạt động của Đoàn thanh tra; bổ sung các quy định về việc như tiếp xúc với đối tượng thanh tra việc ăn ở, đi lại, chế độ làm việc của Đoàn thanh tra phải đảm bảo tính độc lập, khách quan trong suốt quá trình thanh tra.
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, giám sát hoạt động Đoàn thanh tra là nội dung quan trọng nhằm thực hiện đúng mục đích, yêu cầu của cuộc thanh tra, kiểm soát hoạt động các thành viên Đoàn thanh tra nhằm phòng chống, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra. Do đó, cơ quan soạn thảo sẽ phối hợp với Ủy ban Pháp luật rà soát, bổ sung, chỉnh sửa về các quy định này. Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết thêm, hiện nay, Thanh tra Chính phủ đang sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về quản lý, giám sát hoạt động Đoàn thanh tra nhằm phòng ngừa nhằm phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong cơ quan thanh tra và hoạt động của Đoàn thanh tra theo đúng tinh thần chỉ đạo, của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đó là: “Phải phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong các cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng, tiêu cực.”
Tổng Thanh tra Chính phủ khẳng định, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội và phối hợp với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoàn thiện từng nội dung cụ thể trong dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi để trình Quốc hội xem xét thông qua trong kỳ họp tháng 10 tới./.
Hà Linh